Nuôi gà, nuôi sâu canxi, nuôi giun trùn quế, nông dân thu lợi kép, vì sao nhiều người đang đến xem?
Nuôi gà, nuôi sâu canxi, nuôi giun trùn quế, nông dân thu lợi kép, vì sao nhiều người đang đến xem?
Tuấn Hùng
Thứ tư, ngày 05/06/2024 05:44 AM (GMT+7)
Nông dân Lào Cai áp dụng cách làm mới trong xử lý chất thải hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học vào nuôi gà, nuôi sâu canxi và giun trùn quế, bà con đã được hưởng "lợi kép", không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cho vật nuôi và cây trồng.
Clip: Nông dân Lào Cai nuôi gà, sâu canxi, giun trùn quế sử dụng đệm lót sinh học.
Xử lý chất thải hữu cơ bằng đệm lót sinh học
Việc thay đổi phương thức xử lý chất thải hữu cơ bằng những mô hình nhỏ, dễ làm nhưng hiệu quả đang được hội viên nông dân huyện Bảo Thắng, Lào Cai áp dụng, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Cuối năm 2023, khi được tập huấn về quy trình chăn nuôi gà an toàn bằng đệm lót sinh học do Hội Nông dân xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) tổ chức, đồng thời được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, quy mô chăn nuôi của gia đình anh Vương Đức Mạnh ở thôn Tân Phong không chỉ tăng về số lượng, chất lượng mà vấn đề môi trường cũng được xử lý triệt để. Anh Mạnh cho biết: Sử dụng nền đệm lót sinh học cho gia cầm rất phù hợp, nhất là chăn nuôi trong nông hộ có nhà ở gần chuồng trại. Đặc biệt, nền đệm lót rất phù hợp với chăn nuôi gà đẻ, gà thịt.
Từ khi sử dụng đệm lót sinh học gần như triệt tiêu được mùi hôi của chất thải do men vi sinh giúp phân hủy nhanh. Đàn gà của gia đình tôi khỏe mạnh, hạn chế tối đa được các loại bệnh thông thường…
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học của gia đình, anh Mạnh cho hay: "Trải đệm lót sinh học này rồi mình rải men vi sinh để khử mùi hôi sẽ không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nền chuồng sạch sẽ, tơi xốp, không bị ướt bết hay mùi hôi".
Còn với hộ ông Tải Quang Lài, ở thôn Cốc Tủm, xã Phong Niên phát triển kinh tế với mô hình nuôi sâu canxi, giun trùn quế làm thức ăn cho gà đẻ trứng. Ông Lài cho biết, ưu điểm của mô hình là chi phí đầu tư thấp, dễ thích ứng, không mất nhiều công chăm sóc trong khi nguồn thức ăn cho gà dồi dào, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường trong chăn nuôi.
Hưởng lợi kép nhờ sử dụng đệm lót sinh học
Ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng cho biết: Việc thay đổi phương thức chăn nuôi, xử lý chất thải hữu cơ bằng các mô hình như nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi, giun trùn quế đã mang lại hiệu quả rõ nét như mong muốn. Mô hình nuôi gà của gia đình anh Vương Đức Mạnh; mô hình nuôi sâu canxi, nuôi giun trùn quế của gia đình ông Tải Quang Lài và một số hộ gia đình khác là những mô hình điểm được chúng tôi quan tâm xây dựng. Từ các mô hình điểm, chúng tôi sẽ tuyên truyền cho hội viên nông dân trong toàn huyện để mở rộng các mô hình từ nuôi giun/trùn quế, nuôi sâu canxi hay ủ phân hữu cơ để giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi cũng như giảm khí nhà kính trên địa bàn huyện.
Được biết, các mô hình điểm về xử lý chất thải trong chăn nuôi được triển khai tại 3 xã của huyện Bảo Thắng gồm: xã Phong Niên, Xuân Quang và Thị trấn nông trường Phong Hải với gần 100 hộ dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình điểm đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đến nay hiệu quả kinh tế của các mô hình đã mang lại khá rõ rệt.
Có thể thấy, hiệu quả từ những mô hình chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học đã được chứng minh qua thực tế từ các hộ nông dân tham gia mô hình. Hội Nông dân huyện Bảo Thắng, Lào Cai cũng đang khuyến khích người dân áp dụng rộng rãi phương pháp này để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh.
Đối với các mô hình nuôi sâu canxi, giun trùn quế cũng đang mang lại hiệu quả "kép" rất rõ nét, không chỉ đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải mà còn tạo nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng, vật nuôi, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng cho biết: Từ hiệu quả bước đầu mà các mô hình trên mang lại, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Bảo Thắng, Lào Cai sẽ tiếp tục tham mưu triển khai nhân rộng trên toàn huyện, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập, hạn chế chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.