Đội tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Cup, CĐV “đi bão” xuyên đêm
Trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2018 diễn ra trên sân Mỹ Đình tối 6/12, đội tuyển Việt Nam đã tiếp tục vượt qua đối thủ Philippines với tỉ số 2-1. Tổng tỉ số sau 2 lượt trận bán kết là 4-2. Như vậy, sau tròn 10 năm, đội tuyển Việt Nam lại giành quyền vào chơi trận chung kết AFF Cup. Đối thủ trong trận chung kết sắp tới của chúng ta là đội tuyển Malaysia.
Đội tuyển Việt Nam đã chính thức ghi tên vào chung kết AFF Cup 2018
Chiến thắng này đã khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá bùng nổ cảm xúc. Quá sung sướng, hàng vạn CĐV ở Hà Nội và TP.HCM đã đổ ra đường ăn mừng xuyên đêm. Họ mang theo cờ, hoa diễu hành qua nhiều tuyến phố, vừa di chuyển, CĐV vừa hò reo, hô vang “Việt Nam vô địch”.
Trong đêm, rất đông CĐV đổ ra đường ăn mừng nên CSGT, CSCĐ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… cũng phải làm nhiệm vụ tới gần sáng để chống đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Một số trường hợp vi phạm, cổ vũ quá khích đã bị CSCĐ ngăn chặn, xử lý. Hàng chục phương tiện vi phạm luật giao thông cũng bị lập biên bản, tạm giữ.
Ông Nguyễn Thành Tài - nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM bị bắt
Ngày 8/12/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại TP.HCM liên quan đến khu đất 8-12 Lê Duẩn, Quận 1.
Ông Nguyễn Thành Tài
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét với các ông: Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM); Nguyễn Hoài Nam (SN 1965, Bí thư quận ủy Quận 2, TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất, Sở TN-MT TP.HCM); Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM); Trương Văn Út (SN 1970, Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN-MT TP.HCM).
Ông Tài bị áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam; ông Nam bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Còn các ông Kiệt, Út đã bị tạm giam trong vụ án khác.
Chiều cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với VKS đã hoàn tất việc khám xét nhà của ông Tài và thu giữ một số tài liệu liên quan để phục vụ điều tra.
Bất ngờ di chuyển 40 quả "bóng xích" ở sân vận động Mỹ Đình
Trong đêm 5/12, Ban quản lý SVĐ Mỹ Đình đã cho di chuyển khoảng 40 quả cầu bê tông chằng với nhau bằng dây xích (gọi tắt là bóng xích) ra khỏi Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Số bóng xích trên đã được chuyển đến một vị trí khá kín đáo ở một sân golf đã được giải tỏa bên cạnh khán đài B của sân.
Những quả bóng xích được đơn vị quản lý SVĐ Mỹ Đình di chuyển đi trong đêm 5/12
Về lý do di chuyển số "bóng xích" này, có người cho rằng, bóng xích là bóng chết, nó không tạo ra năng lượng. Chính vì vậy, các đội bóng của chúng ta đi "đánh" thiên hạ thì thắng, nhưng khi về đá ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình ở các trận loại trực tiếp chỉ hòa và thua, do đó, về lâu dài nên bỏ xích đi.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, thắng hay thua là do thực lực, tinh thần thi đấu của các cầu thủ nước nhà cùng chiến thuật của huấn luyện viên.
Trước câu hỏi về việc có hủy luôn 40 quả bóng xích này đi không, ông Nguyễn Việt Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Khu LHTTQG Mỹ Đình cho biết quả cầu đá rất hay. Vấn đề ở chỗ là để chỗ cũ thì không hợp lý. Sau khi kết thúc AFF Cup 2018, Khu LHTTQG Mỹ Đình sẽ tìm chỗ hợp lý hơn để đặt 40 quả cầu bê tông này.
Bí thư huyện Sóc Sơn “nhận đủ gạch đá xây nhà 20 tầng”
Chiều 4/12, bên lề Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, sau phát biểu của ông rằng “phá Việt phủ Thành Chương rất phí” thì ông đã “nhận đủ gạch đá xây nhà 20 tầng”.
Về ý kiến cho rằng Hà Nội nên mua lại Việt phủ Thành Chương, ông Phương nhấn mạnh, hiện huyện vẫn chờ kết luận thanh tra nhưng ông ủng hộ phương án này.
Việt phủ Thành Chương nằm trong diện thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn - Ảnh: NLĐ
“Nếu hai bên ngồi lại được với nhau bàn bạc đi theo phương án mua lại cũng là tốt. Vì quay trở lại câu chuyện mà tôi từng nói ở đó có nhiều hiện vật quý giá… Có nhiều cái tôi lên thấy ngạc nhiên vì chưa từng nhìn thấy ở đâu có. Những cái đó là lý do tôi cảm thấy tiếc, lãng phí nếu bỏ”, ông Phương nói.
Về việc cưỡng chế 18 công trình vi phạm đất rừng tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ông Phương cho hay, nếu như theo kế hoạch ban đầu trong tháng 11/2018 sẽ thực hiện xong, tuy nhiên, sau khi huyện có kế hoạch thì UBND TP có quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn.
Vũ “nhôm” bị đề nghị mức án 15-17 năm tù
Sáng 7/12, sau 2 ngày tạm dừng, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), Trần Phương Bình cùng 24 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại CP Đông Á - DAB.
Trong vụ án này, Vũ “nhôm” bị đề nghị mức án 15-17 năm tù
Từ hậu quả vụ án để lại là đặc biệt nghiêm trọng, VKSND TP.HCM nhận định, bị cáo Trần Phương Bình phải chịu mức án nghiêm khắc nhất mới tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và đủ sức răn đe, từ đó đề nghị xử phạt bị cáo Bình mức án tù chung thân.
Đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), vì vụ lợi đã gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm gây ra, lẽ ra Vũ phải chịu khung hình phạt theo quy là 20 năm tù đến chung thân. Tuy nhiên, Vũ đã vận động gia đình khắc phục được 203 tỷ đồng, hứa trả 13,4 triệu USD. Vì vậy, VKSND đề nghị phạt Vũ mức án 15 - 17 năm tù. Tổng hợp hình phạt trước đó Vũ đã chịu xử phạt ở vụ án khác là 8 năm, Vũ bị đề nghị mức án 25 năm tù.
Các bị cáo khác chịu mức án từ án treo đến 20 năm tù.
Theo VKS, hành vi của bị cáo Trần Phương Bình là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Đông Á lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.