Nông sản Việt Nam chuẩn bị phủ khắp các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc
Nông sản Việt Nam chuẩn bị phủ khắp các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc
Nghĩa Lê
Thứ năm, ngày 21/11/2024 13:18 PM (GMT+7)
Chiều 20/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Tập đoàn Sunwah tổ chức "Hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc và Lễ ra mắt gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc".
Với quy mô kinh tế và dân số, mỗi tỉnh của Trung Quốc được ví như một quốc gia, mở ra cơ hội to lớn để nông sản Việt Nam nâng tầm vị thế và phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết: "Năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định và đạt được những kết quả ấn tượng. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 51,74 tỷ USD. Nếu xu hướng tích cực này tiếp tục trong hai tháng cuối năm, dự kiến cả năm sẽ vượt mốc 62 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay".
Ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: "Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, Trung Quốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng, cùng với Mỹ là hai thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng 11%, đạt 11,1 tỷ USD, với các sản phẩm chủ lực như rau, trái cây, đặc biệt là sầu riêng. Từ cuối tháng 10 đến tháng 2/2025, sầu riêng tươi của Việt Nam gần như chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây nhiệt đới".
Nhờ điều kiện địa lý và khí hậu thuận lợi, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất nông sản nhiệt đới chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Ông Tiến chia sẻ thêm: "Bộ NNPTNT đang định hướng mở rộng xuất khẩu vào các tỉnh nội địa Trung Quốc – những thị trường giàu tiềm năng với quy mô kinh tế lớn, dân số đông và thu nhập bình quân cao. Các tỉnh này được ví như những thị trường độc lập, sở hữu nhiều cơ chế linh hoạt để thúc đẩy giao thương nông sản".
Với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Sunwah Hồng Kông, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã khảo sát thị trường tỉnh Hà Nam – một trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung vào các khu vực biên giới mà còn thâm nhập sâu hơn vào các tỉnh đất liền, nơi có nhu cầu cao và môi trường giao thương thuận lợi.
Đặc biệt, ông Tiến nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử trong việc mở rộng xuất khẩu: "Hiện nay, thương mại điện tử tại Trung Quốc chiếm 33-34% tổng doanh số bán lẻ, vượt xa mức 7-8% của Việt Nam. Việc đưa nông sản Việt Nam lên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc là điều kiện tiên quyết để tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường này".
Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã thí điểm mở Gian hàng Nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, giúp doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm và gia tăng sự hiện diện tại đây.
"Sự kiện này không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi thông tin mà còn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ chế biến, cung cấp thiết bị hiện đại và logistic. Với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Viettel Post và các tập đoàn logistic,... chúng tôi đang định hướng đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ các mặt hàng nông sản tươi mà còn các sản phẩm chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam", ông Tiến nói.
Việc tối ưu hóa hạ tầng logistic, cải thiện phương tiện vận chuyển và đẩy mạnh thương mại điện tử là hướng đi tất yếu để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Thương mại điện tử xuyên biên giới...
Theo ông Lê Trung Dũng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương: "Trong những năm vừa qua, chúng tôi thường xuyên hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để đưa hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới. Chúng tôi luôn nỗ lực xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường, đưa Việt Nam vươn mình ra quốc tế".
Thương mại điện tử đã thay đổi cách chúng ta tiếp cận thị trường quốc tế. Thay vì phải tham gia hàng loạt hội chợ hay hội nghị giao thương với nhiều rào cản về ngôn ngữ và địa lý, thương mại điện tử đã rút ngắn khoảng cách đó.
Năm 2023, 17 triệu sản phẩm Việt Nam được bán trên nền tảng Amazon của Mỹ, với giá trị xuất khẩu tăng đến 50%. Trên nền tảng Alibaba, số lượng nhà mua hàng quốc tế các sản phẩm Việt Nam tăng 55%, trong khi số lượng sản phẩm Việt Nam có mặt trên nền tảng này tăng 24%. Những con số này cho thấy sự thay đổi ngoạn mục trong cách doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam được hỗ trợ bởi hạ tầng công nghệ hiện đại. Hạ tầng internet đã có sự phát triển vượt bậc, với tốc độ internet băng thông rộng đạt 146,79 Mbps cho tải xuống và 127,56 Mbps cho tải lên, giúp Việt Nam xếp hạng 32 thế giới.
Cùng với đó, thanh toán điện tử tại Việt Nam cũng bùng nổ. Năm 2023, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63% tổng số người trong độ tuổi lao động. Thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị gần 219,5 triệu tỷ đồng, tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị so với năm trước.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo ra sự thay đổi lớn trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng AI để tối ưu hóa quy trình vận hành, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Một doanh nghiệp với doanh thu 20 triệu USD chỉ cần 7 nhân sự nhờ áp dụng AI trong quản lý, tiếp thị và chăm sóc khách hàng, cho thấy tiềm năng lớn của công nghệ này.
Ngoài ra, hạ tầng logistics tại Việt Nam cũng có những bước tiến đáng kể. Mặc dù chưa đạt chuẩn hàng đầu thế giới, nhưng tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 16%, mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Làn sóng chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử cũng góp phần thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2021 đến nay, GMV (Tổng giá trị giao dịch) thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình trên 25% mỗi năm và dự kiến sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.
"Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, cần tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Nghị định 80/2021/NĐ-CP, Quyết định 645/QĐ-TTg và Quyết định 1415/QĐ-TTg. Những chương trình này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử quốc tế mà còn thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với sự hỗ trợ từ các chính sách này, cùng với nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành con đường lý tưởng để hàng Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế", ông Dũng chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.