Trung Quốc đã chi 3,7 tỷ USD để mua, Việt Nam sẽ thu 7 tỷ USD nhờ bán đủ loại trái cây

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 15/11/2024 09:42 AM (GMT+7)
Với sức hút của thị trường, cộng với chất lượng nhiều loại trái cây ngày càng được khẳng định, theo tính toán của các ngành chức năng, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam dự báo sẽ tăng 25% so với năm 2023, lên hơn 7 tỷ USD.
Bình luận 0

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 709,9 triệu USD, tăng 20,1% so với tháng 8/2024 và tăng 44,5% so với tháng 9/2023. 

Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Xuất khẩu tới thị trường Thái Lan đứng thứ hai, đạt 38,8 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 78,0% so với tháng 9/2023; lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 202,3 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 3,6%.

Xuất khẩu trái cây sắp chạm mốc 7 tỷ USD - Ảnh 1.

Thu mua sầu riêng ở Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita). Ảnh: Khánh Nguyên

9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 5,6 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây dự báo sẽ tăng 25% so với năm 2023, lên hơn 7 tỷ USD.

Xuất khẩu trái cây tới Mỹ đứng thứ ba với kim ngạch đạt 27,1 triệu USD, giảm 27,3% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 29,1% so với tháng 9/2023; lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 254,2 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 4,5%.

Sầu riêng tiếp tục là chủng loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 9/2024 với kim ngạch 673,8 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 8/2024; lũy kế 9 tháng năm 2024, kim ngạch đạt 2,82 tỷ USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Trong khi mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai là thanh long vẫn trong xu hướng giảm, kim ngạch trong tháng 9/2024 giảm 4,4% so với tháng 8/2024; 9 tháng năm 2024 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2023, xuống 391,6 triệu USD. 

Ngoại trừ thanh long thì các loại rau quả xuất khẩu chủ lực khác như: nhãn, dừa, xoài, mít đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây dự báo sẽ tăng 25% so với năm 2023, lên hơn 7 tỷ USD.

Xuất khẩu trái cây sắp chạm mốc 7 tỷ USD - Ảnh 2.

Sầu riêng đông lạnh đang là mặt hàng triển vọng. Ảnh: K.N

Dư địa còn lớn, tiếp tục mở rộng thị trường

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trái cây của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới. Dù vậy, trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu. 

Điển hình là tại thị trường Trung Quốc, nhiều loại trái cây chủ lực của Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh khi Trung Quốc tự mở rộng diện tích canh tác nội địa khá nhanh. Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. 

Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hiếu- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhận định: Trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.

"Tuy nhiên, chúng ta cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu"- ông Nguyễn Quang Hiếu khuyến cáo.

Về tiềm năng trong tương lai, ông Hiếu cho biết với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như sự phát triển của các sản phẩm chế biến như sầu riêng đông lạnh và sấy. Dự báo đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt mốc 15 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem