Nữ biệt động "thép" 8 lần gặp Bác

Thứ bảy, ngày 11/05/2013 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy hôm nay các vết thương cũ “trở giấc” khiến nữ thương binh nặng 1/4 Trần Thị Kim Cúc đau nhức khắp người. Vậy mà, trò chuyện với NTNN, nhắc đến 8 lần được gặp Bác Hồ, giọng cô luôn trào dâng niềm xúc động sâu xa.
Bình luận 0

Ước mơ thành hiện thực

Trần Thị Kim Cúc sinh năm 1936, tại vùng quê nghèo xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Cô làm giao liên cho Huyện ủy Hòa Vang từ năm 14 tuổi. Năm 1961, cô được tổ chức phân công làm đội trưởng đội công tác đặc biệt, có nhiệm vụ thăm dò tình hình địch, đưa thông tin liên lạc cho cách mạng. Bốn năm sau, cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

img
Cô Cúc (thứ 3, trái sang) cùng đồng đội (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).

Dũng cảm, mưu trí, gan dạ, cô đã tham gia nhiều trận đánh “tìm Mỹ mà diệt” làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn cực kỳ tàn độc nhưng cô vẫn kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản. Ra tù, được tổ chức bí mật đưa ra Bắc chữa bệnh.

Cô Cúc bồi hồi nhớ lại: “Một buổi chiều giữa năm 1966, tôi và chị Mười quê Mỹ Tho, Tiền Giang nằm điều trị chung một phòng ở Bệnh viện Việt - Xô, được thông báo sắp có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm. Tối đó, một chiếc ô tô con đỗ trước hiên khoa A1.

Sau này, cô Cúc thi đỗ vào khoa Hóa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học đến năm thứ 4 thì vết thương tái phát, đôi mắt không nhìn được, phải sang chữa trị tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô mới được trở về quê hương.

Một ông già dáng dong dỏng, râu tóc bạc, nét mặt đôn hậu, mặc bộ bà ba màu nâu sẫm, chân đi dép cao su nhanh nhẹn đi về phía buồng bệnh. Tôi hồi hộp nói với chị Mười: “Đúng là Bác rồi, chị ơi!”. Chúng tôi định chạy ra, thấy thế Bác liền vẫy tay, bảo: “Hai cháu đừng chạy, ngã đấy!” rồi đưa hai tay đỡ chúng tôi. Tôi ôm lấy Bác mà nước mắt cứ trào ra. Ước mơ cháy bỏng ấp ủ bấy lâu, bây giờ đã thành hiện thực!

Chú Trịnh Kim Ảnh - Giám đốc bệnh viện thưa với Bác: “Cô Cúc có 2 vết thương rất nặng: Vết thương ở đầu do bọn địch đóng đinh to vào đầu gây chấn thương não, để lại di chứng động kinh kéo dài. Vết thương thứ 2 ở cửa mình vẫn ra máu do mảnh vụn đèn neon địch tra tấn ta gắp ra chưa hết”. Nghe vậy, mắt Bác ngấn lệ.

Người đưa tay sờ lên vết thương trên đầu tôi, lo lắng hỏi: “Đau thế, đêm cháu ngủ có được không? Cháu ăn có biết ngon miệng không?”. Tôi liền thưa: “Dạ thưa Bác con ăn và ngủ cũng được ít ít”. Bác đưa tay vẫy anh Bình - Chủ nhiệm khoa A1 lại gần, căn dặn: “Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp thường xuyên đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị. Ở miền trong thường thích món cá nấu chua lắm!”.

Khắc ghi lời Bác

Sau lần đó, 2 nữ bệnh nhân còn nhiều lần được đón vào Phủ Chủ tịch cùng ăn cơm với Bác và chú Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Cô kể: “Biết bệnh của chúng tôi không thuyên giảm, Bác quyết định đưa sang Trung Quốc chữa trị và động viên 2 chị em cố gắng học tiếng nước bạn. Khắc ghi lời Bác, tôi vừa chiến đấu với bệnh tật vừa nỗ lực học hỏi, luyện cách giao tiếp bằng tiếng Trung”.

Sau gần 2 năm, các vết thương được chữa lành, trở về Hà Nội, cô Cúc được Bác cho xe đón vào Phủ Chủ tịch. Đó là buổi chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, tiết trời se lạnh, Bác bảo ông Vũ Kỳ đưa ra một cái khăn và chiếc mũ ấm bảo cô mang vào kẻo lạnh (chiếc khăn này cô đã tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5).

Cô Cúc kể: “Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, và bất ngờ hỏi bằng tiếng Trung: “Cháu đã học được tiếng nước bạn đến đâu rồi?”. Tôi lúng túng thưa với Bác cũng bằng tiếng Trung, Bác khen và dặn: “Có chí, ở hoàn cảnh nào học cũng được, cháu ạ!”. Tôi trình bày nguyện vọng muốn được trở về miền Nam đánh giặc, mắt Bác rưng rưng. Bác bảo hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, người còn yếu thế chưa về được đâu”.

Sau đó, Trần Thị Kim Cúc học văn hoá tại Trường Phổ thông Lao động Trung ương. Đầu năm 1969, cô được Đài Tiếng nói Việt Nam nêu gương về thành tích học tập. Cô kể: “Nhận được tin ấy, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đến trường đón tôi.Tình cảm của Bác vẫn nồng ấm, nhưng cử chỉ và giọng nói đã yếu đi nhiều.

Bác dặn chú Tô: “Sau này, tôi có mệnh hệ gì, không chăm lo được cho cháu Trần Thị Kim Cúc và cháu Trần Thị Lý (Anh hùng LLVTND, quê Quảng Nam) thì nhờ chú thay tôi chăm lo cho hai cháu”. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác. Ngày 2.9 năm ấy, Bác đã đi xa mãi mãi”.

Hiện nay, cô Cúc đang sinh sống trong căn nhà nhỏ số 149 đường Thanh Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Các con của cô đều đã phương trưởng, trong đó 2 người con trai đang công tác trong quân đội (đại úy Huỳnh Thanh Hà Nam, trợ lý Ban Chính trị - Cục Chính trị Quân khu 5 và thượng úy Huỳnh Trần Thanh Hải, trợ lý thanh niên Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng). Cô bảo: “Tôi thường kể cho các con nghe kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ. Đó chính là hành trang để các cháu trọn đời vững bước đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem