Nữ nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Bán rau, ship hàng thuê chăm mẹ chồng ung thư cùng 3 con nhỏ

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 14/01/2022 09:56 AM (GMT+7)
Nhiều tháng qua kể từ khi Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương, chị V chỉ được nhận 2,5 triệu mỗi tháng để nuôi mẹ chồng mắc ung thư và 3 con đang tuổi ăn học. Mỗi ngày chị phải vật lộn bán rau, ship hàng thuê để kiếm sống.
Bình luận 0

Khó khăn chồng chất khó khăn của nữ nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương

Tan trưa, chị L.T.V (điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh) vội vã tranh thủ đi ship từng mớ rau, quả trứng, thậm chí là những gói hàng nhỏ người quen nhờ giao hộ để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Chia sẻ về việc làm của mình, ban đầu chị V. tỏ ra ngại ngùng. Chị không muốn mọi người biết lo lắng cho mình.

Nữ nhân viên BV Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Bán rau, ship hàng thuê chăm mẹ chồng ung thư cùng 3 con nhỏ - Ảnh 1.

Chị L.T.V. (Điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) phải bán rau, quả... để mưu sinh. Ảnh: Gia Khiêm

Sau một hồi lâu chị V trải lòng, làm công việc bán rau online đã kéo dài được hơn nửa năm qua kể từ khi chị cùng 160 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 50% tiền lương mỗi tháng. 

"Khi bệnh viện nợ tiền lương, cuộc sống gia đình tôi khá chật vật. Chồng làm bộ đội chuyên nghiệp lương không cao, gia đình có 3 con nhỏ lần lượt đang học lớp 8, lớp 3 và lớp 1 và mẹ chồng mắc bệnh ung thư dạ dày từ hơn 1 năm trước. Mẹ mới trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày và hóa trị mới về nhà được gần 3 tháng nay. 

Nữ nhân viên BV Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Bán rau, ship hàng thuê chăm mẹ chồng ung thư cùng 3 con nhỏ - Ảnh 2.

Buổi trưa chị V tranh thủ làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Ảnh: Gia Khiêm

Thời gian mẹ tôi hóa trị cũng là lúc mỗi tháng tôi chỉ nhận được 2,5 triệu đồng, chồng thì trong đơn vị suốt, lương chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt, cứ thế 2 vợ chồng xoay bên nọ, đắp bên kia để có tiền cho mẹ chữa trị, tiền ăn uống của cả gia đình và tiền học cho 3 đứa nhỏ", chị V. kể.

Trong lúc túng quẫn, khó khăn chồng chất khó khăn chị V tìm cách xoay sở, đăng bán hàng online như rau, củ quả, trứng gà,… lên các trang nhóm của chung cư để kiếm thêm thu nhập. 

"Hàng ngày, tôi đăng bài lên các trang nhóm, nếu có đơn đặt tôi lấy rau ở quê của một đồng nghiệp mang đi ship. Tranh thủ giờ trưa được nghỉ 1,5 tiếng làm việc, tôi chở rau cho những ai cần. Có tháng kiếm được vài chục đơn, nhưng có tháng cũng chỉ dăm ba đơn. Nói chung chỉ lấy công làm lãi chứ lãi từ tiền bán rau chẳng đáng là bao", chị V nói. 

Không ngại ship hàng thuê, ai nhờ nhận ngay

Những ngày không có đơn hàng nào, chị V. lại xem có ai nhờ ship đồ, ship hàng hộ là nhận ngay, có nhiều đơn chỉ 10.000-15.000 đồng chị vẫn sẵn sàng đi ship không ngại. Với chị, số tiền ấy góp nhặt lại cũng rất đáng quý. Suốt 8 tháng qua, chị V chắt bóp chi tiêu, gom góp từng đồng lo cho gia đình. Chồng thường xuyên vắng nhà, một mình chị xoay sở chăm mẹ già, 3 con thơ. 

Nữ nhân viên BV Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Bán rau, ship hàng thuê chăm mẹ chồng ung thư cùng 3 con nhỏ - Ảnh 3.

Hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) cầm giấy, cầm băng rôn "cầu cứu" chiều ngày 11/1. Ảnh: Gia Khiêm

"Một năm dịch bệnh hoành hành, 3 đứa con không được đến trường, mấy tháng qua bà khỏe hơn thì tôi mới đỡ vất vả hơn chút. Trước đó, vừa lo cho mẹ, vừa chăm con, dạy con học, vừa tranh thủ bán hàng kiếm đồng ra, đồng vào khiến tôi mệt bở hơi tai. Hiện tại cuộc sống gia đình mặc dù ổn hơn, nhưng lương vẫn không thay đổi thì tôi sợ thời gian tới sẽ chẳng thể có tiền cho con học được nữa", chị V ngậm ngùi.

Tết sắp cận kề, lương tháng 12 chị vẫn chưa được nhận 1 đồng, chị chẳng dám nghĩ đến Tết. "Nghĩ đến Tết là sợ, lấy tiền đâu để biếu gia đình nội ngoại, lấy tiền đâu sắm sửa Tết cho gia đình, dịch bệnh ai cũng khó khăn, vay ai cũng chẳng thể", chị nói. 

Ba ngày qua, sau khi kết thúc giờ làm việc chiều, chị cùng đồng nghiệp hết cách đã phải cầm băng rôn kéo nhau ra đường để biểu tình, chỉ mong lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam sớm giải quyết. 

"Chúng tôi đều là người có ăn học, phải ra đường đứng như thế này tự chúng tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ nhưng chúng tôi đã đến đường cùng và không còn lựa chọn nào khác", chị V bức xúc. 

Tối ngày 13/1, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã thông tin liên quan đến vụ việc 160 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương suốt nhiều tháng qua.

Học viện cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại công văn ngày 12/1 để giải quyết vấn đề tiền lương kịp thời, đơn vị này đã triển khai một số nội dung. Cụ thể, Học viện đã báo cáo Bộ Y tế để được phép cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện để Bệnh viện thực hiện chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12/2021 và tháng 1/2022 cho cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Bên cạnh đó, Học viện đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí của Bộ Y tế để tạm ứng trước cho bệnh viện với số tiền 10,2 tỷ đồng để bệnh viện có kinh phí kịp thời chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay cho nhân viên y tế.

Học viện đã tổ chức họp, thống nhất cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh ứng trước khoản kinh phí chi lương và thống nhất chi các khoản phúc lợi, Tết Nguyên đán Nhầm Dần theo mức chi chung toàn Học viện cho viên chức, người lao động thuộc bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày 13/1.

Theo lãnh đạo Học viện, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn y tế Việt Nam, đơn vị này tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện báo cáo chi tiết thực trạng về tài chính và phương án thu chi để báo cáo Bộ Y tế đề xuất với Bộ Tài chính, Chính phủ bố trí các nguồn kinh phí hỗ trợ Bệnh viện Tuệ Tĩnh để chi trả kịp thời tiền lương cho viên chức, người lao động khắc phục ngay các khó khăn trước mắt của bệnh viện.

Thực hiện đánh giá kết quả hoạt động sau 3 năm thực hiện loại hình đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nhất là trong thời gian dịch bệnh hiện nay làm cơ sở đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Tài chính…) điều chỉnh loại hình tự chủ về tài chính cho bệnh viện từ loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế, có kinh phí vượt qua khó khăn của giai đoạn dịch bệnh này.

Học viện kiến nghị với lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ bệnh viện để chi trả tiền lương cho viên chức người lao động…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem