"Núi tiền" cá độ World Cup 2022 sắp "bay" sang nước ngoài, BLV Quang Tùng nói gì?

Lê Minh Thứ bảy, ngày 19/11/2022 07:10 AM (GMT+7)
Đêm 20/11 tới, trái bóng World Cup 2022 Al Rihla (có nghĩa là "cuộc hành trình" theo tiếng Ả Rập) sẽ chính thức lăn trên sân cỏ Qatar. Và ở Việt Nam, Bộ Công an cũng quyết liệt trong "hành trrình" đấu tranh với tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá.
Bình luận 0

"Cần phải có "vũ khí" thiết thực để hiện thực hóa cá cược bóng đá hợp pháp"

World Cup 2022 càng tới gần, người hâm mộ bóng đá càng háo hức chờ đợi những "bữa tiệc" bóng đá mãn nhãn sẽ được các ngôi sao, nghệ sĩ sân cỏ trình diễn tại Qatar.

Nhưng cùng với đó, nhiều gia đình cũng thấp thỏm cảnh "tan cửa nát nhà" sau khi World Cup 2022 khép lại vì tệ nạn cá độ bất hợp pháp đang diễn ra triền miền, hàng ngày, hàng giờ trên mạng internet.

"Núi tiền" cá cược World Cup 2022 sắp "bay" sang nước ngoài, BLV Quang Tùng nói gì? - Ảnh 1.

Cá độ bóng đá bất hợp pháp ngày càng phát triển và World Cup 2022 là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá. (Ảnh minh họa)

Hôm qua (18/11), Bộ Công an thông tin, bên cạnh những hoạt động cổ vũ cho World Cup 2022, cơ quan công an nhận định nhiều người sẽ lợi dụng sự kiện này để tổ chức cá độ bóng đá.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá. 

Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá trong dịp World Cup. Chủ công là 2 lực lượng cảnh sát hình sự và an ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá qua mạng. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp phát hiện, đấu tranh triệt xóa các tụ điểm, đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá; phối hợp với các ngành tư pháp đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh.

Thực tế, trong nhiều năm qua, gần như năm nào cơ quan công an cũng phá vài chuyên án cá cược bóng đá lớn qua mạng, ít thì 20-30 tỷ đồng, nhiều thì lên tới 30.000 tỷ đồng. 

Gần nhất, ngày 13/11, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ Nguyễn Duy Tùng (sinh năm 1991), Trần Thị Thơm (sinh năm 1970), Chu Văn Hà (sinh năm 1990), Phạm Văn Mạnh (sinh năm 1979), cùng ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1969; ở thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và Nguyễn Xuân Quỳnh (sinh năm 1980; ở huyện Đông Anh, Hà Nội) trong đường dây đánh bạc qua mạng bằng hình thức cá độ bóng đá qua trang Bong88. Tổng số tiền giao dịch của các con bạc trong đường dây này từ trước đến nay ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 16/11, Công an thành phố Đà Nẵng triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng với tổng số tiền giao dịch lên đến 470 tỷ đồng.

Nghĩa là khi Dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế do Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua cách đây hơn 1 năm (thay thế Nghị định số 06/2017/NĐ-CP) chưa thể đi vào thực tế cuộc sống, thì chuyện Việt Nam bị thất thoát "núi tiền" ra nước ngoài là điều không tránh khỏi.

Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Nghị định về cá cược thể thao chưa thể triển khai là do các cơ quan chuyên môn hiện chưa chọn được đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp nào đủ điều kiện đứng ra làm cá cược thể thao.

Dưới góc nhìn của mình, bình luận viên (BLV) Ngô Quang Tùng trao đổi cùng Dân Việt: "Quan điểm của tôi là khi chính sách nào đó chưa đi được vào cuộc sống thì cần phải nghiêm túc nhìn nhận xem tính thực tiễn của chính sách đó ở mức độ nào, có bị lạc hậu, xa rời thực tiễn hay không?

Thực tế, nếu muốn triển khai Nghị định về cá cược thể thao, trong đó có bóng đá, chúng ta xác định sẽ phải thắng những "đối thủ" rất mạnh tạm gọi là "thế giới ngầm", hoạt động bất hợp pháp vẫn tồn tại đâu đó trong xã hội, có máy chủ đặt ở nước ngoài nên cũng rất khó xử lý.

Nếu chúng ta muốn hợp pháp hoạt động cá cược thể thao, thu hút dòng tiền, tạo nguồn thu cho ngân sách thì chính sách của chúng ta phải giàu tính thực tiễn, hấp dẫn được người chơi".

BLV Quang Tùng nhấn mạnh chẳng có gì tồn tại được nếu thiếu sức hấp dẫn, thiếu tính thực tiễn:

"Song song với chính sách giàu tính thực tiễn như tôi đề cập; chúng ta cũng phải nghiên cứu đồng loạt nhiều"vũ khí" để ngăn chặn các hoạt động phi pháp. Mọi biện pháp cần để Nghị định cá cược thể thao đi vào cuộc sống nếu cần đều phải được áp dụng đồng bộ, quyết liệt".

Tháng 9/2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế thay thế Nghị định số 06/2017/NĐ-CP.

Tại dự thảo này, Bộ đưa ra 27 giải đấu và 9 trận đấu lớn được lựa chọn để đặt cược. Phạm vi cá cược bóng đá tại dự thảo Nghị định này gồm toàn bộ các giải đấu của các nền bóng đá hàng đầu thế giới như giải Ngoại hạng Anh, giải vô địch Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp...

So với Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, dự thảo của Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên độ tuổi tham gia đặt cược là 21 tuổi nhằm đảm bảo đủ hành vi dân sự và đã có thu nhập, kiểm soát được khả năng tài chính của bản thân khi đặt cược.

Mức giới hạn đặt cược cũng giống với Nghị định 06 là 10.000 đồng/lần đặt cược, tương đương với mệnh giá của vé số và tối đa 1 triệu đồng/sản phẩm/ngày. Bộ Tài chính cho rằng, mục đích của việc đặt ra giới hạn này là để kiểm soát người chơi không ham mê quá mức, làm ảnh hưởng đến tài chính và an ninh, trật tự xã hội.

Bộ Tài chính cũng nêu rõ, điều kiện tham gia dự thầu là doanh nghiệp phải có vốn hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được vượt 50% tổng vốn đầu tư dự án và có cam kết đóng góp cho ngân sách nhà nước bằng tiền tối thiểu 5% doanh thu bán vé đặt cược.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem