Nữ bệnh nhân tưởng mắc ung thư gan, đi khám mới biết gặp phải loại ký sinh trùng thường gặp

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 27/01/2024 18:00 PM (GMT+7)
Nữ bệnh nhân đi khám tại một Bệnh viện Ngoại khoa và được chẩn đoán ung thư gan phải mổ để cắt khối u. Trong thời gian chờ mổ, bệnh nhân có người quen giới thiệu xuống Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khám, phát hiện mắc sán lá gan lớn hay gặp.
Bình luận 0

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) chia sẻ, từng gặp trường hợp bệnh nhân N.T.L (SN 1968, quê Hải Phòng) mắc sán lá gan lớn nhưng bác sĩ chẩn đoán nhầm sang u gan và chưa loại trừ ung thư gan.

Theo bác sĩ Thọ, trước đó, bệnh nhân L. đến gặp bác sĩ chia sẻ, bản thân đi khám tại bệnh viện lớn ở Hà Nội và được chẩn đoán nghi ngờ ung thư gan. Bệnh nhân chia sẻ, khi đi khám và xét nghiệm tại bệnh viện khác, được bác sĩ chẩn đoán có tổn thương gan, nghi ngờ ung thư gan và phải mổ. Bệnh nhân đã được bác sĩ sắp xếp giường mổ, chờ đến lịch để phẫu thuật.

Nữ bệnh nhân tưởng mắc ung thư gan, đi khám mới biết gặp phải loại ký sinh trùng thường gặp- Ảnh 1.

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: Thanh Loan

Sau đó, bệnh nhân chia sẻ tâm tư của bản thân và được một người bạn giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám và làm xét nghiệm loại trừ. Mặc dù bệnh nhân cũng chưa biết nhiều về Bệnh viện Đặng Văn Ngữ nhưng vẫn xuống khám và cũng không có hy vọng lớn, bệnh nhân sang viện với tâm lý có bệnh ai giới thiệu và mách chỗ nào có thể khám được là bệnh nhân đến dù không kỳ vọng nhiều.

"Khi tiếp nhận bệnh nhân khám, hỏi bệnh thì bệnh nhân có tâm lý rất hoang mang và bất ổn. Tôi đã chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu để kiểm tra, siêu âm thì phát hiện tổn thương ở gan là do sán lá gan lớn tạo thành chứ không phải u gan hay ung thư gan như thông tin bệnh nhân đã tiếp nhận. Sau khi tổng hợp các kết quả xét nghiệm, tôi trả lời bệnh nhân là chị bị nhiễm sán lá gan lớn. Nghe xong kết quả, bệnh nhân ôm chầm lấy tôi và thốt lên 'tôi sống rồi'", bác sĩ Thọ nhớ lại.

Bệnh nhân được điều trị nội khoa tại bệnh viện sau một tuần thì ra viện và khám lại định kỳ theo lịch hẹn. Trong đợt khám lại sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân đã hết tổn thương trong gan. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm chuyên môn của bác sĩ Thọ.

"Lúc đầu chị là bệnh nhân, sau khi khỏi bệnh chị em hiểu và quý nhau nên vẫn hỏi thăm qua lại và hiện tại chị sống rất khỏe mạnh. Chị nói nếu như trước không xuống khám tại đây mà bị phẫu thuật cắt một thùy gan thì không biết sức khỏe có được như bây giờ không?", bác sĩ Thọ nói.

Nữ bệnh nhân tưởng mắc ung thư gan, đi khám mới biết gặp phải loại ký sinh trùng thường gặp- Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị các bệnh về gan tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: Thanh Loan

Theo Phó giám đốc bệnh viện, sán lá gan lớn gây áp xe gan khá phổ biến ở Việt Nam, ngoài sán lá gán lớn, còn có sán lá gan nhỏ cũng là những loại phổ biến ở nước ta. Do phong tục và tập quán ăn uống sinh hoạt ở một số vùng miền nên hay bị nhiễm sán lá gan.

Sán lá gan lớn thường ký sinh ở nhu mô gan, tạo thành ổ áp xe giống như khối u ở trong gan. Sán lá gan lớn vào cơ thể do thói quen người dân ăn các loại rau trồng dưới nước như rau cần, ngổ, muống nước, cải xoong thậm chí là ngó sen. Sán lá gan lớn có giai đoạn ấu trùng bơi trong nước, bám vào thực vật thủy sinh như các loại rau và ốc nước ngọt.

Khi ăn ốc nước ngọt và các loại rau thủy sinh chưa được nấu chín thì nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn là rất cao. Bệnh nhân bị sán lá gan lớn giai đoạn cấp sẽ đau dữ dội vùng hạ sườn phải, thậm chí kèm theo sốt và ngứa, đau dữ dội từng cơn.

Có bệnh nhân đau vùng mũi ức, cảm giác như đau dạ dày, sau đó điều trị dạ dày mãi không khỏi, đi siêu âm mới phát hiện đám tổn thương ở gan trái mới chuyển xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Khi làm các xét nghiệm, siêu âm thì bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán lá gan lớn.

Sau khi được tẩy sán lá gan lớn, triệu chứng đau dạ dày của bệnh nhân cũng hết vì tổn thương thùy gan trái nằm sát dạ dày, nên bệnh nhân có cảm giác giống như đau dạ dày nhưng thực ra không phải.

"Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân phát hiện khối u ở gan, được chỉ định cắt bỏ một thùy gan. Khi làm các xét nghiệm lại phát hiện khối u chính là sán lá gan, điều trị nội khoa dùng thuốc tẩy sán lá gan lớn là khỏi bệnh, không phải phẫu thuật cắt gan như chỉ định trước đó", bác sĩ Thọ thông tin.

Khi bị sán lá gan lớn, giai đoạn cấp có bệnh nhân đau dữ dội, ngứa, sốt cao, bệnh nhân rối loạn tiêu hóa. Có bệnh nhân không có triệu chứng gì, thi thoảng tức nhẹ vùng hạ sườn phải, đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện tổn thương gan. Xét nghiệm bạch cầu ái toan tăng, siêu âm phát hiện ổ tổn thương do sán lá gan lớn.

Có bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn, đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh bị chẩn đoán là u gan và được chuyển khám ngoại khoa. Khi khám ngoại khoa chẩn đoán u gan được chỉ định cắt thùy gan trái nhưng khi phẫu thuật cắt gan và xét nghiệm lại chẩn đoán nhiễm sán lá gan lớn.

"Qua đó, chúng tôi khuyến cáo trước khi có chỉ định phẫu thuật cắt thùy gan, nên làm các xét nghiệm loại trừ sán lá gan lớn và các bệnh ký sinh trùng khác, tránh tình trạng phẫu thuật nhầm", bác sĩ Thọ nói.

Đối với bệnh sán lá gan lớn, ngoài tổn thương trong gan, nhiều bệnh nhân có lượng bạch cầu ái toan tăng rất cao, thậm chí tăng đến 80%. Có những bệnh nhân đúng giai đoạn chu kỳ sinh sản của sán thì có thể nhìn thấy trứng trong phân. Sán lá gan lớn cần điều trị nội khoa, theo dõi sau điều trị 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm để xác định giai đoạn lành tổn thương của gan để đánh giá bệnh nhân khỏi bệnh.

Để phòng ngừa bệnh sán lá gan, các bác sĩ khuyến cáo thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn sống các loại cá, ốc chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, không ăn sống các loại rau thủy sinh sống mọc dưới nước.

Thực hiện rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn chín; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải, quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau. Sử dụng nước sạch để ăn uống, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Bệnh sán lá gan là một bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, bệnh có thể gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người bệnh phải đến cơ sở y tế chuyên khoa sâu để thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem