Nuôi đông trùng hạ thảo trên ký chủ là nhộng tằm với nước dừa xiêm

Nguyễn Vân Thứ hai, ngày 03/09/2018 06:30 AM (GMT+7)
Từng là một thầy giáo, cơ duyên đã giúp chàng trai Lê Thế Anh gắn bó với cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) và nghề nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi phía Tây Bắc, chàng thanh niên Lê Thế Anh sớm nhìn ra tiềm năng được thiên nhiên ban tặng của Mộc Châu, Sơn La

Bản thân Lê Thế Anh là một sinh viên học khối A (sư phạm Toán) tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên nhưng lại rất đam mê thiên nhiên và sinh học, anh luôn tìm tòi học hỏi, đọc và nghiên cứu nhiều về nấm và vi sinh vật.

Sau khi ra trường năm 2009 anh nhận thấy thiên nhiên ưu đãi cho Mộc Châu rất nhiều tiềm năng trong đó có tiềm năng về khí hậu, nên muốn khai thác nguồn tài nguyên quý giá này.

img

Lê Thế Anh tại phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

Thấy đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý mà thiên nhiên ban tặng, nhưng sản lượng sản phẩm này thu được ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm và có giá thành cao nên Thế Anh đã suy nghĩ, trăn trở để có thể đưa sản phẩm này trồng thử nghiệm ở quê hương mình.

Ngay từ những ngày đầu tiên khi bước chân vào nghiên cứu học tập anh được thầy giáo La Việt Hồng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm 2 hướng dẫn và thầy trò cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau làm và đúc rút kinh nghiệm. Đến năm 2015 Lê Thế Anh và thầy của mình cũng đã thành công với công trình nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, không chỉ dừng ở phòng thí nghiệm anh đã phát triển công trình này tại Mộc Châu.

Lúc đầu anh cùng cộng sự dùng phương pháp nuôi cấy đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân sinh khối, nhưng thất bại và bị tổn thất nặng nề, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng với quyết tâm, ý chí và nghị lực nhóm của anh đã không ngừng tìm hiểu, quan sát, liên hệ với các giáo sư, tiến sỹ đã từng hướng dẫn để đúc rút kinh nghiệm.

Giữa năm 2017, anh cùng các cộng sự quyết định đầu tư thêm 1,8 tỷ đồng nâng tổng số vốn huy động lên 2,8 tỷ đồng để làm lại từ đầu. Với mức đầu tư lên đến gần 3 tỷ đồng, anh đã nhiều đêm thức trắng ở phòng nghiên cứu để theo dõi và tìm nguyên nhân của sự thất bại ban đầu.

Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và tiên tiến, nhóm nghiên cứu của Thế Anh đã đảm bảo tuyệt đối về kỹ thuật để nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo: Phòng nuôi được vô trùng tuyệt đối, có ánh sáng cũng như độ thoáng tự nhiên, trang bị hệ thống phun sương nhân tạo để tạo độ ẩm cần thiết (70 - 85%), trang bị hệ thống làm lạnh giữ nhiệt độ ổn định (18 - 20 độ C), hệ thống giàn và giá để đặt các lọ cơ chất, bình nuôi; máy xử lý cực tím, máy tia X, máy lọc khí, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn led đảm bảo đúng độ sáng theo yêu cầu kỹ thuật nuôi trồng.

Sau khi tìm ra nguyên nhân của thất bại ban đầu là nuôi trồng chưa đúng phương pháp và do nguồn nước đá vôi, Thế Anh đã chuyển hướng sang phương pháp thứ hai là: nuôi trên ký chủ là nhộng tằm với nước dừa xiêm. Ký chủ nhộng tằm là những con nhộng tằm đực khỏe được cấy nấm vào bên trong. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5cm, có cá thể trội 7-10cm.

Ngày 10/01/2017 những sản phẩm đông trùng hạ thảo đầu tiên đã được “ra lò” là những sản phẩm an toàn, không hóa chất bảo quản. Hiện nay, khoảng 80 - 90 ngày, cơ sở của anh Thế Anh  lại cho ra một lô gồm 400 lọ đông trùng hạ thảo tươi, nhưng anh nuôi theo phương pháp gối đều nên cứ 40 - 45 ngày lại có sản phẩm thu hoạch.

Một điều tuyệt vời hơn nữa là sản phẩm đông trùng hạ thảo Phong Mộc do Lê Thế Anh và cộng sự nghiên cứu  thành công đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận vào ngày 16/5/2018 với mã số 4-2018-15395 với tên thương hiệu bản quyền “Đông Trùng Hạ Thảo PHONG MỘC”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem