Sau 6 ngày dẫn đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc đi học tập kinh nghiệm sản xuất công nghệ cao tại Hàn Quốc, xin bà cho biết đánh giá về kết quả chuyến công tác của đoàn?
- Trước tiên, tôi thấy rằng đoàn đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo chương trình đã đề ra trước đó. Các hoạt động chủ yếu đoàn đã tham gia đầy đủ đó là thăm Công ty Nông sản Deaheung (thành phố Cheangdong) - nơi có trại nấm lớn nhất Hàn Quốc. Đây là mô hình sản xuất nấm thành công từ khâu sản xuất, bảo quản và đầu ra. Sau đó đoàn đã đi thăm Tổng Cục phát triển nông nghiệp Hàn Quốc, nơi có 4 viện nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp gồm Viện Nghiên cứu trồng trọt, chăn nuôi; Viện nghiên cứu rau củ quả; Viện nghiên cứu khoa học. Tiếp đến đoàn đã khảo sát thực tế tại trung tâm thuỷ lợi tưới tiêu của Tổng Công ty Nông- Ngư- Nghiệp Hàn Quốc và đi tham quan vườn thảo dược số 1 ở Seoul… Qua đây, đoàn đã nắm được quy trình kỹ thuật, kiến thức về phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp để nghiên cứu, sản xuất các vật nuôi, cây trồng mang năng suất chất lượng cao. Phải nói rằng, điểm nổi bật nhất của nông nghiệp Hàn Quốc đó là áp dụng thành công các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tiết kiệm chi phí sản xuất, cho ra sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm lợi ích sức khỏe người tiêu dùng cũng như tạo ra giá trị cốt lõi cho chính sản phẩm của mình.
Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Qua chuyến đi này, đoàn đã được trải nghiệm, học tập kinh nghiệm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, qua đó những nông dân sản xuất giỏi đã hình thành nên ý tưởng, từ đó phác thảo ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn trong tương lai. Một số thành viên trong đoàn cũng đã chia sẻ rằng họ đã hình thành ý tưởng du lịch sinh thái, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn thu hút khách du lịch, nâng cao doanh thu cho bản thân và địa phương.
Đây là chuyến đi hình thành ý tưởng, cơ hội tìm kiếm thị trường, nắm bắt được nhu cầu thị trường Hàn Quốc, qua đó sản xuất được những sản phẩm rau củ quả, phù hợp với thị trường Hàn Quốc, đủ sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những chuyến đi như thế này rất cần thiết, bổ ích, hình thành ý tưởng của nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Theo bà qua chuyến đi này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ phải có những thay đổi nào về chính sách để hỗ trợ nông dân hơn nữa?
- Thứ nhất, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ có chỉ đạo cho các cấp hội, vận động nông dân tiếp tục sản xuất theo quy trình công nghệ cao, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phối hợp với các ngành chức năng thúc đẩy sản xuất.
Đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hàn Quốc do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức
Thứ hai, Hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ có những chính sách, cơ cấu hợp lý hỗ trợ trực tiếp cho nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.
Trước mắt, Hội sẽ hỗ trợ quy trình chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề, quảng bá, xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngân hàng về hỗ trợ vốn để giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm của mình.
Tôi hy vọng, đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc đi học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức sẽ có quy mô lớn hơn, thành phần nông dân đại diện cho các ngành nghề từ vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, ngư nghiệp và đại diện cho các vùng miền, số lượng nông dân tham gia cũng đông hơn để nhiều nông dân có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ thông minh của nền nông nghiệp thế giới.
Tôi cũng hi vọng, báo Nông thôn Ngày nay sẽ không ngừng tìm hiểu, khai thác các thông tin về các đối tác nông nghiệp trên toàn cầu, để từ đó đưa nông dân đi tham quan trực tiếp các mô hình hợp tác xã, trang trại để có điều kiện cho nông dân tiếp cận phù hợp và thực tế hơn, dễ học tập và ứng dụng với trang trại của nông dân Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.