Nữ cướp biển nổi danh nhất Trung Quốc: Từ kỹ nữ tới nữ hoàng hải tặc khiến nhà Thanh bất lực

Thứ bảy, ngày 02/07/2022 08:30 AM (GMT+7)
Đội cướp biển của nữ tặc Trịnh Thị đã gieo rắc tai họa trên các vùng biển phía Nam, khiến các thương thuyền lẫn quan binh triều đình nhiều phen khiếp vía.
Bình luận 0

Vào đầu thế kỷ 19, một kỹ nữ tài sắc trong nhà thổ nổi trên sông ở Quảng Châu, Trung Quốc đã được gả cho Trịnh Nhất, tên cướp biển khét tiếng thời nhà Thanh.

Sử sách chỉ ghi chép lại tên của người kỹ nữ này là Trịnh Thị, hay Trịnh Nhất Tẩu (vợ của họ Trịnh) mà không đả động gì tới tên thật của bà ta.

Trịnh Thị đã giúp chồng điều hành công việc của nhóm cướp biển và chỉ trong 6 năm dưới bàn tay mưu trí của bà, đoàn tàu nhỏ đã tăng số lượng gấp 3 lần (ban đầu chỉ có 200 chiến thuyền). Chưa dừng lại tại đó, tài năng mưu lược của bà còn giúp con số này tăng lên tới 1.700 đến 1.800 (năm 1807).

Nữ cướp biển bậc nhất Trung Quốc: Từ kỹ nữ tới nữ hoàng hải tặc khiến nhà Thanh bất lực - Ảnh 1.

Trịnh Thị là nữ cướp biển mạnh nhất thời nhà Thanh. Ảnh: Lazer Horse

Tuy nhiên, không may khi đội quân cướp biển của chồng Nhất Tẩu đang thu hút được nhiều nhóm đầu quân thì tai họa ập đến. Chồng của Trịnh Thị bị chết sau một trận bão lớn ngày 16/11/1807.

Tưởng chừng đó là dấu chấm hết cho thời đại cướp biển huy hoàng mà vợ chồng bà mất bao nhiêu công sức ới gây dựng được thì bà đã có một quyết định điên rồ. Đó là thuyết phục cấp phó của chồng (cũng là con nuôi của cặp cặp vợ chồng này) là Chang Pao (Trương Bảo) 21 tuổi ủng hộ mình lên làm thủ lĩnh.

Nếu ví Chang Pao như "tay chân" khi đảm nhiệm việc dẫn thuộc hạ đi cướp bóc thì bà chính là "đầu não" lên kế hoạch, chiến lược chiến đấu.

Đến năm 1810, đội tàu Cờ đỏ đã tăng số lượng lên tới 70.000 đến 80.000 tên cướp biển dưới trướng của bà, một con số đáng ngưỡng mộ đối với bất cứ cướp biển nào trong lịch sử.

Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo phối hợp với nhau khá ăn ý trong việc lãnh đạo và kiếm tiền từ đội quân cướp biển của mình. Trong khi Trương Bảo thống lĩnh đội quân cướp thì bà Trịnh tập trung vào việc kinh doanh, thiết lập chiến lược quân sự.

Nữ cướp biển bậc nhất Trung Quốc: Từ kỹ nữ tới nữ hoàng hải tặc khiến nhà Thanh bất lực - Ảnh 2.

Hình vẽ minh họa đội quân hải tặc cướp bóc trên biển. Ảnh: History.com

Có dáng vẻ bề ngoài nhỏ bé, xinh xắn song Trịnh Nhất Tẩu thực sự là người đàn bà thép, đầy tham vọng với tư duy hết sức mạch lạc. Có không ít giai thoại kể lại rằng, trong nhiều trận chiến, thay vì cầm kiếm, Trịnh Nhất Tẩu chỉ cầm quạt, song khí thế toát ra từ người phụ nữ này thì không thua kém bất cứ một đấng nam nhi nào. Sau một thời gian hoạt động và phát triển quá nhanh, trên các chiến thuyền của Trịnh Nhất Tẩu ngày càng có thêm nhiều những kẻ lưu manh với tham vọng lật đổ nữ chỉ huy Trịnh Nhất Tẩu.

Không ít những tên cướp biển kỳ cựu cho rằng, một người đàn bà như Trịnh Nhất Tẩu không có đủ bản lĩnh và không xứng đáng để có thể lãnh đạo đội quân cướp biển nay đã lên tới 1.500 chiến thuyền và 80.000 quân. Lực lượng quân cướp biển lúc này còn được đánh giá là có thể lớn mạnh hơn gấp nhiều lần lực lượng hải quân của nhiều quốc gia lúc bây giờ.

Vậy nên, một số tướng lĩnh hải tặc đã tỏ ra bất tuân thủ Trịnh Nhất Tẩu, không coi bà là chủ soái và muốn tách ra hoạt động riêng. Trước những thái độ không tuân phục như vậy, Trịnh Nhất Tẩu đồng ý để cho các tướng lĩnh tách ra riêng. Tuy nhiên, lực lượng mà Trịnh Nhất Tẩu cho các tướng lĩnh ra riêng chỉ là 4 thuộc hạ. Sự kiên quyết, mạnh bạo trong các quyết định của Trịnh Nhất Tẩu đã khiến sau đó, các tướng lĩnh hải tặc đều ở lại dưới trướng của bà.

Nữ cướp biển bậc nhất Trung Quốc: Từ kỹ nữ tới nữ hoàng hải tặc khiến nhà Thanh bất lực - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Để điều hành một lực lượng những kẻ ngoài vòng pháp luật lớn như vậy quả thật không hề dễ dàng. Để thống nhất cách quản lý hạm đội của mình, Trịnh Thị đề ra một bộ quy tắc áp dụng với tất cả cướp biển thuộc quyền, cùng những điều luật hà khắc để trừng phạt những kẻ không tuân thủ.

Trịnh Thị quy định rằng bất cứ cướp biển nào bất tuân thượng lệnh đều bị chém đầu tại chỗ. Nữ tướng cướp này còn đề ra những hình phạt khắc nghiệt khác như cắt tai những kẻ đào ngũ, đánh bằng hèo sắt…

Chiến lợi phẩm cướp được đều phải nộp về cho hạm đội để phân chia đồng đều, tàu nào trực tiếp tham gia cướp bóc chỉ được nhận 20% giá trị.

Bộ luật này cũng có những quy định rất chặt chẽ về cách đối xử đối với tù nhân nữ. Khi bắt được phụ nữ từ các tàu buôn, những người có nhan sắc tầm thường sẽ được thả tự do về đất liền ngay lập tức, còn những cô gái xinh đẹp sẽ được đem ra đấu giá cho các cướp biển trên tàu.

Người nào mua nữ tù nhân về sẽ phải làm lễ cưới và sống trọn đời với người con gái đó, nếu có hành vi lừa dối sẽ bị xử tử. Những cướp biển hãm hiếp nữ tù nhân cũng bị xử trảm ngay trên tàu, và nếu cuộc "mây mưa" trước hôn nhân đó là do đồng thuận giữa hai người, cả hai đều bị khép tội chết.

"Dù các lâu la có nghĩ gì về bà ta, điều rõ ràng là họ đều tôn trọng và tuân thủ quyền lực của bà ấy", Murray viết.

Tàu cướp biển của Trịnh Thị tấn công, cướp bóc không chừa một ai, từ tàu buôn Trung Quốc cho tới tàu hải quân của Anh, Bồ Đào Nha. Triều đình nhà Thanh đã nhiều lần điều binh vây đánh, hải quân Bồ Đào Nha cùng các chiến thuyền của công ty Đông Ấn cũng tham gia truy quét đội quân hải tặc này, nhưng đều thất bại vì lực lượng của hạm đội Cờ Đỏ quá lớn.

Một đề đốc hải quân Mãn Thanh đã dâng sớ lên triều đình báo cáo về đội quân này như sau: "Hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực".

Nữ cướp biển bậc nhất Trung Quốc: Từ kỹ nữ tới nữ hoàng hải tặc khiến nhà Thanh bất lực - Ảnh 4.

Nhà Thanh cũng bất lực với nữ cướp biển mưu lược. Ảnh: YA Interrobang

Nhận thấy việc giao chiến với Trịnh Nhất Tẩu chỉ tổ hao tổn lực lượng lại không thu được kết quả gì, triều đình Mãn Thanh đành chơi ván bài cuối cùng bằng cách đánh vào tâm lý của nữ thủ lĩnh.

Hoàng đế nhà Thanh đưa ra đề nghị ân xá và nói: "Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa?". Câu hỏi này, lập tức khiến Trịnh Nhất Tẩu dao động.

Bao năm bôn ba ngoài biển, chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của hạm đội, lại nắm trong tay biết bao nhiêu là quyền lực, vàng bạc châu báu, dưới chân thì thuộc hạ lên đến hàng chục ngàn người thế mà chỉ vì một câu hỏi mà "Nữ hoàng cướp biển" Trịnh Nhất Tẩu lại xốn xang trong lòng. Bao năm rồi nàng quên mất mình là một phụ nữ, mà đã là một phụ nữ thì không thể nào cứ như vậy mãi được, phụ nữ cũng cần hạnh phúc riêng dù là thuộc bất kỳ tầng lớp nào đi chăng nữa.

Cuối cùng, Trịnh Nhất Tẩu đồng ý quy hàng và ra lệnh cho thuộc hạ buông vũ khí với điều kiện được giữ lại của cải. Trong số 80.000 tên cướp biển quy hàng, hầu hết đều được ân xá, chỉ có 126 tên bị hành quyết và 250 tên bị phạt tù vì những tội ác nghiêm trọng. Nhiều tên cướp biển sau này còn gia nhập quân ngũ. Sự nghiệp cướp biển của Trịnh Nhất Tẩu như vậy kết thúc vỏn vẹn trong khoảng 10 năm.

Từ bỏ biển khơi quay về đất liền sinh sống, Trịnh Nhất Tẩu liền sinh một đứa con, xong cùng với Trương Bảo mở một sòng bạc, sống cuộc đời hoàn lương cho đến khi qua đời tại Quảng Châu vào năm 1844 ở tuổi 69, kết thúc cuộc đời của một "Nữ hoàng hải tặc" quyền lực khét tiếng cả đại dương.


Mộc Miên (Theo Eva)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem