Nuôi con gì "mau lớn nhanh chết", chàng nông dân trẻ Tiền Giang nhẹ nhàng "đút túi" hàng triệu đồng/tháng?

Yến Nhi (Cổng TTĐT huyện Cái Bè) Thứ bảy, ngày 03/12/2022 19:07 PM (GMT+7)
Từ 1 chuồng nuôi dế ban đầu, đến nay gia đình anh Tân (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) hiện đã có 22 chuồng dế thương phẩm theo hình thức nuôi xoay vòng. Mỗi đợt anh xuất bán từ 8kg dế thương phẩm trở lên cho các cơ sở kinh doanh chim cảnh, cá cảnh trong và ngoài huyện.
Bình luận 0

Thực hiện phong trào “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp” trên địa bàn toàn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), từ phong trào này, nhiều đoàn viên thanh niên xã Hậu Mỹ Bắc A đã hăng hái tham gia.

Nhiều thanh niên nông thôn đã phát huy mạnh mẽ, từng bước khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của mình trong việc khai thác tiềm năng kinh tế, xã hội trên mảnh đất quê hương, góp phần chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đến thăm mô hình nuôi dế tự nhiên của anh Lê Thanh Tân, sinh năm 2000 là đoàn viên chi đoàn ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, một thành viên tổ phát triển kinh tế giúp nhau làm ăn của ấp với mô hình kinh tế mới, khá hiệu quả trong thời gian qua. Đó là mô hình nuôi dế.

Năm 2020, anh Tân bắt đầu hành trình khởi nghiệp sau khi xuất ngũ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Trở về địa phương, với kinh nghiệm và học hỏi các đồng chí đồng đội, bạn bè gần xa anh bước đầu thực hiện ước mơ "lập thân, lập nghiệp" của mình. 

Anh chia sẻ: “Bước đầu khởi nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm...Tận dụng lợi thế đất của gia đình, nắm bắt nhu cầu của người dân và nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại năng suất, hiệu quả cao.”

Anh tự tìm tòi, nghiên cứu và học tập những mô hình đã thành công tại nhiều địa phương khác. Bước đầu anh Tân khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dế.

Nuôi con gì "mau lớn nhanh chết", chàng nông dân trẻ Tiền Giang nhẹ nhàng "đút túi" hàng triệu đồng/tháng? - Ảnh 1.

Anh Lê Thanh Tân, sinh năm 2000 là đoàn viên chi đoàn ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với mô hình nuôi dế.

Nhận thấy dế phát triển tốt phù hợp với mọi điều kiện, thời gian đầu anh chưa có kinh nghiệm nuôi con vật mới này cũng gặp không ít khó khăn. 

Nhưng nhận thấy nhu cầu cung cấp dế ra thị trường thuận lợi, cung không đủ cầu nên anh mạnh dạn đầu tư thêm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nghiên cứu để nuôi và nhân giống cung ứng ra thị trường sản lượng nhiều hơn trong thời gian tới...

Anh Tân suy nghĩ: “Bản thân từng là một cán bộ đoàn nên muốn tìm một mô hình kinh tế mới mà địa phương chưa có để thử nghiệm. Với mô hình mới sẽ ít “đối thủ” cạnh tranh hơn”. Tuy nhiên, do mô hình nuôi dế còn mới nên anh Tân cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Dế là loài côn trùng sống trong môi trường tự nhiên, không chỉ dùng làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim cảnh, cá cảnh hay làm mồi câu cho một số ngư dân. Hiện nay, con người đã chế biến một số món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng từ dế như: dế chiên nước mắm, bánh xèo, xào, chiên bột… 

Từ đó, mô hình nuôi dế thương phẩm của anh Tân càng đạt hiệu quả hơn. Chi phí ban đầu cho mỗi chuồng dế (2m2/chuồng) khoảng 300.000 đồng (khung sắt và bạt cao su để làm chuồng) và trứng dế để ủ cho một chuồng, sau khoảng 35 ngày chăm sóc có thể xuất bán. 

Thức ăn cho dế là loại cám dùng cho chim cút có thể cho dế ăn kèm thêm các loại rau: muống, lang, đọt mì, cỏ… mỗi ngày cho dế ăn 2 lần (sáng, chiều). Dế nuôi tự nhiên, sạch, ít bệnh, chỉ hao hụt chút ít. Để dế phát triển tốt, chuồng dế cần phải đảm bảo khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt bằng cách dùng lá chuối khô hoặc vĩ đựng trứng gà.

Nuôi con gì "mau lớn nhanh chết", chàng nông dân trẻ Tiền Giang nhẹ nhàng "đút túi" hàng triệu đồng/tháng? - Ảnh 2.

Theo tiết lộ của anh Tân, nuôi dế phải chú ý là thu hoạch, bắt bán trước khi dế đến tuổi chết già. Dế là loài côn trùng có tuổi thọ dưới 3 tháng trở lại.

Đối với dế nuôi để làm thức ăn cho cá cảnh, chỉ cần nuôi từ 28 – 30 ngày là xuất bán, riêng dế thịt thương phẩm thì mất khoảng 35 – 40 ngày là thu hoạch. 

Theo kinh nghiệm nuôi dế hơn 2 năm của anh Tân, không nên nuôi dế quá lâu bởi tuổi thọ của loài dế chỉ trong vòng 3 tháng trở lại. Nuôi quá thời gian đó dế tự chết vì quá già. 

Do đó, ở mỗi lứa dế xuất bán anh chọn những con dế tốt (to, đều) để làm dế giống, còn lại là phải bán trước khi dế chết già.

Từ 1 chuồng dế ban đầu, đến nay gia đình anh Tân đã có 22 chuồng nuôi dế thương phẩm theo hình thức xoay vòng, mỗi đợt xuất bán cung cấp từ 8kg dế thương phẩm trở lên cho các cơ sở kinh doanh chim, cá cảnh trong và ngoài huyện. Với giá bán dế thịt thương phẩm từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg dế thương phẩm, gia đình anh Tân thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.

Theo anh Tân, nghề nuôi dế rất dễ thực hiện không cần nhiều vốn, thích hợp cho những thanh niên nông thôn. 

Hiện tại, anh Lê Thanh Tân luôn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế cũng như cung cấp dế giống cho những ai muốn lập nghiệp với nghề “độc, lạ” này. 

Mô hình nuôi dế phát triển kinh tế của anh Tân mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng và phát huy cho các bạn đoàn viên - thanh niên học hỏi và nhân rộng hơn để thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân và gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem