22h30, phiên phúc thẩm vụ án xảy ra tại Oceanbank kết thúc làm việc ngày thứ 8 kéo dài khoảng 13 tiếng đồng hồ.
Vợ bị cáo Sơn vay 32 tỷ đồng để thi hành án cho chồng
Khi chủ tọa Ngô Hồng Phúc tiếp tục đề nghị VKS đối đáp nhiều vấn đề được luật sư và các bị cáo nêu ra khi tranh tụng, đại diện VKS Cấp cao tại Hà Nội cho hay đây là lần đầu tiên ông tham gia một phiên tòa làm việc xuyên cả tối như thế này.
Trong nội dung đối đáp đầu tiên, đại diện cơ quan công tố khẳng định trong số tiền ông Sơn chiếm đoạt có 20% của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), có tiền của các cổ đông Oceanbank, có tiền cổ phần của ông Thắm.
Đại diện VKS còn cho hay "quyết định mua ngân hàng này giá 0 đồng vẫn đang trong thời kỳ tranh chấp", vì thế các cổ đông vẫn có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự.
Hai kiểm sát viên đại diện VKSND Cấp cao tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: TTXVN
Tại tòa, VKS đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo tự nguyện bán tài sản chung của vợ chồng để bồi thường thiệt hại, theo nội dung bào chữa của luật sư Phạm Công Hùng.
VKS cho rằng có thỏa thuận về việc bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ ông Sơn) vay 32 tỷ đồng của người bạn là doanh nhân để bồi thường cho chồng. Viện dẫn Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản mà ông Sơn bị toà sơ thẩm kết án tử hình, VKS cho hay nếu người bị kết án nộp lại 3/4 tài sản tham ô và tích cực hợp tác… thì sẽ được giảm án.
VKS ghi nhận việc khắc phục 37 tỷ đồng nhưng đánh giá ông Sơn vẫn chưa đủ điều kiện để được giảm hình phạt bởi chưa thấy có thái độ "tích cực hợp tác". Vì thế, VKS không đề nghị giảm hình phạt tử hình cho bị cáo này.
Chủ tọa ngay sau đó cắt lời công tố viên, nói HĐXX mới chỉ nhận được ủy nhiệm chi 5 tỷ đồng từ tài khoản của bà Xuân chuyển tới cơ quan thi hành án.
Trước đó hai ngày, tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cho biết ông Sơn được một người bạn sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để giúp thoát án tử hình về tội Tham ô tài sản. Vợ ông Sơn cũng đã ‘lo’ được 5 tỷ nộp để khắc phục thiệt hại cho chồng. VKS và HĐXX sau đó không nêu ý kiến về nội dung trình bày này của luật sư.
Còn ông Sơn khi tự bào chữa đã xin HĐXX cho được bán các tài sản chung vợ chồng đang kê biên, chỉ để lại ngôi nhà đang ở để khắc phục hậu quả trong trường hợp vẫn bị kết tội tham ô. Bị cáo còn xin được dùng 20 tỷ đồng mà bản án sơ thẩm vụ PVN góp 800 tỷ trái luật vào Oceanbank tuyên ông Quỳnh trả cho mình để khắc phục tiếp số tiền phải bồi thường.
Ông Hà Văn Thắm: Mong HĐXX hết sức cẩn thận, không gây oan sai
Trước khi cho các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên phúc thẩm, chủ tọa Ngô Hồng Phúc nói dù bản án có hiệu lực ngay nhưng các bị cáo vẫn còn cơ hội xin giám đốc thẩm, tái thẩm.
Là người đầu tiên trình bày, cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm cho hay rất mừng khi được VKS đề nghị cho hưởng sáu tình tiết giảm nhẹ cùng với việc ghi nhận ông không biết cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn có hành vi chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: TTXVN
Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm kháng cáo những gì? Trong đơn kháng cáo dài 9 trang, Hà Văn Thắm đề nghị TAND Cấp cao xem xét lại việc tòa sơ thẩm quy kết ông ta là đồng phạm của Nguyễn Xuân Sơn trong việc chiếm đoạt tài sản. Nguồn: Zing
Ông Thắm xin HĐXX xem xét về việc ông "giúp sức vô tình", mong không bị kết án tù chung thân mà chuyển xuống án tù có thời hạn.
Cho rằng đây là lần cuối cùng được nói tại tòa, cựu chủ tịch Oceanbank xin HĐXX "hãy đọc kỹ bản giải trình" của ông. "Bị cáo chỉ xin nói một câu: Mong HĐXX hết sức cẩn thận, không vội vàng gây oan cho bị cáo".
Ông Thắm cho biết tính đến hôm nay bị tạm giam 1289 ngày, ở hai trại giam, sống cạnh những người phạm tội từ ma túy, cướp của đến giết người. Ông nói được người cùng buồng giam coi là người có học để hỏi kinh nghiệm ứng xử với cơ quan điều tra. "Bị cáo luôn nói các anh em thành khẩn với cơ quan điều tra sẽ được giảm tội. Đề nghị HĐXX xem xét bị cáo đã thành khẩn khai báo giảm án. Bị cáo buồn vì cấp sơ thẩm không ghi nhận việc này", ông Thắm nói.
"Dân tộc Việt Nam có câu đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. 1289 ngày bị cáo luôn thể hiện mình là người chạy lại. Bị cáo xin HĐXX cho bị cáo được quay lại với gia đình, xã hội chứ không tách bị cáo vĩnh viễn khỏi gia đình xã hội.
Xin cho bị cáo cơ hội được sống
Trình bày sau ông Thắm, cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn nói không muốn tranh luận về pháp lý mà muốn nói về tính cách, con người của mình. Bị cáo và bị cáo Nguyễn Minh Thu (cựu tổng giám đốc Oceanbank) chỉ là người đi làm thuê, nhưng trong bản án sơ thẩm đã bị "đẩy" lên như là chủ ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN
"Điều đó làm cho trách nhiệm cũng như những vấn đề khác của bị cáo không được công tâm. Việc quy buộc bị cáo chiếm đoạt tiền trong sáu năm đó là sự thực đau đớn vô cùng. Sự thật bị cáo có chiếm đoạt không?", giọng ông Sơn chậm, nghèn nghẹn.
Giọng nhỏ dần, ông Sơn nói mong được cấp phúc thẩm minh oan. "Xin cho bị cáo cơ hội được sống, được làm việc có ích cho xã hội. Bị cáo là người đang có bệnh hiểm nghèo có thể bị tai biến, đột tử bất cứ lúc nào".
Tiếp đó, cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu cảm ơn Ngân hàng TNHH Một thành viên Đại Dương đã có ý kiến xin giảm án cho bị cáo. Bà Thu run run nói xin HĐXX xem xét việc bà chỉ là người làm thuê, không tư lợi cá nhân.
"Bị cáo xin được thi hành án ngay để sớm ra ngoài tiếp tục cải tạo; xin không tước mạng sống anh Sơn, không tách anh Thắm vĩnh viễn ra khỏi xã hội bởi hai anh là người có nhiều đóng góp cho xã hội", bà Thu khóc nấc.
Nghe bà Thu nói, ông Sơn ngồi phía dưới liên tục dùng khăn tay lau nước mắt. Ông Thắm ngồi thẫn thờ.
Các bị cáo buồn bã trong phần nói lời sau cùng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: TTXVN
Tương tự bị cáo Thu, cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn cũng giãi bày mình là người làm thuê, không tư lợi song bản án quá nặng nề. Bốn năm qua, gia đình ông rất khó khăn. "Bị cáo biết mình là người có tội nên không hề thay đổi lời khai. Bị cáo tha thiết mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, không để bị cáo bị hàm oan", ông Hoàn nghẹn ngào nói.
Sáng 4.5, toà nghỉ nghị án và sẽ ra phán quyết vào lúc 14h.
Bảo Hà - Phạm Dự (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.