NSƯT Thùy Liên: Người đến từ cải lương tếu táo ngoài đời

Thứ hai, ngày 05/01/2015 07:57 AM (GMT+7)
Người ta bảo dân cải lương nói nhiều không sai, nghề tạo nên tính cách. Ngay khi tôi ngồi xuống quán cà phê vỉa hè là hai chị em thi nhau nói, đúng hơn là chị nói liên tục và tôi thỉnh thoảng hỏi thêm, một hồi rồi chị bảo “Nào còn hỏi gì nữa thì hỏi đi!”...
Bình luận 0

Phỏng vấn một diễn viên cải lương như chị thật sướng, cả thế giới cứ hiện mồn một ra trước mắt, với những đắng cay, ngậm ngùi y như khi nghe điệu Dạ cổ hoài lang mùi mẫn vừa khiến ta phấn khích vừa buồn nẫu ruột gan.

NSƯT Thùy Liên là người Hà Nội, bố chị làm tại nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, mẹ chị sớm ốm đau, nhà nghèo. Hồi nhỏ, chị thường ngồi cùng mẹ se sợi bông thuê để cho người ta dệt áo len trong những buổi trưa hè nắng gắt, bên cạnh là chiếc radio nỉ non phát ra những làn điệu cải lương như thấm trọn vào tâm hồn non nớt.

Cô bé Thùy Liên ngày ấy đã cảm thấy sao mà hợp tình hợp cảnh, mà thấm mà thía với cảnh nghèo, cảnh buồn của nhà mình. Là người Bắc nhưng Thùy Liên không thích chèo, làn điệu chèo tung tẩy vui vẻ không đi vào lòng cô bé như những câu vọng cổ buồn rơi buồn rụng.

Thế là 15 tuổi, giấu người nhà đi thi với một làn điệu duy nhất học từ trên đài còn không thuộc hết, và nhận được giấy gọi nhập học. NSƯT Thùy Liên còn nhớ rõ ngày ấy, cầm tờ giấy báo nhập học mừng hơn cả trúng độc đắc, chạy về định khoe mẹ thì chợt nhớ ra mẹ cấm hát xướng. Cô đành dấm dúi lên gác với bố, soi bên ngọn đèn dầu, hàng chữ “Khi đi mang theo chăn, chiếu và đồ dùng cá nhân” như mở ra một thế giới mới với cô, như sẽ được đổi đời, thoát ra khỏi cảnh buồn, sẽ làm lại một thứ gì mới tốt đẹp hơn…

thuyliensk

Thùy Liên trong một vở cải lương

Ba năm trung cấp cải lương, Thùy Liên cũng chỉ đứng thứ mười mấy trong lớp và chuyên đóng những vai “cạnh”: tướng bà,  múa cô, võ cậu, những vai mạnh mẽ, có võ… chứ không đóng vai yếu liễu đào tơ. Thậm chí, thầy giáo còn khuyên cô… chuyển nghề. Thời gian này, mẹ của chị vẫn không ưng, có đêm tập vở, bà ngồi chờ Thùy Liên đến 1 giờ đêm ngoài đầu ngõ rồi bảo rằng: Tao ghét cái trò xướng ca vô loài! Rồi để xem mày có thành một diễn viên mà không mang tai tiếng gì!.

May có bố ủng hộ, ông bảo: Con gái phải cho nó theo nghề đó, chẳng lẽ bà bắt nó làm thợ tiện như tôi nhỡ ra cụt tay cụt chân bà có chịu được không! Đến khi thi tốt nghiệp, Thùy Liên được một người thầy khuyên nên chọn những vai thùy mị nết na. Và lời khuyên đó được cụ thể bằng vai công chúa Hạnh Nguyên, với số điểm 10+ và Thùy Liên chính thức được nhận vào nhà hát cải lương Trung ương. Ở đó, chị đã được đảm nhận đủ thể loai vai, hiền, ác, tốt, xấu, vai nào chị cũng hoàn thành tốt.

Nhưng buồn một nỗi, vừa ra trường thì mẹ mất, bà không được trông thấy cô con gái của mình đạt Huy chương Vàng với vở Khoảnh khắc đời người, vai bà Ánh Trường – 40 tuổi, khi chị mới 25. Nhưng trong thâm tâm, Thùy Liên luôn ghi khắc trong lòng mình sẽ phải làm những điều đúng đắn để không mang tiếng xấu cho gia đình, để mẹ mình không phải hổ thẹn. Chính vì thế, dù cuộc đời có trải qua bao sóng gió, đè nén, chị càng vững vàng đứng dậy, đấu tranh để được diễn, được cống hiến và được sống đúng như thiên chức mà duyên nghề, số phận đã gắn cho chị.

Thuy_Lien_va_con_gai

Thùy Liên và một người bạn 

Gần đây, chị có thêm một tình yêu mới, làm vơi bớt nỗi khó khăn với nghề chính cải lương và cải thiện đời sống cho nghệ sỹ nghèo, đó là truyền hình. Lại truyền hình, giờ ai chả đi làm truyền hình, nói thì nghe có vẻ đơn giản nhưng không! Một người bạn thương chị vất vả, giới thiệu đi làm phim. Đó là vai đầu tiên trên truyền hình của chị - Xuyến – vợ của diễn viên Đỗ Kỷ trong Mùa lá rụng của đạo diễn Quốc Trọng.

Chị vào vai rất ngọt vì hợp vai, một người phụ nữ quê mùa, tóc dài. Tiếp đó, những vai diễn bắt đầu tìm đến, nhưng không hề dễ dàng. Chị bảo, là dân cải lương, quen “lóng lánh, uốn éo” cường điệu quá rồi, cách diễn ăn vào máu, rất khó sửa nên muốn làm quen phải mất một thời gian dài. Ngoài ra, có lúc còn phải chấp nhận nhận cat xê thấp hơn đồng nghiệp. Chị nhớ mãi lần bị đạo diễn Trọng Trinh khó chịu ra mặt khi thấy chị không hề hợp với vai diễn được cast. Đạo diễn bảo: Mặt trơ trơ thế kia làm sao mà đóng được gái bị chồng phụ bạc? Thùy Liên chỉ nhẹ nhàng: Vâng, anh cứ để cho em xõa tóc ra, mặc quần áo (bà ba) vào. Rồi em thử cho anh xem! Khi Thùy Liên xõa tóc, tết hai bên, mặc bộ quần áo bà ba ngồi trên một chiếc thuyền, mặt cúi xuống chèo thuyền trên sông đi tìm chồng mình phía bên kia sông đang ở với gái. Đạo diễn Trọng Trinh sướng đến mức… văng tục khi nhìn thấy Thùy Liên diễn cảnh ấy.

NSƯT Thùy Liên bảo, chị đã phải trau dồi từng ngày, học hỏi anh chị em đi trước để khán giả xem chị trên phim truyền hình đích thực là một diễn viên truyền hình chứ không phải cải lương “đá ngang”. Chị bảo, hình như cuộc sống bên ngoài của mình cũng khó khăn, trải qua nhiều thăng trầm, nên chị vào vai bi hay cần nội tâm thì cảm xúc ùa về rất thật. Thời gian này, khán giả còn quen mặt chị với những vai diễn hài. Chị kể, thấy chị tếu táo ngoài đời, anh em cũng rủ làm hài. Làm hài khó là phải nghĩ ra những gì hay ho, dị hợm, cập  nhật được những từ lóng, câu nói đang nóng ngoài đời cho vai diễn, vì  diễn hài đạo diễn không “mi”. Diễn viên phải tự đắp cho vai diễn của mình nét duyên dáng, thú vị.

NSƯT Thùy Liên nói, chị yêu cải lương lắm, chị không thể bỏ được, nếu vì kinh tế chắc không ai trụ nổi với nghề, một tối hát sa sả được bồi dưỡng 150 ngàn  - 200 ngàn, có khi còn chẳng được đến thế. Chị cũng còn phải nuôi con, có lúc cũng mong có một cái quán cà phê, chỉ ngồi bán kiếm tiền nhưng nghĩ thế lại thấy buồn thúi ruột gan, vì lâu lâu không được diễn một cái gì đó thì chị phát điên vì rầu mất.

 

(Theo Thế giới điện ảnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem