Câu lạc bộ của những người nuôi lợn

Thứ năm, ngày 17/04/2014 09:33 AM (GMT+7)
Thành lập năm 2010, CLB chăn nuôi lợn ở xã Tân Thịnh, Lạng Giang, Bắc Giang đã trở thành cầu nối giúp nông dân (ND) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình.
Bình luận 0
Xã Tân Thịnh có 2.500 hộ, thì 500 hộ chăn nuôi lợn, tập trung nhiều nhất ở thôn Then.

Hợp tác làm ăn

Ông Nguyễn Văn Hoan - Chủ tịch Hội ND xã Tân Thịnh cho biết: “Từ năm 2009-2010, phong trào chuyển từ cấy lúa không ăn chắc sang nuôi lợn phát triển mạnh ở xã, thu nhập của ND tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do các hộ làm ăn riêng lẻ nên tiềm ẩn nhiều rủi do. Với mục đích tạo nơi để các hộ chăn nuôi cùng chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, thị trường, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình chăn nuôi, Hội ND xã đã thành lập CLB chăn nuôi lợn.

Anh Đặng Văn Hà - Chủ nhiệm CLB chăn nuôi lợn thôn Then cho hay: “Ngày mới thành lập, CLB có 10 thành viên là những người có cùng sở thích và đang chăn nuôi lợn. CLB sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Trong quá trình chăn nuôi, thành viên nào gặp vướng mắc hay khó khăn, các thành viên còn lại sẽ hỗ trợ, giúp đỡ”.

Theo anh Hà, CLB chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm của các thành viên; tư vấn kỹ thuật, cách thức xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc đàn lợn đạt hiệu quả cao nhất. Năm nào, CLB cũng phối hợp với Hội ND xã liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi (doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi cho thành viên trong CLB) mở lớp tập huấn, dạy nghề cho hội viên.

Năm 2010 - 2011, Hội ND xã tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y. Năm 2013, phối hợp với công ty phân phối thức ăn trong tỉnh tổ chức 4-5 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các thành viên được hướng dẫn quy trình chăn nuôi tự động từ cho ăn, uống nước, tắm cho lợn để giảm bớt nhân công; tư vấn xây dựng hầm biogas tận dụng chất thải của lợn làm chất đốt, điện thắp sáng.

Thấy được lợi ích khi tham gia CLB, nhiều hộ ND trong thôn đăng ký gia nhập. Đến nay, thành viên CLB đã tăng lên 14 người.

Lợi nhuận tăng

Không chỉ là chủ nhiệm mẫn cán, anh Hà rất thành công trong chăn nuôi. Anh cho hay, năm 2007, thấy mô hình làm kinh tế trang trại của nhiều ND trong, ngoài huyện hiệu quả cao hơn trồng lúa, anh quyết định chuyển sang nuôi lợn. Ban đầu, anh nuôi với số lượng nhỏ, chủ yếu là lợn thịt (giống nội).

Trong quá trình nuôi, anh tìm hiểu thông tin trên mạng, đến các trang trại chăn nuôi học hỏi kinh nghiệm. Thấy nuôi lợn giống ngoại hiệu quả kinh tế hơn anh quyết định chuyển sang nuôi lợn ngoại. Để chủ động con giống, anh nuôi thêm lợn nái.

"Trong quá trình chăn nuôi, thành viên nào gặp vướng mắc hay khó khăn, các thành viên còn lại sẽ hỗ trợ, giúp đỡ”.


Anh Đặng Văn Hà

Anh Hà chia sẻ: “Muốn chăn nuôi đạt hiệu quả phải chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng, tiêm vaccine đầy đủ để phòng ngừa dịch bệnh, cho ăn đúng tiêu chuẩn...”.

Nhờ vậy mà đàn lợn của gia đình anh chưa gặp dịch bệnh nào đáng kể. Với 200 con lợn (trong đó có 30 nái), mỗi năm anh xuất bán 2 lứa, với 30 tấn/năm, doanh thu 200-300 triệu đồng/năm.

Với trách nhiệm của chủ nhiệm CLB, anh Hà thường xuyên tư vấn cho hội viên cách nuôi lợn theo quy trình tự động, chủ động con giống, giới thiệu thị trường bán sản phẩm.

Tham gia CLB từ những ngày đầu mới thành lập, chị Nguyễn Thị Lanh chia sẻ: “Nhờ tham gia CLB chăn nuôi lợn, tôi được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh nên đàn lợn phát triển nhanh”. Được Chủ nhiệm Hà hướng dẫn quy trình nuôi lợn tự động, với đàn lợn 80 con cả lợn nái và lợn thịt, chỉ 2 vợ chồng chị chăm sóc, mà lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể.
Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem