Nữ cán bộ nông nghiệp luôn hết mình nâng cao chất lượng và kết nối tiêu thụ nông sản Hải Dương
Nữ cán bộ nông nghiệp có công đưa nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới
Thi Ngọc
Thứ tư, ngày 14/07/2021 13:07 PM (GMT+7)
Không chỉ giúp bà con nông dân có những vụ mùa bội thu, chị Lương Thị Kiểm còn góp phần rất lớn trong việc đẩy mạnh, xúc tiến tiêu thụ, đưa nông sản Hải Dương vươn mình ra thế giới.
Được nghe bà con nông dân địa phương và các lãnh đạo nói nhiều về chị Lương Thị Kiểm, tôi đã tìm đến Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Dương để gặp chị.
Ấn tượng đầu tiên tôi thấy ở chị là người phụ nữ đôn hậu, giản dị và rất cởi mở. Chị hiện là Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Dương. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nổi tiếng với trái vải Thanh Hà, gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ, chị luôn hiểu được giá trị đích thực của nông sản và nỗi vất vả của bà con nông dân.
Mong muốn đóng góp công sức cho quê hương, làng xóm ngày càng giàu đẹp chính là lý do sau này chị chọn trường Đại học nông nghiệp để thực hiện ước mơ của mình.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị từng làm ở bộ phận marketing của một công ty kinh doanh nước ngoài về nông nghiệp có tên là ANT. Chị làm ở đó đến năm 2006 thì được bố chồng gọi về với lời răn dạy: "Con phải về làm cho nhà nước để hỗ trợ bà con nông dân".
Được biết, bố chồng chị là Đảng viên 65 tuổi Đảng. Ông thường theo dõi trông tin trên báo Hải Dương và báo Nhân Dân. Một lần, qua thông tin trên báo Hải Dương, ông thấy có tuyển dụng một vị trí đúng chuyên ngành của chị theo chế độ thu hút nhân tài. Ông liền gọi chị về nộp hồ sơ ứng tuyển.
Là người con dâu hiếu thảo, lại sẵn nhiệt huyết với nghề, với quê hương, chị nộp hồ sơ và về sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. Tại đây, chị được phân công làm ở phòng trồng trọt của Sở. "Chị rất biết ơn bố chồng và anhTăng Văn Lộc- Giám đốc Sở đã cho chị có cơ hội được làm việc đúng chuyên môn và cống hiến cho quê hương."- chị Kiểm chia sẻ.
Làm việc tại đây, đến năm 2010 chị được bổ nhiệm làm phó phòng trồng trọt. Chị đã tham mưu các chính sách, chiến lược cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Sau đó, chị Kiểm được giao phụ trách mảng cây ăn quả. Do cây ăn quả trước đây ít được quan tâm, nên chính sách đầu tiên mà chị xây dựng là "Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao", trong đó có cây ăn quả, đặc biệt là cây vải.
Nói về quả vải, chị Kiểm say sưa kể, trong một lần đi dự hội nghị vào năm 2008, có một anh bạn hỏi, tại sao tỉnh Hải Dương có loại cây ăn quả ngon như thế mà nông dân lại đồng loạt chặt đi?. Câu hỏi của người bạn khiến tôi giật mình. Đúng là năm đó, ở vùng Thanh Hà, nhiều cây vải thiều đến lúc suy thoái, năng suất thấp, người dân đồng loạt chặt hết để trồng ổi, quất và một số cây ăn quả khác… "Tôi thấy rất đáng tiếc nếu mất đi loại quả ngon như vậy. Là người con của quê hương, tôi tự nhủ mình phải có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy được tính ưu việt của giống cây ăn quả độc đáo của vùng đất này"- chị Kiểm hồi tưởng lại.
Với sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo không ngừng, đến cuối năm 2012, Dự án cây ăn quả của chị Kiểm được lãnh đạo Sở phê duyệt. Liên tiếp các năm sau đó, các chính sách kết nối thương mại quốc tế trong nông nghiệp liên tục được mở rộng.
Năm 2014, chương trình xúc tiến thương mại đầu tiên chị Kiểm tham gia là Hội nghị xúc tiến tiêu thụ các loại vải, na, ổi... Hội nghị này gây tiếng vang rất lớn. Tại đây chị được tiếp xúc với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn như Công ty Rồng Đỏ, Công ty Ánh Dương Sao… Những doanh nghiệp này sau đó đã đồng hành cùng chị trong việc đưa nông sản Hải Dương đến với rất nhiều người tiêu dùng trong nước và trên toàn thế giới.
Năm 2015, Bộ nông nghiệp mở cửa thành công con đường xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Thị trường này yêu cầu cấp mã số vùng trồng, quản lý vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, trái cây phải bọc cẩn thận đảm bảo tiêu chuẩn dư lượng chất BVTV. Chị đã tham mưu cho tỉnh về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất xuất khẩu đi nước này. Lúc đó, Hải Dương được cấp 9 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói.
Đến năm 2018, ngành nông nghiệp kết hợp với ngành Công thương tổ chức lễ hội vải thiều gây tiếng vang lớn. Từ đó tới nay, quả vải thiều Hải Dương ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, đặc biệt là bạn bè quốc tế.
Với những đóng góp to lớn cho nông nghiệp tỉnh nhà, năm 2019, chị Kiểm được bổ nhiệm về làm Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Dương.
Năm 2020, Chính phủ mở cửa thị trường sang Nhật. Sau đó, Chính phủ tiếp tục mở cửa thị trường Mỹ, Úc, Châu Âu… Đây là các thị trường khắt khe nhất thế giới, song nông sản Việt Nam, đặc biệt là quả vải Hải Dương đã xuất khẩu thành công và được người tiêu dùng nơi đây rất thích thú.
Chị Kiểm cho biết, để đạt được thành tích như vậy, Hải Dương đã phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách. Vì, mỗi thị trường lại yêu cầu những tiêu chí khác nhau và lại toàn thị trường khó tính. Hạn chế của nông nghiệp Hải Dương là diện tích trồng cây không tập trung trên diện rộng mà lại rải rác theo từng hộ nông dân, mỗi hộ chỉ có mấy trăm mét vuông đất trồng cây ăn quả.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để đưa ra được tiêu chuẩn chung nhất cho tất cả các thị trường khó tính và thống nhất được vùng trồng? Chị Kiểm đã ngày đêm cùng các đồng nghiệp nghiên cứu. Cuối cùng, chị đã đưa ra được quy trình chuẩn chung nhất cho nông sản Hải Dương đến được với toàn thế giới.
Trước tiên, chị Kiểm nghiên cứu yêu cầu của từng thị trường để rút ra được tiêu chuẩn chung cao nhất cho tất cả các thị trường. Sau đó, chị tiến hành cho bà con nông dân trồng thử nghiệm qua nhiều vụ. Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không hề ít. Chưa kể ban đầu còn chưa được sự ủng hộ của bà con nông dân ở đây.
"Nếu thất bại thì chỉ mình tôi phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích rất lớn cho bà con. Nên dù khó khăn vất vả, tôi và các đồng nghiệp vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu nhất"- chị Kiểm chia sẻ.
Chị Kiểm cho biết thêm, trong tất cả các loại cây thì cây vải là khó chăm sóc nhất, vì quả vải có vị rất ngon, hấp dẫn nhiều loại sâu bệnh. Cái khó ở đây là làm thế nào để quả vải vẫn to đẹp, ngon mà không bị sâu và không độc hại cho người tiêu dùng? Để giải đáp được bài toán khó này, chị đã cùng các cán bộ trong Chi cục nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều lần, qua nhiều mùa vụ để có được phương án chăm sóc hiệu quả nhất.
Hiện tại, quả vải Hải Dương sau khi xuất ra thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, kiểm tra đến hơn 800 hoạt chất thuốc BVTV trên trái vải đều đạt tiêu chuẩn mà quả vải vẫn giữ được 95% chất lượng tươi ngon như vừa hái, thời gian bảo quản được 50 ngày.
Chị Kiểm nhớ lại, trước đây, để thống nhất được bà con trồng theo đúng quy trình và quy hoạch được lãnh thổ nơi đây là rất khó khăn vì có tới tận 5000 hộ dân, mỗi người một ý. Chị liền nghĩ ra phương án, trước tiên phải hướng dẫn cho các cán bộ chuyên môn cấp huyện, cấp xã những thông tin xuất khẩu cần tiêu chuẩn gì. Từ đó đưa ra quy trình chăm bón cho phù hợp. Các cán bộ này có nhiệm vụ phổ biến lại cho bà con nông dân.
Mặt khác, chị lại gặp gỡ các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chọn những những người có kinh nghiệm. Đây là lực lượng rất quan trọng trong việc giám sát các hộ nông dân dùng đúng thuốc theo nhật ký trồng trọt, đúng thời điểm. Dựa trên danh mục hàng hóa của các cửa hàng, chị cùng họ phân tích ưu nhược điểm của từng loại. Sau đó thống nhất chọn ra những loại thuốc ưu việt nhất sử dụng vào những thời điểm thích hợp nhất. Đồng thời giao cho mỗi của hàng thuốc BVTV chủ động giám sát các hộ nông dân dùng sản phẩm của mình. Và sau này, dù quy mô vùng trồng có mở rộng hơn thì áp dụng biện pháp quản lý này vẫn rất phù hợp.
Trong quá trình vận động bà con trồng cây theo tiêu chuẩn mới, chị Kiểm được các cán bộ nông nghiệp cơ sở và các đại lý thuốc BVTV hết sức ủng hộ, vì họ hiểu việc làm của chị hoàn toàn không vì lơi ích riêng mà hướng tới mục tiêu chung. Đó là giúp bà con nông dân thoát nghèo, khẳng định thương hiệu nông sản quê hương.
Sau khi thống nhất được kỹ thuật và các loại thuốc để đảm bảo nông sản đạt hiệu quả cao, chị Kiểm tiếp tục cho tuyên truyền đến những người nông dân. Chị phân tích lợi ích của mô hình kinh doanh hợp tác xã trồng cấy theo đúng quy trình của Sở nông nghiệp đề ra. Ai theo thì sẽ được đảm bảo về giá và đầu ra, còn hộ nào không theo tiêu chuẩn của thì vẫn tự sản xuất kinh doanh theo cách truyền thống.
Với mô hình hợp tác xã, quá trình chăm sóc cây của bà con được giám sát rất chặt chẽ. Các hộ phải có nhật ký chăm sóc cây. Căn cứ vào nhật ký đó chị sẽ kiểm tra số thuốc người dân đã dùng có đúng liều lượng, thời điểm và khớp với số lượng thuốc BVTV mà họ mua tại các đại lý không. Hộ nào không làm đúng sẽ bị loại khỏi hợp tác xã. Các hộ làm đúng quy trình, nông sản sẽ được tiến hành lấy mẫu gộp đem kiểm tra xác suất. Khu vực nào chắc chắn đủ tiêu chuẩn sẽ được giới thiệu cho các công ty xuất khẩu nông sản thu mua.
Không chỉ giỏi trong việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, chị Kiểm còn rất tích cực trong hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà. Chị đã chủ động liên hệ với các Công ty chuyên thu mua nông sản xuất khẩu.
Chị phân tích các lợi thế của nông sản Hải Dương để thu hút các nhà đầu tư, hỗ trợ tối đa các yêu cầu tại chỗ cho các doanh nghiệp thu mua nông sản. Bất cứ lúc nào, bất cứ vấn đề gì có thể hỗ trợ được cho các doanh nghiệp, chị luôn sẵn lòng. Chính vì vậy các doanh nghiệp dù có xa xôi về đây đầu tư cũng luôn được tạo các điều kiện thuận lợi nhất. Trong số các Công ty đó có Công ty Ameii và Công ty Rồng Đỏ là được chị hỗ trợ nhiều nhất. Nhờ đó nông sản Hải Dương đươc tiêu thụ với số lượng lớn, giá lại rất cao. Cụ thể là, vụ vải thiều 2021 vừa rồi đã đến được với các thị trường thế giới và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.