Nữ đại biểu Quốc hội trình sáng kiến dự luật

Lương Kết Thứ năm, ngày 18/02/2016 07:02 AM (GMT+7)
Tại phiên họp lần thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khai mạc ngày 17.2), đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) sẽ trình sáng kiến Dự án luật Hành chính công. Đây là một sự kiện khá hiếm hoi trong hoạt động của Quốc hội.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - cơ quan hỗ trợ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh  (đoàn Hà Nội) hoàn thiện hồ sơ trình sáng kiến dự luật ra Thường vụ Quốc hội.

Được biết ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh sẽ trình sáng kiến về Dự án luật Hành chính công. Đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội, việc này có gì đặc biệt không, thưa ông?

- Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan T.Ư của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Luật cũng quy định ĐBQH có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật. Trường hợp ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) trình sáng kiến luật, cụ thể là Dự án Luật Hành chính công, là điều bình thường theo đúng quy định của pháp luật.

Về đề xuất xây dựng Dự án luật Hành chính công, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội là cơ quan hỗ trợ cho ĐB Quốc Khánh thực hiện. Dự án luật này nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thành lập một Ban soạn thảo để thực hiện.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: T.L

Đây có phải là trường hợp đầu tiên một ĐBQH trình sáng kiến dự án luật?

- Đây không phải là trường hợp đầu tiên. Theo tôi nhớ, trước đó đã có một số ĐBQH cũng đã làm việc này nhưng chưa trường hợp nào được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội chấp nhận.

Nếu như ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trình sáng kiến dự án luật mà được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận để trình ra Quốc hội và Quốc hội cũng chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của năm 2016 thì sẽ là trường hợp đầu tiên.

Trường hợp ĐBQH trình sáng kiến dự án luật nhưng không được chấp nhận trước đây vì lý do gì, thưa ông?

- Lý do là chưa đảm bảo đủ các điều kiện, việc đề xuất chưa thật phù hợp hoặc khả năng của anh chưa đủ thực hiện hay nội dung đã trùng với bộ này, ngành kia đã làm. Tuy nhiên cái chính cơ bản là chưa có cơ chế rõ ràng, dứt khoát để xem xét việc đó. Cho đến bây giờ đã có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rõ việc này. Hiến pháp năm 2013 đã khuyến khích các sáng kiến pháp luật.

Là cơ quan hỗ trợ ĐB Trần Thị Quốc Khánh xây dựng hồ sơ trình sáng kiến Dự án luật Hành chính công, ông thấy sự cần thiết để xây dựng và ban hành dự án luật này như thế nào?

- Hiện nay trong quản lý về hành chính công đã có những văn bản pháp luật quy định, tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống chưa có văn bản luật nào điều chỉnh. Về mặt nội dung có thể có các văn bản pháp luật khác quy định, nhưng về thể thức, hình thức để thực hiện thì chưa rõ.

Ví dụ như Thủ tướng Chính phủ có quyền ủy quyền cho địa phương, ủy nhiệm cho Chủ tịch tỉnh thực hiện việc gì đó, thế nhưng cách thức ủy nhiệm như thế nào thì hiện nay chưa rõ, hay bằng văn bản nào cũng chưa rõ. Hiện nay việc này được thực hiện theo hình thức là thông báo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cái đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật, như vậy giá trị của nó thế nào, đó còn là khoảng trống.

Qua khảo sát ở các bộ, ngành, địa phương thấy có nhiều nội dung công việc liên quan đến hành chính hiện nay còn vướng do thiếu những văn bản quy định.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem