Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa dầm kéo dài kết hợp với triều cường dâng, từ đó tại các cánh đồng không canh tác lúa vụ 3 nước trên ruộng khá nhiều và kèm theo là nguồn lợi thủy sản phong phú.
Tranh thủ nước lên trong những ngày qua, nhiều nông dân đã tiến hành khai thác thủy sản.
Chính vì vậy, những ngày này, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) hay nhiều tuyến đường nông thôn thì dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân giăng lưới, đặt trúm, đẩy côn... để bắt tôm cá, khai thác thủy sản nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình hoặc tăng thêm nguồn thực phẩm cho bữa cơm gia đình.
Đang đẩy côn bắt cá trên cánh đồng ở phường V, thành phố Vị Thanh, anh Nguyễn Văn Tính, người dân địa phương, cho biết nhiều năm nay anh và bà con nơi đây thường không canh tác lúa vụ 3 vì thấy không hiệu quả. Do đó, hơn 3 năm qua, tranh thủ thời gian nhàn rỗi anh sắm chiếc vỏ lãi nhỏ và làm thêm bộ côn (dài 6m) để đẩy bắt cá trên ruộng nhằm kiếm thêm thu nhập trong những tháng nước lũ.
Mấy bữa nay, thấy nước trên ruộng nhiều nên anh cùng một số hộ khác đem côn ra đẩy bắt cá ở những ruộng đã trục gốc rạ. Mỗi ngày, anh kiếm được hơn 2kg cá (chủ yếu là cá lóc), nhưng có hôm thì ít hơn, tính ra thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.
Giống như anh Tính, ông Trần Văn Sáu, ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cũng tranh thủ đem tay lưới ra giăng ở cánh đồng phía sau nhà trong những ngày qua khi thấy nước trên ruộng khá nhiều. Vừa cuốn lưới, ông Sáu vừa chia sẻ: “Thấy có mưa dầm, nước lên và có cá lên ruộng nên tôi ra chợ mua tay lưới dài 100m (loại mắt lưới 4cm) về giăng để kiếm cá ăn. Mấy bữa mưa nhiều thì mỗi ngày kiếm hơn 2kg cá như: cá rô, cá sặc, cá lóc, cá trạch, cá thát lát, cá chốt... Riêng hai, ba bữa nay, trời nắng lại và nước trên ruộng cạn dần, cá quay lại xuống kênh nên số lượng cá bắt được ít hơn, nhưng cũng đủ ăn hàng ngày”.
Ngoài bắt cá đồng khi thấy nước trên ruộng nhiều thì theo quan sát của chúng tôi, hiện có không ít nông dân ở ấp 2 và ấp 7, xã Vị Thủy, cũng như nhiều bà con khác trên tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đã bắt đầu kéo lưới cước xung quanh bờ bao ruộng nhà mình để thả nuôi cá ruộng mùa lũ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh và địa phương.
Được biết, các loại cá được nông dân chọn nuôi là cá chép, mè hoa, mè vinh, cá trê và một ít cá đồng tự vào sinh sống.
|
Vừa thả cá giống xuống 5 công ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Hiếu, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, thông tin: “Do tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên như lúa chét, côn trùng, trứng ốc bươu vàng, sâu rầy, rong tảo, bèo… nên trong thời gian nuôi khoảng 2-3 tháng (theo con nước lũ), bà con không tốn tiền mua thức ăn hay công chăm sóc mà cá vẫn lớn. Bình quân một công ruộng, người nuôi cá có thể kiếm được nguồn lãi từ 1-1,2 triệu đồng nên khỏe hơn sản xuất lúa vụ 3”.
Theo kinh nghiệm của ông Hiếu và nhiều hộ nuôi cá ruộng, lúc mới mua cá giống về nuôi thì bà con cần ương trong vèo vài ngày cho cá quen với môi trường nước, sau đó mới thả vào ruộng. Khi mực nước lên cao, cá lớn dần sẽ tự tìm thức ăn.
Người nuôi chỉ cần kiểm tra bờ, lưới bao hàng ngày để theo dõi và kịp thời xử lý những tình huống bất thường. Ngoài ra, để cá mau lớn thì nhiều người còn đầu tư giăng bóng đèn điện trên ruộng để thắp sáng vào ban đêm nhằm dẫn dụ các loại côn trùng đến làm mồi cho cá.
Đặc biệt là trong suốt quá trình thả cá không được dùng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào trên đồng nên bảo vệ được môi trường. Mặt khác, khi áp dụng mô hình nuôi cá ruộng, nông dân còn cách ly được mầm bệnh giữa hai vụ lúa, đồng thời giúp đất được nghỉ ngơi và tăng lượng phù sa, từ đó khi canh tác vụ lúa Đông xuân sẽ giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giảm giá thành và lúa vẫn trúng mùa.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Thủy sản là một trong những lĩnh vực đang mang lại nhiều hiệu quả cho ngành. Bởi trong 7 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 6.626ha, tăng 11% so cùng kỳ; với tổng sản lượng thu về đạt 38.212 tấn, tăng 2,75% so với cùng kỳ. Do đó, nhằm góp phần vực dậy cho lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo cuối năm đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của khu vực I.
"Hiện đơn vị đang chỉ đạo các ngành liên quan của sở tăng cường vận động người dân tăng diện tích nuôi thủy sản, đặc biệt là diện tích nuôi cá ruộng ngay vào thời điểm đầu mùa lũ ở những nơi không canh tác lúa Thu đông. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ con giống cho hộ dân nuôi cá nhằm tạo điều kiện cho bà con, nhất là những hộ thiếu vốn...", ông Trần Chí Hùng. |
Hữu Phước (Báo Hậu Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.