Nửa đầu tháng 9, 6 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu 4.300 tấn gạo thơm sang EU

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 21/09/2020 18:06 PM (GMT+7)
Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận chủng loại gạo thơm để được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với khối lượng khoảng 4.300 tấn.
Bình luận 0

Doanh nghiệp háo hức với thị trường EU

Ngày mai, 22/9, một sự kiện đặc biệt của ngành lúa gạo được tổ chức tại An Giang, đó là lễ xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), chính thức mở ra một chặng đường mới cho hạt gạo Việt: Chinh phục những thị trường khó tính. 

Có thể thấy, hiệu ứng của những ưu đãi về thuế quan sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực đã mang lại cho bức tranh xuất khẩu gạo sang EU những gam màu tươi sáng dù những ưu đãi đó mới đến được hơn 1 tháng.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ NNPTNT, nếu như trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt trên 15.800 tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD, thì chỉ trong nửa đầu tháng 9, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, Bộ NNPTNT cũng có quyết định về vấn đề này, đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu vào EU với khối lượng đạt xấp xỉ 4.300 tấn. 

Và ngày mai, 22/9, tại Nhà máy lương thực Thoại Sơn ở ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn (An Giang), Tập đoàn Lộc Trời sẽ chính thức đưa lô hàng gạo thơm sang EU với những ưu đãi đặc biệt về thuế theo EVFTA.

 Lô hàng lần này có khối lượng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18kg/bao, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.

4.300 tấn gạo thơm sang EU trong tháng 9 - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa thơm ở Cần Thơ. Ảnh: I.T

Thực tế, không phải đến bây giờ, các doanh nghiệp mới thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường EU mà nhiều đơn vị đã có một quá trình dài chuẩn bị để sẵn sàng "đón sóng" khi EVFTA chính thức có hiệu lực. 

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Tập đoàn luôn chú trọng đến việc đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng gạo phục vụ thị trường EU từ năm 2018, và đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451… vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng. 

Từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Tập đoàn đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp.

"Với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, chúng tôi hiểu rõ chất lượng sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của nông sản Việt nói chung và mặt hàng gạo nói riêng khi muốn xuất khẩu vào EU. Chính vì vậy, Lộc Trời luôn chú trọng vào việc kiểm soát chất lượng trên khắp các vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất, chế biến của Tập đoàn. Lộc Trời đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU trong thời gian tới" - ông Thòn nhấn mạnh.

Sẽ có thêm nhiều loại gạo thơm sang EU

Theo cam kết trong EVFTA, có 9 loại gạo thơm của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang EU, gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy, tương đương khoảng 1 triệu ha, sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm.

Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, vì vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, không chỉ có 9 loại gạo thơm được xuất khẩu sang EU mà tới đây 2 bên sẽ tiếp tục đàm phán, thảo luận để đưa thêm vào danh sách những loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu sang EU.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng, với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao.

 Với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). 

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

"Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem