"Nữ hoàng" Ninh Thuận lắm thăng trầm

Thứ ba, ngày 09/02/2016 11:00 AM (GMT+7)
Khoảng 2 thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, nho được ví như cây trồng “nữ hoàng", giúp người dân miền gió cát Ninh Thuận thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Mặc dù nho chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của nó hàng năm xấp xỉ 20%. Tuy nhiên, nho Ninh Thuận đã trải qua không ít thăng trầm.

Một thời hoàng kim

Theo tài liệu lưu trữ của ngành NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, thời hoàng kim của cây nho được xác định vào khoảng từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90, với tổng diện tích xấp xỉ 2.300 ha. Giống nho đỏ Red Cardinal lúc bấy giờ được xem là cây trồng chủ lực ở 31 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã trong tỉnh.

Ông Đặng Thành Phong (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước), một trong số người trồng nho kỳ cựu ở Ninh Thuận, bảo những năm 1990-1992, gia đình canh tác chỉ gần 2 sào nho nhưng thu nhập không dưới 50 triệu đồng, đủ lo cho 2 con học đại học và dành dụm xây nhà, mua xe.

img

Người nông dân chăm sóc vườn nho.

Nói không quá, lúc bấy giờ, ở Ninh Thuận đâu đâu cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện trồng nho. Nào là ông A. trúng nho mua 3-4 cây vàng để dành làm của; rồi bà B. cưới vợ cho con trai thật “hoành tráng” từ tiền bán nho. Những chiếc xe máy đời mới, những ngôi nhà ngói nhiều tầng mọc lên ở những vùng quê nghèo cũng từ những mùa nho bội thu. Hàng nghìn nông hộ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng không dư giả gì, bỗng chốc đổi đời chỉ sau vài vụ nho trên những mảnh vườn diện tích khoảng độ vài sào.

Những năm tháng đó, không ai lại không biết đến ông Ba Mọi, một lão nông đã đưa vị thế cây nho lên đỉnh cao, với thương hiệu nổi tiếng “Nho sạch Ba Mọi”. Ông tên thật là Nguyễn Văn Mọi, người xã Phước Thuận, huyện Ninh Cuối năm 2000, khi giống nho xanh NH01-48 được Trung tâm Nghiên cứu cây bông Nha Hố (Ninh Thuận) lai tạo thành công, ông Ba Mọi đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 ruộng gò của gia đình, với kỹ thuật canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

Sau 4 tháng tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất được các chuyên gia hướng dẫn, ông Ba Mọi đã thành công. Giống mới NH01-48 cho mùa quả chín đầu tiên chật cành, lại cao giá. Một kg nho xanh NH01-48 bán tại vườn giá 13.000-15.000 đồng, cao gấp ba lần nho đỏ Red Cardinal truyền thống. Với 1.000 m2, qua vụ đầu ông Ba Mọi thu hoạch được 0,7 tấn, sau đó tăng lên 1,2 tấn ở vụ thứ hai, rồi 1,5 tấn ổn định ở vụ thứ ba. Tết Nguyên đán 2003, lão nông Ba Mọi đưa sản phẩm nho sạch của gia đình vào bày bán tại các siêu thị ở TP HCM.

Theo kết quả phân tích của Phân viện Công nghệ sau thu hoạch, nho an toàn của nông dân Nguyễn Văn Mọi có độ ngọt (độ brix) đạt 18,45%; âm tính về dư lượng thuốc trừ sâu và không nhiễm khuẩn vi sinh vật trên vỏ trái. Nhiều năm qua, thương hiệu nho Ba Mọi đã giữ vững chỗ đứng trong thị trường cả nước.

Hướng đi nào cho cây nho?

Tuy nhiên, những nông dân ở Ninh Thuận từng hơn chục năm gắn bó với nghề trồng nho không khỏi ngỡ ngàng, khi “nữ hoàng” cây trồng của xứ sở xương rồng này có ngày lại suy thoái đến thảm hại.

img

Nho Ninh Thuận được thu hoạch và bán tại chỗ cho du khách tham quan.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, từ diện tích gần 2.300 ha, hiện diện tích nho đỏ toàn tỉnh chỉ còn chưa đến 1200 ha. Các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp đánh giá đại bộ phận bà con trồng nho ở Ninh Thuận canh tác theo kinh nghiệm cảm quan, mày mò học lỏm lẫn nhau, trong khi các kiến thức về khoa học kỹ thuật chưa được trang bị một cách bài bản.

Ngoài ra, do khoản siêu lợi nhuận từ các vụ nho gấp 9 đến 10 lần so với trồng lúa nên nhà nông đã thúc ép cây nho cho trái  đến 3 vụ mỗi năm mà quên đi việc chăm chút, lai tạo giữ thế bền vững đã khiến cây nho bị suy kiệt. Kết cục, cây nho chỉ cho năng suất trên dưới 50% so với trước đây.

Trước thực trạng này, từ năm 2012, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá các vùng có điều kiện thích nghi cho vùng trồng nho bền vững. Khu vực trồng nho chính của tỉnh thu hẹp ở 3 huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước và TP Phan Rang -Tháp Chàm, trong đó huyện Ninh Phước giữ vai trò trọng điểm.

Sở NN-PTNT Ninh Thuận cũng hoàn thành việc tuyển chọn những giống nho mới như: NH01-01, NH01-18, NH02-75, NH02-04; NH04-61, NH04-94 để thay thế giống nho đỏ truyền thống Red Cardinal. Tuy nhiên, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho rằng, yêu cầu cấp thiết với nghề trồng nho ở Ninh Thuận là phải xây dựng được mô hình điểm với quy mô lớn làm thay đổi nhận thức của người dân.

Với định hướng này, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách chuyển hướng chú trọng đầu tư nghiên cứu các ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả nghề trồng nho và thí điểm triển khai đề tài ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học, các chế phẩm sinh học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cây nho. Bước đầu mô hình đã cho năng suất cao hơn 30%, tạo được sự chú ý trong bà con.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận, cây nho vẫn được là cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng gồm 8 cây và 3 con của địa phương. Diện tích dự kiến mở rộng lên đến 3.200 ha, trong đó giống mới là 1.000-1.500 ha với tổng sản lượng hơn 6 vạn tấn. Cây nho Ninh Thuận có trở lại được thời hoàng kim như ngày xưa hay không, câu trả lời nằm trong chính những việc làm cụ thể, hiệu quả của các nhà quản lý.

Lê Trường (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem