Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây trên mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại hình ảnh ông Narinder (Ấn Độ) đi du lịch cùng vợ tại Đà Nẵng. Ông có tiền sử bệnh lý mạch vành, đã phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng tối ngày 24/3, ông Narinder đột ngột ngừng tim. Lúc này, điều dưỡng viên Đặng Thị Hạ (29 tuổi) của Trung tâm Cấp Cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. đang ngồi ăn tối với 3 người bạn đã nhanh chóng tiếp cận, kiểm tra mạch cảnh và ép tim, hồi sinh sự sống cho người bệnh.
Gần trưa ngày 27/3, chúng tôi gặp điều dưỡng Hạ khi chị đang làm việc tại bệnh viện. Cho đến thời điểm hiện tại, chị Hạ không nghĩ clip mình vô tình gặp và cứu người nhận được sự quan tâm của dư luận đến vậy.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hạ cho biết, đến thời điểm hiện tại, chị vẫn không hiểu sao mình lại có sức mạnh đến thế khi kéo được người đàn ông nặng khoảng 90kg ra khỏi tay người vợ đang ôm chặt vì lo lắng, không hiểu chuyện gì và đỡ bệnh nhân xuống sàn để ép tim.
Chị Hạ kể, chị có chuyến đi Đà Nẵng nghỉ phép cùng một số người bạn từ 22-24/3. Theo lịch trình, 20h ngày 24/3, chị sẽ lên máy bay trở về Hà Nội để đi làm. Tuy nhiên, đến tối, chị Hạ nhận được tin nhắn hãng hàng không thông báo delay đến 0h đêm.
"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ bị delay lâu như vậy hôm sau đi làm sẽ rất mệt. Thế rồi chúng tôi rủ nhau đi ăn tại một nhà hàng ở Đà Nẵng. Và tôi tình cờ gặp tình huống trên. Giờ nghĩ lại đó có thể là sự sắp đặt, là nhân duyên để mình gặp bệnh nhân và cứu người bệnh", chị Hạ chia sẻ.
Kể về khoảnh khắc chứng kiến người đàn ông đột quỵ, chị Hạ kể, phản xạ đầu tiên chị cho tay sau cổ bệnh nhân bắt mạch. Lúc này, mạch hầu như không có, da lạnh, tiểu tiện không tự chủ, toát mồ hôi, mắt mở to, hô hấp rất kém, gần như ngừng thở.
"Lúc đó, tôi hô lớn cho người này nằm xuống đất nhưng người vợ không biết tiếng Việt, có vẻ vì lo lắng cho chồng nên ôm rất chặt. Bạn tôi đứng bên cạnh có hỗ trợ, tôi xốc nách bệnh nhân, hạ xuống đất, tiến hành bắt mạch. Lúc đó, bệnh nhân mất hoàn toàn mạch, tim ngừng đập. Tôi đã xử trí ép tim cấp cứu ngay tại chỗ. Sau khi ép tim cấp cứu không thấy mạch đã tiếp tục ép tim lần 2, ép liên tục, khi chú có cơn hít lên thì bắt đầu bệnh nhân có ý thức chậm trở lại.
Tôi ngừng ép tim, vỗ mọi người chú ý rồi gọi: Chú ơi, mở mắt cháu xem nào? Tuy nhiên, tôi mới chợt nhớ ra bệnh nhân là người nước ngoài. Lúc này, tôi nói tiếng Anh thì ông ấy chậm chậm đáp 'Ok ok, I'm fine'..", chị Hạ kể lại.
Sau khi xác định bệnh nhân ổn định, bệnh nhân kiên quyết muốn ngồi dậy đi thay đồ vì đã tiểu không tự chủ khi ngừng tim, nữ điều dưỡng vẫn không quên nhắc nhân viên quán đi theo để kịp hỗ trợ nếu có vấn đề. Xe cấp cứu đến kịp đưa người bệnh đi cấp cứu, hiện tình trạng sức khỏe ổn định. Sau đó, chị Hạ cùng mọi người nhận được lời cảm ơn, cặp vợ chồng ngoại quốc lên xe cứu thương đi đến bệnh viện tiếp tục theo dõi, điều trị.
Nữ điều dưỡng cho biết, đã gần 7 năm làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến rất nhiều ca ngừng tim, ngừng tuần hoàn phải cấp cứu ngay trong phòng bệnh, nhưng đây là lần đầu tiên cô gặp một tình huống cấp cứu ngoài cộng đồng.
Sau sự việc, chị Hạ xin lại clip mình đã cấp cứu cho bệnh nhân với mục đích phục vụ cho nghiên cứu về sau. Việc này được nhân viên nhà hàng ăn nhiệt tình trích xuất và gửi cho. Sau khi trở về làm việc, ngày hôm sau chị đăng tải lên tiktok thì nhận được sự quan tâm của dư luận.
"Lúc ép tim, bệnh nhân là người to lớn, tôi đã phải dùng hết sức ép sao vừa đủ không được nhẹ quá cũng không được mạnh quá dễ gây gãy xương người bệnh. Một người thường có thể không biết bệnh nhân ngừng tim. Nhưng tôi tự hào là một nhân viên của A9, lại là điều dưỡng, nên như một bản năng, thấy người ngừng tim là cấp cứu. Tôi cứ vậy làm, bình tĩnh, không hề run sợ, hồi hộp. Chỉ nghĩ làm sao ép tim tốt nhất cho bệnh nhân. Nhịp tim hồi phục càng sớm, tưới máu não càng nhanh, bệnh nhân không bị ảnh hưởng não bộ", chị Hạ kể.
Nữ điều dưỡng cũng chia sẻ, cô rất vui khi biết bệnh nhân đã bình phục, không để lại bất cứ di chứng gì do được cấp cứu kịp thời. Nếu thời điểm đó, không cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ rơi vào chết não, 3-5 phút sau tử vong.
Liên quan sự việc nữ điều dưỡng A9 cấp cứu nam bệnh nhân ngoại quốc ngừng tuần hoàn tại quán ăn, sáng 27/3, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, thông tin ông nhận được, bệnh nhân đã tỉnh táo, không để lại bất cứ di chứng nào về thần kinh, vận động, do được cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời.
Ông Cơ cũng đánh giá, trường hợp người đàn ông ngoại quốc ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng sẽ khó qua khỏi nếu không tình cờ được điều dưỡng A9 có mặt tại đó cấp cứu.
"May mắn cho bệnh nhân đã gặp được một điều dưỡng làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, vốn rất lành nghề trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngay lập tức", ông Cơ nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, cấp cứu ngoại viện rất quan trọng để cứu người bệnh. Ông đề nghị Trung tâm cấp cứu A9, cùng Hội Hồi sức chống độc Việt Nam, Bộ môn hồi sức phối hợp để đào tạo cấp cứu ngoại viện cho nhiều đối tượng trong cộng đồng, để thêm nhiều người bệnh không may đột quỵ, ngừng tim, tai nạn... được cứu sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.