Nữ sinh viết bài Văn 21 trang giấy thi vào lớp 10 nổ ra tranh cãi gay gắt
Nữ sinh viết bài Văn 21 trang giấy thi vào lớp 10 nổ ra tranh cãi gay gắt
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 25/06/2023 12:16 PM (GMT+7)
Việc ngợi ca nữ sinh viết bài Văn 21 trang giấy thi vào lớp 10 là cổ súy thứ văn dài dòng vượt giới hạn sẽ biến cuộc thi văn thành thi lực sĩ, xào nấu, cóp chép hoặc làm dáng, khoe chữ, hỏng tư duy sáng tạo của con trẻ?
Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, sau khi viết 21 trang giấy làm bài thi Văn lớp 10, em Nguyễn Trần Ban Mai (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xuất sắc trở thành tân thủ khoa đầu vào môn Văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với số điểm là 53,5 (trong đó, Toán đạt 8,5 điểm; Văn 9,75 điểm; tiếng Anh 8,25 điểm và điểm môn chuyên là 9).
Ban Mai cho biết: "Đề Văn năm nay khá mới, em rất thích 2 câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Thời gian 150 phút, em đã viết hết 21 trang giấy, cảm thấy khá hài lòng về bài thi của mình. Trong thời gian làm bài, em đã dùng hết các kiến thức đã ôn luyện".
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin nữ sinh viết 21 trang giấy đã nổ ra tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Trong khi nhiều người ngưỡng mộ, tán dương nữ sinh này vì không ít thí sinh khác phải chật vật toát mồ hôi mới "nặn" ra được vài chữ, thì ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng: "Đề thi luôn là một vấn đề có giới hạn, chấm văn mà cổ súy thứ văn dài dòng vượt giới hạn để đạt kỷ lục chép nhanh là nguy hiểm. Nó biến cuộc thi văn thành thi lực sĩ, xào nấu, cóp chép hoặc làm dáng, khoe chữ, hỏng tư duy sáng tạo của con trẻ".
Một ý kiến khác cho biết: "Thay vì tìm kiếm "một tư duy văn học", lấy sự sáng tạo, lay động của cảm xúc làm mục đích thì trẻ lấy viết dài, viết bôi làm barem cho "đẳng cấp" văn chương của mình".
Hay cũng có người bày tỏ: "Mọi người ngưỡng mộ, thích thú khoe những thí sinh có bài thi Văn điểm 10, thí sinh viết dài, bài Văn kỷ lục nhưng thực tế đọc những bài văn này toàn thấy viết lung tung, văn chương ở trên trời mà không phải văn bản đơn thuần. Không hiểu học sinh học được điều gì ở những bài văn này mà cứ share nhau để làm văn mẫu chứ".
Nữ sinh viết bài Văn 21 trang giấy thi vào lớp 10 có phải "bốc phét"?
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đinh Hồng Nhung, giáo viên Văn ở Than Uyên, Lai Châu cho hay: "Tôi đã chấm thi Văn nhiều năm, nhiều lần hạ bút cho những bài văn 9,5 điểm vì bài làm đảm bảo các ý cơ bản nhất, hành văn súc tích, có cảm xúc. Chỉ vì thiếu chút điểm đọc hiểu và sáng tạo, nếu đủ cả thì tôi cũng cho trọn vẹn 10 điểm.
Tôi không lạ những bài văn trên 9, học sinh viết say sưa và đầy cảm xúc. Tôi cảm thấy trân trọng nỗ lực và cảm hứng mà trẻ nhận được từ đề bài. Có người cho rằng các em học vẹt, chép mẫu nhưng nếu chép sách thì không bao giờ chép được nhanh thế. Chỉ có tự viết bằng cảm xúc và tư duy cực nhanh ý, nhiều khi viết không kịp dòng tư duy thôi thúc mới được như vậy. Bản thân tôi từng ôn học sinh giỏi Văn, dạy học sinh giỏi Văn và cả viết Văn nên không lạ việc khi có cảm xúc với một đề bài thì viết nhanh cỡ nào.
Văn dài chưa chắc đã điểm cao, nếu viết lan man không trọng tâm, không rõ ý nhưng văn dài mà điểm cao, chắc chắn văn hay, mạch lạc. Xin dừng gato với đứa trẻ và nên chúc mừng cô bé có điểm 9,75 môn Văn và chúc mừng THPT chuyên Hà Tĩnh đã tìm được một học trò yêu Văn và tư duy nhanh, kỹ năng viết tốt".
Trước ý kiến cho rằng giáo viên và dư luận đang làm hỏng giáo dục vì không ai lại tính độ dài của một bài Văn để ca tụng, cô Nhung cũng khẳng định: "Những người chê là họ không bao giờ xem đáp án, hướng dẫn chấm của một bài Văn; bởi vì ngoài điểm nội dung còn có điểm yêu cầu về mặt hình thức, vấn đề nghị luận, sự sáng tạo... Không học sinh nào viết linh tinh lại được điểm cao và nói như vậy thì hóa ra Hội đồng tuyển sinh làm việc tắc trách, cho "lọt lưới" những bài không hay mà vẫn điểm cao? Một bài thi dọc phách, chấm 2 vòng, lệch giữa 2 vòng chấm chỉ 0,5 điểm là phải đối thoại tranh luận để xem lấy điểm nào vào bài, chứ không phải chấm 1 lần lấy điểm luôn".
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM nêu quan điểm: "Chúng ta thường bảo nhau rằng: Văn hay bất luận ngắn dài. Cùng một ý tứ, người viết có thể triển khai thành văn bản ngắn chỉ có một câu, hoặc văn bản dài với hàng ngàn câu, đều hợp lý. Điều này ông bà ta ngày xưa, thời chưa có chữ viết, cũng đã công nhận và thực hiện. Chẳng hạn, cùng là đạo lý "ở hiền gặp lành" nhưng tục ngữ thì chỉ có bốn tiếng như thế, còn cổ tích Tấm Cám thì lại rất dài, nhiều câu, nhiều tình tiết. Ngôn ngữ là địa hạt của tư duy, mà tư duy và tâm trí con người thì không hạn định.
Trở lại với đề Văn, ta thấy đề không yêu cầu giới hạn câu chữ. Dài hay ngắn là do chính người viết tự quy định cho mình. Theo lý luận văn học thì bài văn là tác phẩm của người viết, nhưng số phận của nó ra sao là do độc giả cộng hưởng và đón nhận. Và phải chính xác là độc giả, nghĩa là người trực tiếp đọc tác phẩm mới có quyền thẩm định tác phẩm. Đọc thì mới biết có bốc phét, sáo rỗng hay chân thành và cảm hứng. Nguyên tắc của phản biện là người phản biện phải nắm rõ vấn đề. Nếu đứng ngoài lề để bàn tán mà chưa biết nội dung là gì, thì đấy gọi là nguỵ biện. Hiểu một cách khoa học như thế thì chính những người đang bình luận vô căn cứ trên mạng xã hội như vậy mới chính là sáo rỗng.
Dư luận cũng có cái lý của họ khi đưa tin về bài Văn. Giáo viên cũng hài lòng khi học trò của họ có sự phong phú trong ngôn từ. Tuy nhiên, hãy bắt đầu nhìn nhận đây là chuyện bình thường. Ngày xưa, chúng tôi đi thi học sinh giỏi Văn, đã có những bạn viết 28 trang giấy (tức 7 tờ giấy thi) trong vòng 180 phút. Tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng để có thể viết được như thế, người học trò phải tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn (như sách tham khảo, sách nghiên cứu, bài giảng của giáo viên, bài bình luận của các nhà phê bình văn học...), phải linh hoạt sử dụng các thao tác lập luận (bình luận, chứng minh, phân tích, so sánh...), phải có tâm - tâm huyết, tâm trạng - để trình bày bài viết của mình.
Khi đó, chúng tôi rất tự hào về tác phẩm nhỏ của bản thân. Sau này, là người làm giáo dục, chúng tôi trân trọng những cố gắng giản dị và hồn nhiên đó của học trò. Với riêng tôi, đó là giá trị của sự nỗ lực và tư duy, là yếu tố sống còn để các em thành công sau này. Nếu hiểu theo hướng đó, bài văn dài không chỉ là viết để lấy điểm, nó là kết quả bước đầu của một người trẻ biết ước mơ và hành động vì mơ ước. Cá nhân tôi cho rằng bắt đầu từ thời điểm này chúng ta nên cởi mở hơn để đón nhận những bài văn với cách viết, độ dài ngắn, ý tứ... khác nhau, thay vì bàn tán xôn xao và nghĩ những hướng tiêu cực".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.