Góp ý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: Nên bỏ quy định "chuyên ngành báo chí"

Kim Anh Thứ sáu, ngày 22/05/2015 08:25 AM (GMT+7)
Ngày 21.5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với sự tham gia của các đại biểu lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương, 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung.
Bình luận 0

img
Phóng viên phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: I.T

Liên quan quy định trình độ đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, ông Vũ Hải- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói VN đề xuất, cần ghi yêu cầu “trình độ đại học” không cần ghi chuyên ngành báo chí như dự thảo Luật. Vì thực tế hiện nay nhiều Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập không học báo chí mà chỉ được đào tạo kỹ năng làm báo. Do đó, nếu quy định “chuyên ngành báo chí” thì nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm luật. Đặc biệt, ông cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xác định tác nghiệp báo chí là hoạt động công vụ để đưa vào luật.

Đại diện Thông tấn xã Việt Nam đề xuất nên bổ sung quy định về các trường hợp phải cải chính thông tin trên báo chí, trong đó có trường hợp “thông tin gây hiểu nhầm”. Trường hợp này hiện nay đang phổ biến không kém “thông tin sai sự thật”, gây tổn hại nhiều về uy tín, danh dự, kinh tế cho đối tượng bị ảnh hưởng.

Cùng quan tâm tới nội dung cải chính thông tin trên báo chí “trường hợp cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải cải chính, xin lỗi”, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam lại cho rằng khi tự phát hiện thông tin sai và tự cải chính, xin lỗi là động thái cần thiết, theo đó nên quy định về miễn giảm trách nhiệm hành chính, trừ trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy sẽ khuyến khích được sự tự giác đồng thời giảm bớt công đoạn hành chính về phê bình, kiểm điểm.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí, trong đó tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí; cơ quan chủ quản Nhà nước về báo chí, tiêu chuẩn của người đứng đầu; cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; giải thích từ ngữ, khái niệm; Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí; văn phòng đại diện; phóng viên thường trú của cơ quan báo chí; xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem