Vụ việc đau lòng xảy ra vào trưa ngày 14.7.2011, tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) khi bé L. đang đi trút mủ cao su mướn tại lô cao su ở khu vực giáp ranh với xã Bến Sạn. Sau khi thực hiện hành vi thú tính, nghĩ rằng L. đã chết, tên “yêu râu xanh” đã vùi cô bé vào trong đống bùn để giấu xác.
|
Anh S. bâng khuâng bên nền ngôi nhà cũ. |
Ác mộng cuộc đời
“Sau ngày chết hụt ở lô cao su, mỗi khi có người lạ tìm đến nhà là nó chui vào buồng trốn dưới gầm giường. Dù có mời gọi, hay la kiểu nào nó cũng không chịu ra gặp”, cô sáu của bé L. nói trong cay đắng. Theo lời kể của cô sáu, một thời gian dài sau khi xảy ra chuyện bất hạnh, cô bé L. không còn nhí nhảnh, hồn nhiên như xưa nữa, thay vào đó là những hành động kỳ lạ. “Mỗi ngày nó nói chưa được 2 câu chú ơi!”.
Cô học trò nghèo luôn nỗ lực vượt lên số phận với giấc mơ làm giáo viên ngày nào cũng xao nhãng dần chuyện học hành. Ban đầu, được sự động viên của gia đình, L. vẫn đến trường đều đặn. Nhưng sau một thời gian bị bạn bè châm chọc, bàn tán, L. sợ quá nghỉ học luôn.
"Con bé này nó chịu khổ, chịu cực mà ngoan lắm. Mẹ bỏ đi từ nhỏ, biết cha nghèo khổ nên chưa bao giờ có yêu sách gì. Ngày nào đi học về cũng chạy ra lô (phần phân nhỏ của một vườn cao su) trút mủ mướn kiếm tiền mua sách vở, áo quần” - bà Năm, một người hàng xóm của gia đình bé L. cho biết.
Theo lời kể của người dân ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Hòa), từ ngày bị làm hại cuộc đời, đêm nào L. cũng gặp ác mộng, kêu la, khóc lóc vang cả một vùng. Những câu gọi ba kêu cứu thường xuyên phát ra từ nhà anh S. vào những lúc trời khuya. “Nhiều hôm con nhỏ ngủ ở nhà một mình, kêu khóc thảm thiết làm mọi người tưởng có chuyện gì, chạy sang xem thì thấy nó ôm chăn ngồi thu lu một góc trong nhà” - ông Hoàng, người dân ấp Vĩnh An kể.
|
Anh S. giở lại tập hồ sơ của cô con gái bất hạnh. |
Sự việc đau lòng đã xảy ra gần 2 năm nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện này, nhiều người dân xã Vĩnh Hòa không khỏi căm phẫn. “Mỗi lần nhìn thấy con bé đi ngang qua là tui thấy hận cái thằng cầm thú đó. Cuộc sống bần cùng không mẹ đã khổ lắm rồi, sao còn gieo thêm oan nghiệt cho nó nữa?” - bà Hương, buôn bán ở gần trường THCS Vĩnh Hòa - bức xúc.
Tương lai tăm tối
Gần 2 năm sau khi xảy ra vụ án động trời, chúng tôi trở lại ấp Vĩnh An để thăm hỏi gia đình nạn nhân. Khi chúng tôi tìm đến nơi thì đúng lúc anh Trần Công S. (bố của bé L.) chạy chiếc xe gắn máy cà tàng về nhà sau gần 10 ngày bốc vác củi mướn ở Bù Đăng (Bình Phước).
So với thời điểm giữa năm 2011, khuôn mặt của anh S. tàn tạ đi trông thấy. Mái tóc của người đàn ông sinh năm 1971 đã bạc đi tự lúc nào không hay. Nghe chúng tôi hỏi về bé L., anh S. bật khóc. Vợ bỏ đi từ ngày bé L. mới hơn 1 tuổi, anh S. một tay gà trống nuôi 2 con. Cuộc sống lắm lúc gian nan, khổ cực, nhưng chưa bao giờ từ bỏ hy vọng “nuôi con ăn học cho bằng người ta”.
Năm 2012, TAND tỉnh Bình Dương tuyên án Lê Anh Vũ 20 năm tù và buộc bồi thường thiệt hại tinh thần cho gia đình nạn nhân 18 triệu đồng. Gia đình Vũ đã ký vào biên bản hồ sơ vụ án nhưng cho đến nay, phía gia đình bị cáo vẫn chưa hề có bất kỳ một khoản tiền hỗ trợ nào cho bé L. ngoại trừ số tiền gần 8 triệu đồng viện phí. Nhắc đến việc này, anh S. lắc đầu chán nản: “Đến một lời thăm hỏi, động viên cũng chưa từng có, nói gì đến chuyện tiền bạc chú ơi!”.
Ngày Nh. - đứa con trai đầu - bỏ học đi làm mướn, anh S. đã rất đau đớn nhưng cũng đành chấp nhận vì kinh tế gia đình không đủ để nuôi cả 2 anh em ăn học. Niềm hy vọng duy nhất của gia đình anh đặt cả vào tương lai của L.. Đùng một cái, chuyện dữ xảy ra. Bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu hy vọng đều đổ ra sông, ra bể hết.
Sau giây phút nghẹn ngào, người cha khổ hạnh dẫn chúng tôi vào căn nhà tình thương vừa được chính quyền địa phương cấp vào hồi tháng 4.2012.
Anh S. bảo: “Tôi với thằng Nh. đi làm cả tuần mới về nhà 1 lần. Ở nhà một mình, con bé sợ quá nên qua nhà cô sáu ở luôn rồi”. Mỗi khi nhắc về đứa con gái tội nghiệp, đôi mắt anh S. lại đỏ lên, ngấn nước. “Hồi trước nó khỏe lắm, mới chưa đầy 2 năm mà người gầy như cây tăm, tóc bạc nửa mái đầu rồi.” - anh Tùng, một người hàng xóm - nói về người cha bất hạnh.
Ngồi với anh S. một buổi nhưng những câu nói mà chúng tôi nghe đươc từ phía anh hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi lẽ, mỗi lần nhắc đến chuyện đau lòng của con gái là đôi mắt anh lại trầm ngâm hướng về phía khác. Nói về nỗi đau thể xác và tinh thần mà L. phải gánh chịu, anh S. chỉ dùng hai từ “số phận”.
Trong tập hồ sơ bệnh án của bé L. được gia đình lưu giữ, chúng tôi thấy có cả cuốn sổ khám bệnh của anh S. với nhiều loại bệnh khác nhau. Anh S. nói trong vô vọng: “Lần này em lên còn gặp anh chứ lần sau chắc gì gặp nữa".
Chia tay anh S., chúng tôi lên đường trở về TP.HCM mà lòng nặng trĩu. Giữa màn đêm u tối của cuộc đời, người cha khổ hạnh vẫn luôn cố gắng thắp lên thêm những ngọn nến với hy vọng cuộc đời của cô con gái tội nghiệp bớt mù mịt hơn.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.