Tai nạn thảm khốc, chú rể và 12 người đi đón dâu tử vong
Tối 29/7, xe ô tô chở gia đình chú rể từ xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào Bình Định đón dâu. Hơn 2h sáng hôm sau (30/7), khi đến thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam), xe đón dâu đã va chạm với container đi chiều ngược lại, lúc này trên xe khách có 17 người.
Vụ tai nạn khiến 13 người tử vong, trong đó có cả chú rể. Tất cả nạn nhân đều là người ngồi trên ô tô khách, trong khi tài xế xe container chỉ bị thương nhẹ.
Trong số các nạn nhân tử vong, có 4 người là người trong gia đình chú rể, bao gồm chú rể, mẹ chú rể, em gái chú rể và một người cháu.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng
Tại hiện trường, chiếc xe container nằm sát mép phải đường với phần đầu bị móp, hư hỏng nặng; còn chiếc 16 chỗ bẹp dúm, chắn ngang với góc xoay hơn 100 độ, thi thể nạn nhân biến dạng lẫn trong các mảnh vỡ văng tứ tung…
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn kinh hoàng này được xác định là do tài xế xe đón dâu buồn ngủ, mất tay lái. Người nhà tài xế xe khách chia sẻ, tài xế xe khách đã chạy liên tục hơn 12 tiếng, có dấu hiệu làm việc quá sức.
Khởi tố vụ án điểm thi cao bất thường ở Hòa Bình
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để làm rõ sai phạm tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh này.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn (Chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hòa Bình) và Đỗ Mạnh Tuấn (Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy) đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra. Hiện, cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở của 2 ông này.
Công an khám xét nơi ở của bị can Đỗ Mạnh Tuấn
Trước đó, điểm thi THPT quốc gia 2018 của Hoà Bình khiến nhiều người ngỡ ngàng khi xếp thứ hạng rất cao, tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên các môn toán, lý, hóa cũng như số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi đều rất cao so với tỉ lệ trung bình cả nước.
Chiều 2/8, ông Nguyễn Đức Lương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết trong quá trình rà soát lại khâu tổ chức coi thi, chấm thi kỳ thi THPT quốc gia, tổ công tác đã phát hiện có những vấn đề cần phải báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ GDĐT, cũng như công an tỉnh này.
Công bố bản án dành cho Vũ "nhôm"
Ngày 30/7, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, trú tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.
Vũ “nhôm” và đồng phạm nghe HĐXX tuyên án chiều 30/7
Hầu tòa cùng Vũ “nhôm” với cùng tội danh còn có 2 bị cáo khác là Phan Hữu Tuấn (SN 1955, trú tại quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Bộ Công an, đã nghỉ hưu) và Nguyễn Hữu Bách (SN 1963, trú tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an).
HĐXX tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ mức án 9 năm tù. Bị cáo Phan Hữu Tuấn bị tuyên phạt mức án 7 năm tù, bị cáo Nguyễn Hữu Bách nhận án 6 năm tù.
“Út trọc” Đinh Ngọc Hệ lãnh án 12 năm tù
Ngày 31/7, sau hai ngày xét xử, Toà án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc", cựu thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ; 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hệ phải chấp hành 12 năm tù.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tức Út “trọc” tại tòa (Ảnh: TTXVN)
Các bị cáo Trần Văn Lâm (TGĐ điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng), Trần Xuân Sơn (cựu TGĐ chi nhánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương), Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 Quân chủng PK-KQ), Phùng Danh Thắm (cựu TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) cũng phải lĩnh án.
Các bị cáo phải khắc phục số tiền hơn 1,4 tỷ đồng thất thoát. Với số tiền hơn 6 tỷ thu lợi từ việc cho thuê xe biển xanh 80A trái pháp luật, toà tuyên sung quỹ Nhà nước.
Người dân sống chung với lụt ở “rốn lũ” Chương Mỹ
Mưa lớn từ nửa cuối tháng 7 khiến lũ thượng nguồn từ Hòa Bình qua sông Bùi dồn về các khu vực ngoại thành Hà Nội (thuộc Hà Tây cũ), đặc biệt là huyện Chương Mỹ. Nước dâng cao, nhấn chìm nhiều vùng dân cư.
Clip: Cuộc sống của người dân ở “rốn lũ” Chương Mỹ
Cảnh ngập lụt kéo dài đã hơn nửa tháng nay khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Hàng trăm chiến sĩ quân đội từ nhiều đơn vị khác nhau được điều động đến để hỗ trợ bà con chạy lụt. Người già, trẻ em cùng gia súc, gia cầm được đưa đi sơ tán. Giường chiếu, ti vi, tủ lạnh... được kê lên cao. Trong khi đó, có những hộ dân không kịp trở tay, toàn bộ nhà cửa, tài sản chìm trong biển nước.
Trong đợt ngập lụt này, tại Chương Mỹ có 3 trường hợp (2 trẻ em trong 1 gia đình và 1 người cao tuổi) tử vong do bị đuối nước.
Rác thải tràn ngập từ đầu làng đến tận cửa nhà dân
Sau nửa tháng sống chung với lũ, nước lũ ở nhiều khu vực tại Chương Mỹ đã rút dần, nhưng rác bủa vây khắp nơi, tràn vào nhà, bốc mùi hôi thối khiến việc dọn dẹp vô cùng vất vả. Rác thải cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Sạt lở đất ở Lai Châu, 10 người chết và mất tích
Do mưa lớn kéo dài, chiều 3/8, tại xã Mù Sang và Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu) đã xảy ra làm ít nhất 6 người chết.
Sau những nỗ lực tìm kiếm của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Vàng Ma Chải và bà con nhân trong xã, đến nay, thi thể 5 nạn nhân bị vùi lấp tại xã này đã được tìm thấy. Hiện, gia đình của 5 nạn nhân đang lo tang lễ cho người thân của mình.
Hiện xã Vàng Ma Chải vẫn còn 6 người mất tích chưa tìm thấy
Ông Bùi Văn Huy - Phó bí thư Đảng ủy xã Vàng Ma Chải - cho biết, hiện xã vẫn còn 6 người nữa mất tích. Do các bản này ở trên cao, phương tiện máy móc không vào được nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.
Tại huyện Phong Thổ, sạt lở đất đã làm hàng chục ngôi nhà của người dân bị vùi lấp và hư hỏng. Nhiều hộ dân các xã khu vực ven sông, suối phải di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Theo người nhà tài xế Cường, trước khi chở đoàn rước dâu từ Quảng Trị đi Bình Định, tài xế này đã chạy một chuyến...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.