Nước tiểu đục: Coi chừng bệnh nguy hiểm ở cả nam và nữ

Thứ bảy, ngày 02/12/2023 19:12 PM (GMT+7)
Sự dư thừa của các tế bào bạch cầu được cơ thể sử dụng để chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể làm cho nước tiểu bị đục.
Bình luận 0

Tiểu đục là hiện tượng nước tiểu đục như nước vo gạo. Đặc tính của bệnh là đi tiểu vẫn thông. Hiện tượng này có thể xảy ra khi bạn mắc một trong những khả năng sau:

Mất nước

Nhiều người biết rằng nước tiểu có màu sẫm hơn là dấu hiệu của mất nước, nhưng nước tiểu đục cũng có thể bắt nguồn từ việc bạn không nhận đủ nước.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, chúng ta có nguy cơ cao bị mất nước trong thời tiết nóng hoặc nếu tập thể dục cường độ nặng, bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt.

Ngoài nước tiểu đục, những dấu hiệu sau có thể đi kèm với mất nước:

- Nước tiểu sẫm màu.

- Thường xuyên đi tiểu ít.

- Mệt mỏi.

- Cảm thấy rất khát.

- Lú lẫn, chóng mặt hoặc choáng váng.

Nếu bạn bị tiêu chảy, mất phương hướng, nôn mửa, phân có máu hoặc phân đen, bạn cần đi khám ngay lập tức.

Mất nước nhẹ đến trung bình được điều trị bằng cách bổ sung nhiều chất lỏng như nước. Khi tình trạng mất nước diễn ra nghiêm trọng, bạn cần truyền dịch tĩnh mạch để bù nước.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở cả 2 giới

Một lượng dịch tiết tăng lên dưới dạng máu hoặc mủ có thể xảy ra khi bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), gây đục nước tiểu. Điều này có thể xảy ra ở cả nam và nữ.

Nước tiểu đục: Coi chừng bệnh nguy hiểm ở cả nam và nữ - Ảnh 1.

Một lượng dịch tiết tăng lên dưới dạng máu hoặc mủ có thể xảy ra khi bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), gây đục nước tiểu (Ảnh: Getty).

Sự dư thừa của các tế bào bạch cầu được cơ thể sử dụng để chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể làm cho nước tiểu bị đục.

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và đi lên bàng quang. Nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam  giới. Bên cạnh nước tiểu đục, các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: Đau vùng chậu, liên tục muốn đi tiểu, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, khó tiểu.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng một đợt kháng sinh trong vài ngày. Trường hợp nặng hơn có thể được điều trị ban đầu bằng kháng sinh qua đường tiêm, sau đó là vài tuần dùng kháng sinh đường uống.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) sẽ tạo ra phản ứng viêm trong cơ thể, xuất hiện nhiều tế bào bạch cầu gây đục nước tiểu. Một số bệnh còn gây tăng tiết dịch âm đạo, cũng làm xuất hiện vẩn đục khi đi tiểu.

Nếu bạn bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn có thể gặp một số triệu chứng sau:

- Tiểu đau hoặc đi tiểu thường xuyên

- Bộ phận sinh dục bị ngứa hoặc đỏ

- Tiết dịch bất thường từ dương vật hoặc âm đạo.

- Mụn rộp sinh dục hoặc mụn cóc.

- Mùi hôi ở âm đạo

- Đau bụng

Một số trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không có bất kỳ triệu chứng gì. Nếu bạn nghi ngờ mình có khả năng bị mắc, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sỏi thận

Khi bị sỏi thận, bạn có khả năng giải phóng một lượng khoáng chất cao trong nước tiểu, gây nước tiểu vẩn đục. Đôi khi sỏi có thể làm xuất hiện cơn đau dữ dội và chặn dòng nước tiểu.

Ngoài nước tiểu đục, các dấu hiệu của bệnh sỏi thận bao gồm:

Đau vùng thắt lưng, sốt và ớn lạnh, nôn, xuất hiện máu trong nước tiểu, nước tiểu có mùi, cảm giác nóng rát khi đi tiểu

Đối với trường hợp sỏi thận không tự khỏi, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể hoặc nội soi niệu quản hoặc phẫu thuật.

Các vấn đề về tuyến tiền liệt

Tình trạng viêm hay nhiễm trùng ở tuyến tiền liệt được gọi là viêm tuyến tiền liệt, làm giải phóng các tế bào bạch cầu, mủ và dịch tiết gây đục nước tiểu.

Các dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt:

- Tiểu đau hoặc đi tiểu thường xuyên.

- Xuất hiện máu trong nước tiểu.

- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

- Đau ở lưng, hông hoặc vùng xương chậu.

- Đau khi xuất tinh.

- Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào, hãy tìm đến bác sĩ, bạn sẽ được kiểm tra và xét nghiệm nước tiểu, máu.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cũng là một trong những nguy cơ gây xuất hiện nước tiểu đục. Uống quá nhiều sữa (có chứa canxi photphat), ăn thực phẩm giàu photpho (như thịt và các sản phẩm từ sữa) hoặc tiêu thụ nhiều vitamin D có thể làm đục nước tiểu.

Minh Nhật (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem