Với chất giọng thanh thoát, mộc mạc và sâu lắng, NSƯT từng thể hiện rất thành công các ca khúc mang âm hưởng dân ca và truyền thống cách mạng.
Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc, NSƯT Hồng Liên cho biết, bà hát khoảng hơn 10 ca khúc về Bác Hồ như “Người Mèo ơn Đảng”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Về chùa Trầm nhớ Bác Hồ”, “Bác Hồ về chống hạn”, “Câu hát mùa thu”… và lần nào cũng dạt dào cảm xúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi Việt Nam và quốc tế nhân dịp năm mới (12/1955) - Theo bqllang.gov.vn
“Bác là một lãnh tụ nhưng cũng vô cùng gần gũi, thân quen. Mỗi lần hát về Bác, tôi lại như hát về người ông, người cha của mình. Cảm xúc vì thế mà vừa thành kính, biết ơn, vừa chân thành, mộc mạc. Tôi nghĩ, các nhạc sĩ khi viết về Bác Hồ đều đã rất chắt lọc ca từ, lắng đọng cảm xúc rồi. Nên mỗi khi giai điệu cất lên, chúng tôi đều hòa vào mạch cảm xúc ấy rất tự nhiên”- NSƯT Hồng Liên nói.
Trong câu chuyện về Bác Hồ, NSƯT Hồng Liên không quên kể lại kỷ niệm in sâu trong kí ức của bà hơn 50 năm qua. Khi ấy, cô bé Hồng Liên mới 6 tuổi. Cha bà làm ở Cục Cảnh vệ- Bộ Công an. Nên cứ chiều thứ bảy, cha thường dắt bà qua chiếc cổng đỏ, vào khu nhà sàn của Bác Hồ xem phim.
“Tôi nhớ là hôm đó xem phim Chiếc trâm ngọc. Các cán bộ ngồi phía dưới, còn thiếu nhi ngồi trên hàng đầu. Trước khi chiếu phim, bỗng nhiên tôi quay đầu lại và nhìn thấy Bác. Bác liền vẫy tôi lại gần và hỏi: “Cháu con nhà ai, sao mà diện thế. Cháu có biết hát không, hát cho bác nghe nào”.
Tôi hồn nhiên hát cho Bác nghe bài ‘Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng’. Bác nghe xong, mắt lấp lánh vui và cười hiền lắm, rồi xoa đầu tôi cho kẹo. Đó là một kỷ niệm mà có lẽ tôi không bao giờ quên. Bởi vì trong tâm thức chúng tôi, Bác Hồ luôn giống như một ông Tiên. Kỷ niệm đó in sâu trong ký ức và theo tôi đến tận bây giờ”- NSƯT Hồng Liên rưng rưng kể.
Giọng ca “Sợi nhớ sợi thương” cũng nói thêm, chính ký ức ấu thơ đó đã khiến bà có thêm nhiều động lực hơn để theo đuổi con đường ca hát, vốn đến với bà như một định mệnh sau này.
Bởi vì, gia đình bà vốn không có ai theo nghệ thuật. Hồi học trường phổ thông Chu Văn An, bà cũng chưa tham gia bất kỳ phong trào văn nghệ nào vì rất nhút nhát. Khi đó, theo lời kể của bà, nghệ sĩ Xuân Thanh (sau này là vợ của GS. Tôn Thất Triêm- PV) đã rất nổi tiếng ở trường vì hát hay rồi.
Tốt nghiệp phổ thông, Hồng Liên đi học trung cấp tài chính. Năm 1979, sau khi đoạt giải thưởng ở Liên hoan nghệ thuật không chuyên với ca khúc “Nắng” của nhạc sĩ Thanh Phúc, nữ nghệ sĩ chính thức bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Bốn năm sau, bà chuyển từ quân đội về công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (năm 2012).
Chia sẻ về hành trình nghệ thuật của mình, NSƯT Hồng Liên nói, tuy không học bài bản, nhưng thành tựu âm nhạc của bà là kết quả của một giọng hát may mắn được trời phú cùng với quá trình khổ luyện, rèn giũa thực sự.
“Có những khi mệt mỏi, căng thẳng và áp lực trong cuộc sống, tôi từng nghĩ nghề này thật bạc. Nhưng rồi, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm được Bác khen hát hay, rồi nhớ khán giả, tôi lại thấy đam mê được đứng trên sân khấu ùa về, vực mình đứng dậy. Nghệ sĩ chúng tôi hay nói, nghiệp buộc mình lại là vì vậy”- NSƯT Hồng Liên trải lòng.
Có một sự nghiệp thành công, song đời sống riêng tư của NSƯT Hồng Liên lại không trọn vẹn. Cuộc hôn nhân kết thúc chóng vánh khi chồng đi xuất khẩu lao động, bà phải làm mẹ đơn thân trong suốt nhiều năm trời, một mình vất vả nuôi con trai khôn lớn.
Sau những khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống, NSƯT Hồng Liên hiện sống cùng vợ chồng con trai trong căn hộ tập thể nhỏ tại Hà Nội. Từ khi có cháu nội, bà vất vả, bận bịu hơn nhưng bà tỏ ra rất vui. “Niềm vui từ sự bận bịu ấy lớn lắm. Nó khiến cuộc sống của tôi trọn vẹn hơn rất nhiều”- giọng ca ‘Trường sơn đông, trường sơn tây’ nói.
Nghỉ hưu từ năm 2012, nhưng NSƯT vẫn liên tục đi biểu diễn cho các chương trình vì cộng đồng. Bà nói: “Khó khăn về kinh tế thì hầu hết các nghệ sĩ thế hệ chúng tôi không tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn thấy vui. Cái vui thứ nhất là được làm nghề, cái vui thứ hai là được phục vụ mọi người. Âm nhạc, vì thế khiến tôi xoa dịu hết những mệt nhọc thường ngày.
Bây giờ, có thể vì tuổi tác nên sức khỏe chúng tôi không còn được như xưa nữa. Nhưng những khi ốm mệt chỉ nghỉ một, hai ngày, tôi cũng đã nhớ sân khấu rồi. Còn khán giả thì tôi còn muốn hát”.
Ngọc Ánh (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.