Nóng trong tuần: Sau 2 năm được thả xuống hồ Tây, đàn cá Koi Nhật Bản số lượng giảm sút

Thanh Hòa Chủ nhật, ngày 18/07/2021 19:55 PM (GMT+7)
​​​​​​​ Sau 2 năm được thả xuống hồ Tây, đàn cá Koi Nhật Bản số lượng giảm sút; Nâng giá thiết bị gây thiệt hại 10 tỉ, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị truy tố... là những tin nóng nhất tuần qua.
Bình luận 0

Sau 2 năm được thả xuống hồ Tây, đàn cá Koi Nhật Bản số lượng giảm sút

Sau khi hết hạn thử nghiệm thí điểm công nghệ Nano Bioreactor trên sông Tô Lịch và hồ Tây, đầu tháng 11/2019, khu thí điểm trên sông Tô Lịch được tháo dỡ, cá Koi và cá chép trên sông Tô Lịch được chuyển về khu vực thí điểm hồ Tây với số lượng hàng trăm con.

Tuy nhiên, khoảng giữa năm 2020, một số tôn quây ở khu vực thí điểm công nghệ Nano Bioreactor trên hồ Tây bị hoen rỉ, thủng lỗ khiến cá Koi và cá chép thoát ra ngoài một phần, số lượng đàn bị giảm (chưa kiểm đếm).

JVE đã cho gia cố lại khu vực tôn quây. Đồng thời tiếp tục vận hành máy Nano để duy trì khu vực thí điểm và đàn cá.

img

Những tấm tôn quây sau khi hoen rỉ, bị thủng đã được gia cố bằng một lớp bạt dày

Đầu tháng 7/2021, tức sau khi đàn cá được thả khoảng 2 năm, theo khảo sát của PV, hiện khu vực thí điểm công nghệ Nano Bioreactor trên hồ Tây vẫn được duy trì. Những tấm tôn quây đã được gia cố thêm bằng một lớp bạt dày.

Hiện ở hồ Tây vẫn duy trì 2 máy Nano và các tấm Bioreactor đặt chìm ở dưới lòng hồ từ thời điểm ban đầu. Chất lượng nước trong khu quây thí điểm ổn định, không bị tái ô nhiễm. Cá và các sinh vật khác vẫn sinh sống, phát triển tốt.

Nâng giá thiết bị gây thiệt hại 10 tỉ, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị truy tố

Ngày 13/7, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và 7 đồng phạm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong việc liên danh, liên kết lắp đặt robot phẫu thuật xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai làm tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân, gây thiệt hại cho 637 ca bệnh với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, năm 2009, sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Quốc Anh đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu với mong muốn phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân.

img

Ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và ông Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó giám đốc bệnh viện)

Tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) đến gặp ông Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng đối với robot Rosa và 44 tỷ với robot Mako cho Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan mà không thông qua Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai.

VKSND TP.Hà Nội xác định robot Rosa nhập khẩu với giá 7,4 tỷ đồng nhưng khi “qua tay” Phạm Đức Tuấn, thông qua Công ty thẩm định giá VFS, robot Rosa đã được đẩy giá lên thành 39 tỷ đồng. 

Phá đá, thông hầm qua đèo Tam Điệp thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam

6h sáng 12/7, Tập đoàn Sơn Hải đã cho phá đá, thông hầm bên phải tuyến của cao tốc Bắc - Nam qua dãy núi Tam Điệp. Trước đó, vào ngày 26/6/2021, hầm trái tuyến dài 245m cũng được đào thông. Hiện đơn vị thi công đang tiếp tục thực hiện công việc còn lại tại hai hầm chui này.

 Việc thông 2 hầm qua dãy núi Tam Điệp sẽ nối vào đường cao tốc Bắc - Nam ở gói thầu xây lắp số 11 đoạn qua địa phận huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

img

Hầm phải tuyến trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 qua núi Tam Điệp được thông vào rạng sáng ngày 12/7

Gói thầu trên chiều dài tuyến là 15,4km, đi qua các huyện: Hoa Lư, Yên Mô, TP Tam Điệp (thuộc tỉnh Ninh Bình) và huyện Hà Trung (thuộc tỉnh Thanh Hóa). Đơn vị thi công là Tập đoàn Sơn Hải và Doanh nghiệp Xuân Trường. Trong đó, phần hầm có chiều dài 245m và 1,7km đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công.

Theo thiết kế, hầm có 2 ống hầm, mỗi ống gồm 1 hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều đảm bảo tĩnh không đứng tối thiểu 5m; diện tích mặt cắt mỗi ống hầm ~ 99m2; tim hai hầm đơn cách nhau 45m; bề rộng mặt cắt ngang mỗi hầm 14,05m, gồm 3 làn xe cơ giới. Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp với bề rộng 2m, dài 30m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau khoảng cách 4-5 km/điểm.

Khen thưởng người tố giác 2 người lái xe chở thi thể đến trại hòm yêu cầu khâm liệm

Vào khoảng 22h30 ngày 4/7, 2 người từ TP. HCM đến huyện Cầu Kè, Trà Vinh liên hệ với trại hòm và tự xưng là nhà từ thiện đến mua hòm, đồng thời yêu cầu khâm liệm một thi thể nữ với giá 20 triệu đồng.

Thấy khả nghi vì thi thể được chở trong xe ô tô 4 chỗ nên anh Nguyễn Thành Phúc một mặt nhận lời để kéo dài thời gian, một mặt điện thoại báo cho công an.

img

Anh Nguyễn Thành Phúc được Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh tặng giấy khen. Ảnh: M.T

Hai người đi trên xe ô tô là Phan Đức Hồng (59 tuổi) và con gái (17 tuổi), ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM. Hồng khai nhận, sáng 3/7 chị N.T.T (30 tuổi) đến phòng khám của Hồng để phẫu thuật nâng ngực, nhưng chị T bị tím tái, khó thở và tử vong sau đó.

Lúc này, Hồng tìm danh bạ điện thoại di động của nạn nhân và liên lạc được với người thân của chị T. ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Sau đó, Hồng cùng con gái đưa thi thể nạn nhân lên xe ô tô rồi chở về Trà Vinh nhưng đi lạc đường đến huyện Cầu Kè thì điện thoại hết pin, không liên lạc được với người nhà nạn nhân nên đến trại hòm yêu cầu khâm liệm và bị phát giác vụ việc trên.

Ngày 14/7, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định khen thưởng cho anh Nguyễn Thành Phúc.

Hà Nội dừng dịch vụ không thiết yếu, không tụ tập quá 5 người từ 0h 19/7

Trong 1 tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tại nước ta tăng nhanh. Trong vòng 1 tuần (từ 12/7 đến 18/7) tăng 18.803 ca nhiễm. Trong đó, ngày 17/7 có số ca nhiễm cao nhất tuần là 10.020 ca nhiễm trong nước, đây là con số kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam. Trong tuần vừa qua có 129 ca tử vong liên quan tới COVID-19. 

Ngày 17/7, Thủ tướng quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, kéo dài 14 ngày, từ 0h ngày 19/7.

Tại Hà Nội, từ 0h ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. TP tiếp tục yêu cầu dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Ngày 14/7, 22 chốt kiểm soát dịch COVID-19 được đặt ở cửa ngõ Thủ đô được kích hoạt.

Ngày 18/7, UBND TP.Hà Nội có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, kể từ 0h ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thành phố. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Cũng trong ngày hôm nay, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ từ Hà Nội đến 37 tỉnh/thành phố và ngược lại.

Tại TPHCM, một số F0 có thể được thí điểm cách ly tại nhà gồm nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2, các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm; những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Nhiều chốt kiểm soát đã được lập lại và người dân sẽ bị kiểm tra ngẫu nhiên về “giấy thông hành” nhằm xác định các trường hợp ra đường không theo quy định của Chỉ thị 16.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem