Nữ hành khách "náo loạn" sân bay đòi tự cách ly: Có chế tài xử lý?
Hiếu Đam
Thứ tư, ngày 18/03/2020 11:33 AM (GMT+7)
Từ châu Âu về nước, một nữ hành khách to tiếng ở sân bay Nội Bài, đòi được đưa cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly. Liệu có chế tài để xử lý những trường hợp tương tự? Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư để rõ hơn vấn đề.
Ngày 17/3, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ to tiếng tại sân bay Nội Bài khi đang chờ kiểm dịch y tế phòng chống Covid-19.
Clip: Nữ hành khách to tiếng “đòi được về nhà cách ly” sau khi xuống sân bay Nội Bài. Nguồn: Hồng Gia.
Theo clip, cán bộ Công an cửa khẩu Quốc tế Nội Bài đang làm nhiệm vụ thông tin: "Các xe ô tô của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đưa một số người đi chuyến đầu tiên về nơi tập trung, cách ly và hiện giờ xe ô tô đang quay trở lại sân bay để đón các đoàn tiếp theo".
Tuy nhiên, sau đó một người phụ nữ đi cùng đoàn ngay lập tức phản ứng, to tiếng. Người phụ nữ này liên tục tranh cãi với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và yêu cầu để họ tự đi về nhà.
Anh Dương Quốc V. nhân viên an ninh tại sân bay Nội Bài (người chứng kiến sự việc) cho hay, vào khoảng 7h00 ngày 15/3, một đoàn khách khoảng hơn 100 người đi máy bay từ Ba Lan về sân bay Nội Bài. Sau khi máy bay vào khu vực dừng đỗ, hành khách xuống xe và đi vào khu vực kiểm dịch, đo kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế.
Hành khách tiếp tục xếp hàng chờ làm thủ tục xét nghiệm, sau đó ra khu vực chờ xe ô tô của Bộ Tư lệnh Thủ đô đến đón về khu vực cách ly theo quy định.
"Lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay Nội Bài đã giải thích rất rõ ràng rằng, xe ô tô đón các đoàn khách về khu vực khách cách ly sẽ mất nhiều thời gian bởi vì họ còn phải di chuyển đến những khu vực cách ly ở xa như ở Sơn Tây, hoặc Hưng Yên...
Tuy nhiên, người phụ nữ và một số người trong đoàn vẫn không hiểu, lớn tiếng tranh cãi với lực lượng chức năng", anh V. thông tin.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) thông báo từ 6 giờ sáng 7/3/2020, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Hình thức khai có thể khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi về đến Việt Nam.
"Nhà nước đã huy động cơ sở vật chất của lực lượng công an, phối hợp cùng với quân đội, chuẩn bị thêm các địa điểm tổ chức cách ly tập trung, trong đó có các cơ sở cách ly cho người nước ngoài.
Cần hiểu rằng bản chất việc tổ chức cách ly là sàng lọc, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Chính Phủ cũng đã có quy định và ứng phó đối với dịch lần này, việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai nghiêm túc, quyết liệt hơn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phòng và chống dịch bệnh virus corona gây ra, lan rất nhanh và nguy hiểm đến tính mạng con người", luật sư Tuấn phân tích.
Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/09/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân vẫn không thực hiện theo chỉ đạo của các Cơ quan quản lý nhà nước, mà tiến hành hoạt động kinh doanh là vi phạm Khoản 7, Điều 8 về những hành vi bị nghiêm cấm của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: "Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".
Nếu không tuân thủ quyết định áp dụng biện pháp trên thì có thể bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt từ 100.000 đồng đến 30 triệu đồng, tùy từng hành vi cụ thể mà luật đã có quy định.
Ngoài ra, vị luật sư cũng cho biết thêm, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó tại Điều 240 BLHS quy định cụ thể về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".
Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được hiểu là hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, tùy theo tính chất và mức độ có thể xử lý hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.