Thông báo kết quả cuộc họp, người phát ngôn của UBND tỉnh, ông Phạm Văn Dung- Chánh Văn phòng cho biết, cuộc họp đã thống nhất sẽ lập đoàn công tác gồm Hội Nông dân, Hội Luật gia, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh... tổ chức họp khoảng 5.000 hộ dân tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch để lấy ý kiến có kiện hay không kiện Vedan ra toà sau khi Vedan đã chấp nhận đền bù hơn 119,5 tỷ đồng theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Ông Dung cho biết thêm, nếu người dân đồng ý số tiền đền bù trên của Vedan thì cũng làm luôn các bước xác định thiệt hại cho từng hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng. “Còn nếu người dân không đồng ý số tiền bồi thường trên mà muốn kiện là quyền của họ. Tuy nhiên, đoàn công tác cũng phải giải thích là số tiền 119,5 tỷ đồng mà tỉnh đã yêu cầu Vedan bồi thường là dựa trên xác định khoa học của cơ quan chuyên môn để cho người kiện nắm vững...” - ông Dung nhấn mạnh.
Ông Dung thừa nhận, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến thời điểm này chỉ còn chờ Vedan trả tiền là chi trả cho người bị thiệt hại, còn Đồng Nai đến nay mới bắt đầu làm hồ sơ. Do Đồng Nai giải quyết vụ việc theo “quy trình ngược” nên đã đẻ ra nhiều phức tạp. Cụ thể chỉ 50% trên tổng số hộ bị thiệt hại đồng ý mức bồi thường hơn 119, 5 tỷ đồng của Vedan, còn 50% lại thì kiên quyết kiện vì cho rằng mức trên là còn thấp.
Một “vướng” nữa là đến thời điểm này những người đòi Vedan bồi thường chưa uỷ quyền cho luật sư hay cán bộ Hội Nông dân thay mặt họ kiện Vedan như ở Bà Rịa -Vũng Tàu hay TP. Hồ Chí Minh mà chỉ mới uỷ quyền nộp đơn, nên bây giờ phải gấp rút làm thủ tục uỷ quyền kiện.
Theo luật sư Nguyễn Đức - Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai, người bị thiệt hại chưa biết diễn biến vụ việc như thế nào, họ sợ hết thời hiệu kiện nên trong ngày 16-8 số hộ đến nhờ luật sư nộp đơn tại toà tăng đột biến, nâng số hồ sơ nộp cho toà đến thời điểm đó khoảng 3.000 đơn.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.