NSND Thái Bảo: Đừng dành cả tuổi thanh xuân đi thi gameshow săn giải thưởng

Thứ hai, ngày 11/06/2018 13:20 PM (GMT+7)
"Cả tuổi thanh xuân các bạn đi thi các cuộc thi để săn tìm danh tiếng giải thưởng cũng tốt, nhưng theo tôi đừng bỏ bê việc học hành để thu lượm kiến thức. Muốn đi đường dài thì vốn kiến thức phải giàu có, nếu không thì chỉ là chụp giật, nhất thời"- NSND Thái Bảo chia sẻ.
Bình luận 0

Những chuyến đi biểu diễn luôn mang lại cho chị những kỷ niệm đẹp khó có thể phai mờ trong tâm trí.

- Được biết, trong chuyến đi Nhật vừa rồi, chị được biểu diễn cho Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko xem, ấn tượng của chị về chuyến đi này như thế nào?

+ Vâng, lần đầu tiên tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, và còn được biểu diễn trước Nhà vua và Hoàng hậu nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt - Nhật, tôi xúc động vô cùng. Có thể nói, đến giờ, cảm giác bồi hồi vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

- Chị đã biểu diễn tác phẩm gì trước Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko vậy?

+ Lúc đầu tôi chuẩn bị 2 bài hát, một bài hát Việt và một bài hát Nhật. Bài hát Việt là "Diễm xưa", một ca khúc của Trịnh Công Sơn vô cùng nổi tiếng ở Nhật. Ca khúc này đã được đưa vào giáo trình giảng dạy tại Viện Đại học Kansaigakuin. 

Tôi chuẩn bị cả lời  Việt và lời Nhật. Bài hát thứ 2 tôi chuẩn bị để biểu diễn là bài hát Nhật "Koybetoio" (Người yêu dấu ơi). Đây cũng là một bài hát rất quen thuộc với người Nhật. Hồi Thủ tướng Nhật Koibe sang thăm Việt Nam, tôi đã hát ca khúc này trong chương trình biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. 

Ngoài hai bài hát đó, tôi còn chuẩn bị 2 bài độc tấu đàn bầu là "Ru con Nam Bộ" (Việt Nam) và "Ánh trăng thành cổ" (Nhật). Trong cuộc gặp gỡ vua và hoàng hậu Nhật Bản, tôi được yêu cầu biểu diễn đàn bầu bài "Ánh trăng thành cổ". 

Sau khi biểu diễn xong, tôi đứng chào Nhà vua và Hoàng hậu. Nhà vua và Hoàng hậu trước khi ra về đã bắt tay và hỏi chuyện tôi. Nhà vua hỏi tôi đã đến Nhật mấy lần rồi, tôi trả lời Nhà vua rằng tôi có may mắn lần này là lần thứ 5 được đến và biểu diễn tại đất nước Nhật. Vua và Hoàng hậu bắt tay nghệ sĩ và nói lời cảm ơn, rất ấm áp.

img

Vẫn biết chị theo học khoa Đàn bầu thời trẻ tại Nhạc viện, nhưng sau này chị hát là chính, ít khi thấy biểu diễn đàn bầu. Chuyến đi vừa rồi, để thành thục bài độc tấu với đàn bầu, chị có mất nhiều thời gian tập luyện lại không?

+ Cũng có một vài người hỏi tôi câu hỏi này vì nghi ngờ không biết Thái Bảo có còn chơi được đàn bầu chăng, nhưng đấy là họ không biết rằng mỗi ngày tôi vẫn tập đàn bầu đều đặn. 

Việc vừa chơi đàn bầu vừa hát với tôi thực sự rất đơn giản như cơm ăn nước uống. Đàn bầu vốn là tình yêu cháy bỏng của tôi, là niềm đam mê không bao giờ tôi bỏ quên được. Tất nhiên tôi ít có cơ hội biểu diễn đàn bầu trên sân khấu, nhưng điều đó không có nghĩa là đàn bầu vắng mặt trong cuộc sống hàng ngày của tôi.

- Chị có định mở lớp dạy đàn bầu cho các bạn trẻ không?

+ Tôi có ý định đó, nhưng có lẽ phải đợi đến khi tôi nghỉ hưu, công việc bớt bận rộn hơn bây giờ. Lúc đó tôi sẽ mở lớp dạy đàn bầu và dạy hát cho các bạn trẻ. Đây cũng là niềm mong mỏi của tôi từ lâu. 

Tôi muốn truyền dạy lại kinh nghiệm biểu diễn sáng tác một đời của mình cho các thế hệ tương lai. Không chỉ kinh nghiệm đàn hát, tôi còn muốn truyền lại các em những kiến thức về biểu diễn, về nhân cách, ứng xử của người nghệ sĩ khi làm người của công chúng. 

Vì tôi hiểu rằng, để trở thành một người nghệ sĩ, hát hay đàn giỏi thì chưa gọi là đủ được. Cần phải có vốn văn hóa sâu rộng, cách đối nhân xử thế phù hợp, văn minh nữa.

- Chị là một người đã từng theo học nhạc cụ dân tộc rồi sau đó chuyển sang ca hát chuyên nghiệp. Hiện nay cũng có hiện tượng một số bạn trẻ theo học các môn nhạc cụ truyền thống nhưng khi ra trường lại chuyển hướng làm ca sĩ, thậm chí bỏ nghề vì môi trường biểu diễn quá khó khăn, không sống được bằng nghề. Chị có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

+ Vâng, đây là một câu chuyện hết sức đáng buồn trong công tác đào tạo nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống ở ta. Bạn biết đấy, nhiều nghệ sĩ theo học nhạc cụ dân tộc xong ra trường, họ không có đất để dụng võ. Có quá ít chương trình để họ có thể biểu diễn. Khi không sống được bằng nghề, người ta phải xoay cách khác mưu sinh, lâu dần sẽ cùn mòn, nản chí và có thể bỏ nghề. 

Việc chuyển hướng sang ca hát không phải ai cũng thành công, vì còn phải phụ thuộc vào giọng hát cũng như nhiều điều kiện khác, trong đó có cả yếu tố may mắn. Một người nghệ sĩ mà không có cơ hội lên sân khấu biểu diễn, không có công chúng thì ngọn lửa yêu nghề làm sao cháy mãi được. 

Tôi mong Nhà nước có một chính sách phù hợp hơn trong việc đào tạo nghệ sĩ sử dụng nhạc cụ truyền thống. Những chế độ đãi ngộ nghệ sĩ phải đủ tốt để khuyến khích họ ở lại với nghề. Và điều quan trọng nhất là phải tạo ra một môi trường hoạt động nghệ thuật sôi động hơn để họ có thể phát huy tài năng, đam mê của mình.

img

Hiện có quá nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật trên truyền hình. Các game show mọc lên như nấm, là cơ hội hấp dẫn cho nhiều bạn trẻ tìm kiếm sự nổi tiếng bằng con đường tắt, ngắn hơn thời của chị. Thậm chí có một số bạn trẻ chỉ sau một cuộc thi đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, kiếm nhiều tiền mà không cần phải qua học hành đào tạo. Câu chuyện này theo chị có gì bất cập?

+ Tôi nghĩ tìm kiếm sự nổi tiếng sớm là nhu cầu chính đáng của các nghệ sĩ trẻ thôi, mình không có gì phải phản đối cả. Các bạn phải chảy theo dòng chảy của thời đại mình, không thể bắt các bạn sống như thời chúng tôi được. 

Nhưng theo tôi, dù chảy đi như thế nào, các nghệ sĩ trẻ cũng cần có sự tỉnh táo để nhìn nhận chính mình. Làm nghề gì trên đời này cũng cần có sự đào tạo nhất định, có những kiến thức cơ bản nhất định. 

Cả tuổi thanh xuân các bạn đi thi các cuộc thi để săn tìm danh tiếng giải thưởng cũng tốt, nhưng theo tôi đừng bỏ bê việc học hành để thu lượm kiến thức. Muốn đi đường dài thì vốn kiến thức phải giàu có, nếu không thì chỉ là chụp giật, nhất thời. Nghệ thuật nhìn hào nhoáng vậy thôi, nhưng phía sau là rất nhiều mồ hôi, công sức.

- Vậy nếu được mời ngồi ghế nóng Ban giám khảo cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật nào đó trên truyền hình chị có tham gia?

+ Tôi thấy ngồi ghế giám khảo các cuộc thi trên truyền hình nhiều áp lực lắm. Nó không chỉ là câu chuyện của nghệ thuật thuần túy, còn là chuyện giải trí, là PR quảng cáo, là chiêu trò để làm sao chương trình trở nên cuốn hút với công chúng, hài lòng nhà sản xuất.

 Trong khi nghệ thuật thì mỗi người mỗi quan điểm khác nhau. Tôi là người theo nghệ thuật chính thống nên nhiều cái chắc chắn sẽ quan niệm khắt khe hơn. Nếu được mời, nói thật, tôi phải cân nhắc rất kỹ. Vì không phải chỗ nào mình ngồi vào cũng phù hợp.

- Chị vừa phát hành CD nhạc xưa mang tên "Giấc mơ vô thường". Với sản phẩm âm nhạc này, lần đầu tiên chị đến với công chúng bằng những ca khúc nhạc xưa, khác hẳn những ca khúc sở trường nhạc đỏ vốn đóng đinh trong hình dung của công chúng về nghệ sĩ Thái Bảo từ trước đến nay. Xin hỏi, hiệu ứng từ khán giả chị nhận được từ CD này là như thế nào?

+ Thật sự mà nói, sự đón nhận của công chúng dành cho CD là quá sức tưởng tượng của tôi. Dù khi bắt tay vào làm album tôi cũng đo được ít nhiều sự đón nhận này. Trước tiên, nó là những bản nhạc trữ tình mà tôi vô cùng yêu thích, cho dù tôi chưa có cơ hội biểu diễn trên sân khấu nhiều. 

Tôi làm CD trước hết là cho mình, muốn lưu giữ những bản tình ca tuyệt hay mà tôi thuộc nằm lòng từ thời trẻ. Khi CD ra mắt, rất nhiều người vì tò mò muốn biết Thái Bảo không hát nhạc đỏ, hát nhạc xưa thì như thế nào nên mua đĩa. 

Tôi đã bán hết 1000 đĩa ngay trong những ngày đầu phát hành và vừa in thêm 1000 đĩa nữa. Phản hồi của khán giả làm tôi rất vui. Nhiều người nhắn tin gọi điện, cảm ơn Thái Bảo vì đã cho họ nghe lại những tình khúc nổi tiếng một thời.

- Những tình khúc nhạc xưa như "Sang ngang", "Bài không tên số 2", "Thu sầu", "Bài không tên cuối cùng"… đã gắn với tên tuổi nhiều ca sĩ một thời vang bóng. Chị là thế hệ sau, chị đã hát với tâm thế của một người cũ hay một người mới?

+ Lẽ dĩ nhiên, tôi phải hát bằng tâm thế của chính mình, của thời đại mình chứ, làm sao khác được. Tuy nhiên, về mặt dụng ý, trong cách hát, tôi lấy cái lõi tinh thần của cái cũ, tức là cố gắng mang tới cho khán giả không gian xưa cũ của bài hát, tâm trạng xưa cũ của những đôi lứa yêu nhau thời đó. 

Cái mới tôi đưa vào chỉ vừa đủ, không quá lạm dụng, và chủ yếu trong phần hòa âm phối khí. Nhiều khán giả nghe rồi nhắn tin cho tôi là họ rất thích, vì tôi đã mang đến cho họ những cảm xúc đúng như thời đầu tiên họ được nghe những ca khúc này. Tuy nhiên, thời đó, điều kiện thu âm còn khó khăn, sơ sài, thu mộc là chính. 

Nay tôi vẫn hát với tinh thần ban đầu đó, nhưng là trên những bản phối hoàn hảo hơn, hiện đại hơn. Nghĩa là khán giả đã đến với CD này của tôi từ sự tò mò đến sự thích thú và tôi cảm thấy rất vui khi được đón nhận như vậy.

- Trong tương lai, liệu chị có còn tiếp tục theo đuổi dòng nhạc xưa. Sẽ là một album mới nữa chẳng hạn?

+ Tôi không nói trước được điều gì. Vì nghệ thuật đối với tôi phải là sự say mê, yêu thích đã. Tính tôi cầu toàn, nên làm gì cũng phải rất thận trọng, kỹ càng

- Xin cảm ơn NSND Thái Bảo!. 

Mộc Lan (thực hiện) (CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem