Nữ sinh thi đâu thắng đó với suy nghĩ “học để ứng dụng vào thực tế”

Thứ ba, ngày 12/11/2024 06:30 AM (GMT+7)
Nguyễn Thị Thanh Nguyên là 1 trong số 20 sinh viên vừa nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024.
Bình luận 0

Chi tiết máy là một môn học chuyên ngành quan trọng trong lĩnh vực Cơ khí. Bằng tình yêu khoa học, Nguyễn Thị Thanh Nguyên (Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) đã nghiên cứu cách giải bài toán tổng quát chọn bu-lông phù hợp giữa hộp giảm tốc và khung máy giúp bản thân và các sinh viên khác có cơ hội đào sâu tìm hiểu về cơ sở lý thuyết tính toán của bu-lông, phục vụ cho các tính toán thiết kế cơ khí sau này.

"Tính toán thiết kế và lựa chọn mối ghép bu-lông giữa hộp giảm tốc và khung máy" là một trong những đề tài khoa học điển hình trong nghiên cứu của Thanh Nguyên với vai trò trưởng nhóm và các thành viên khác.

Nữ sinh thi đâu thắng đó với suy nghĩ “học để ứng dụng vào thực tế” - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh Nguyên (giữa) nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2024

Khi tìm tòi nghiên cứu cách giải bài toán tổng quát chọn bu-lông phù hợp giữa hộp giảm tốc và khung máy nhằm phục vụ cho việc học tập, Thanh Nguyên đã có cơ hội đào sâu tìm hiểu hơn về cơ sở lý thuyết tính toán của bu-lông, vốn là chương rất quan trọng và cũng là chương khó nhất trong môn Chi tiết máy - một môn học chuyên ngành quan trọng trong lĩnh vực Cơ khí. Nhờ đó mà Nguyên đã hiểu sâu hơn về cách tính bu-lông trong các bài toán thực tế và là người giải bài toán này.

Thêm vào đó, Thanh Nguyên cùng với các thành viên trong nhóm tạo ra một chương trình tính chọn bu-lông phù hợp chỉ bằng cách nhập thông số cụ thể vào, tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tra bảng và kiểm tra lại độ bền của bu-lông trong các máy móc thực tế.

"Mình đã ứng dụng chương trình này vào đồ án chuyên ngành và luận văn tốt nghiệp của mình, qua đó tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức trong hai đồ án sau", Thanh Nguyên chia sẻ.

Một lý do khiến mọi người khâm phục ý chí của Nguyên bởi cô tham gia hàng loạt các giải toán học, khoa học công nghệ với suy nghĩ học để ứng dụng vào cuộc sống. Thanh Nguyên chia sẻ "Khi mới bắt đầu, tôi không nghĩ nhiều về các thành tích mình sẽ đạt được sau này vì đối với tôi, quan trọng là học để làm. Tôi cũng không dám đặt nặng việc phải đạt thành tựu nào đó vì tôi sợ rằng mình sẽ bị áp lực. Tuy nhiên tôi đặt mục tiêu là có học bổng khuyến khích học tập từng kỳ vì tôi mong có thể giảm gánh nặng về kinh tế cho cha mẹ. Có lẽ chính nhờ thế nên tôi mới chinh phục được các giải Olympic cơ học toàn quốc".

Thanh Nguyên từng đoạt Giải Nhì Olympic Cơ học toàn quốc môn Chi tiết máy 2022; Giải Ba Olympic Cơ học toàn quốc môn Chi tiết máy 2023; Giải Ba Olympic Cơ học toàn quốc môn Nguyên lý máy 2024...

Nữ sinh này cũng nhắn nhủ đến những nữ sinh viên đang theo học ngành kỹ thuật rằng hãy mạnh dạn theo đuổi con đường này. "Các bạn nữ đừng vì khó khăn mà nản chí, thay vào đó, nên xem khó khăn trong học tập là điều tất yếu mình phải trải qua, không chỉ trong các ngành kỹ thuật mà bất kỳ ngành nghề nào cũng có cái khó của riêng nó, không có lĩnh vực nào chỉ toàn là màu hồng. Cái gì thuộc kỹ năng cần rèn luyện lâu dài thì các bạn cứ chăm chỉ luyện tập hàng ngày, lâu dần những kỹ năng này sẽ trở nên quen thuộc với bạn. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua!", Thanh Nguyên chia sẻ.

Thanh Nguyên mong muốn trong tương lai được làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ học, cơ khí để vận dụng chính các đề tài khoa học của mình vào việc chế tạo máy móc nhằm góp phần phát triển nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ của đất nước.

An Khê (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem