Trang trại nuôi ba ba của ông Tiến nằm giữa cánh đồng. Bốn bề trang trại là cây cỗi sum suê, xanh mướt. Gió xuân mát rười rượi thổi không ngừng, nắng vàng tràn qua đồng khiến khung cảnh nơi thôn trang thật đầm ấm. Ông Tiến – một nông dân chính hiệu đang ngồi uống nước bên hiên nhà.
Nuôi ba ba dễ hơn nuôi lợn
Nhìn cái dáng nhàn nhã của ông Tiến tựa như một ông giáo làng mới về hưu. Không ai nghĩ, người nông dân đang thời vụ cấy cày, ông lại ung dung thưởng trà, tỉa tót cây cối trong vườn. Ông Tiến chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, những năm trước đây vào những ngày nắng ấm đầu xuân, nông dân chúng tôi tối mặt tối mũi, còng lưngcấy lúa. Từ ngày mạnh dạn chuyển sang đào ao nuôi ba ba trơn, mới được hưởng sự an nhàn.
Ông Nguyễn Văn Tiến (bên trái) giới thiệu về giống ba ba trơn-loài vật giúp gia đình ông có của ăn của để trong mấy năm qua.
Quả thật, cứ qua cái cách lão nông này ung dung tỉa cây cảnh, uống trà đàm đạo với mấy ông hàng xóm về cách làm giàu mới thấy hướng đi của ông đã đúng. Chưa kịp tan tuần trà, ông Tiến dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ba ba trơn của mình. Từng ô, từng thửa ao được xây 2 lớp. 1 lớp hàng rào cao 2m phía ngoài, 1 lớp hàng rào trong ao. Trên mặt ao, ông thả kín bèo tây. Ếch nhái kêu ì ọp. Từng ô nuôi ba ba cứ xanh mướt. Mỗi ô rộng 200m2, ông thả từ 150-200 con ba ba.
Sau nhiều năm theo dõi giống “thủy quái” này, ông Tiến rút ra một kinh nghiệm rất khoa học khi thả ba ba vào trong ao. Với một ô chuồng rộng 200m2, có thể nuôi được 200 con ba ba cái và 50 con ba ba đực. Nếu thả toàn đực trong ao, chúng sẽ đánh nhau rất dữ, tỷ lệ hao hụt sẽ lớn. Mỗi con ba đực trong ao cần tối thiểu 1,5m2 mặt nước, ba ba cái chỉ cần 1m2.
Dẫn phóng viên báo điện tử DANVIET.VN đi thăm trang trại mà ông Tiến tựa như một “thầy giáo” dạy bộ môn sinh học, giảng giải từng li, từng tý về đặc điểm, tập tính của loài ba ba. Nuôi ba ba là niềm đam mê của ông.
Ông Tiến có thể nói về loài "thủy quái" này cả ngày không chán. Chẳng thế mà từ một người không biết một chút về nuôi ba ba, giờ ông trở thành chuyên gia, "cây từ điển" về ba ba, nghề nuôi ba ba, kỹ thuật nuôi ba ba, kinh nghiệm nuôi ba ba.
Ông Tiến chủ động được hoàn toàn nguồn ba ba giống, cách nuôi ba ba, cách phòng bệnh cho ba ba. Chẳng thế mà suốt những năm qua, ông thu lãi đều đều từ nghề ba ba.
Ông Tiến nuôi giống ba ba trơn cho lợi nhuận cao. Theo tính toán của ông Tiến, đầu tư toàn bộ chi phí cho 1 con ba ba từ lúc nuôi đến lúc thu hoạch hết 100.000 đồng. Sau 2,5 năm nuôi, mỗi con ba ba mang lại lợi nhuận trên nửa triệu đồng.
Theo ông Tiến, khi đã xây dựng chuồng trại xong, đầu tư cho 1 con ba ba, từ lúc mua giống cho đến lúc nó đạt trọng lượng khoảng 2kg, chỉ vỏn vẹn hết 100.000 đồng (đã cộng cả công và tỷ lệ hao hụt). Trong khi đó, giá bán ba ba thương phẩm là 350.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi con ba ba, sau 2,5năm nuôi, ông Tiến thu lãi 600.000 đồng. Ông Tiến chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Thức ăn cho ba ba gồm nguồn cá thải loại ở vùng trũng này siêu rẻ. Ba ba chỉ mắc bệnh nghẻ, khi cho chúng ăn, tôi cũng thường xuyên trộn thuốc phòng. Nhờ vậy mà đàn ba ba sống rất khỏe và lớn nhanh”.
Với gần chục ao nuôi ba ba, cả ngày ông Tiến chỉ mất có 2 giờ đồng hồ làm thức ăn và cho chúng ăn. Khác với giống ba ba gai, ba ba trơn lại ăn nổi. Tức là thức ăn của chúng phải để trên bờ. Ngày 2 bữa, cứ đến giờ là đàn ba ba mò lên đánh chén. Sau đó chúng lại chui xuống nước ngủ vùi. Ngày lạnh thì ba ba ít lên ăn. Trong ao nuôi ba ba, ông Tiến còn thả cá trê ta. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, ông cũng thu được cả chục triệu đồng tiền bán cá trê.
Theo kinh nghiệm nuôi ba ba của ông Tiến, loài ba ba trơn lớn nhanh và nhanh cho thu hoạch. Hơn nữa, ba ba trơn lại không kén ăn. Các loại tôm, cua, cá, ốc, ếch chúng đều chén sạch.
Với mấy nghìn con ba ba đang nuôi trong ao, giờ ông Tiến có thể ung dung thu hoạch lợi nhuận lớn. Ba ba ông nuôi theo phương pháp hữu cơ nên các nhà hàng tranh nhau đặt mua. Con nào đủ cân, đủ lạng là họ đến bắt, chưa năm nào ông phải mang ba ba đi bán. Theo đánh giá của khách hàng, thịt ba ba nuôi trên 2 năm luôn thơm ngon và săn thịt. Hơn nữa, họ biết rõ nguồn gốc ông nuôi an toàn, nên khách hàng rất yên tâm khi thưởng thức.
Ngoài nuôi ba ba thịt thương phẩm, ông Tiến còn úm ba ba giống. Mỗi năm ông xuất ra thị trường cả vạn con ba ba giống.
Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, ông Tiến còn rất giỏi trong việc úm giống. Ông tự làm ổ và úm cho ba ba nở. Ông nuôi ba ba giống trong vòng 1 tháng, ông bán với giá 25.000đ/con giống. Cách úm ba ba giống đơn giản là vậy, nhưng không phải ai cũng sản xuất giống được.
Suốt 10 năm qua, ông Tiến đã tìm ra một quy trình ấp trứng ba ba và úm ba ba con, tỷ lệ đạt trên 95%. Biết tiếng ông, nhiều đại gia đánh tiếng, sẵn sàng bỏ ra vài tỷ để xây chuồng trại, mời ông phụ trách về kỹ thuật nuôi ba ba. Họ sẽ cưa đôi lợi nhuận thu được, nhưng ông Tiến vẫn chưa ưng. Ông vẫn ở nhà từng bước gây dựng, mở rộng quy mô nuôi ba ba tại quê nhà.
Từng phải cày thuê cuốc mướn trả nợ
Nghe chuyện ông Tiến nói về ba ba cả ngày không chán. Ông Tiến xuất thân là nông dân tại vùng chiêm trũng. Ông từng bới đất, lật cỏ bao năm mà cuộc sống vẫn nghèo. Nhà gần đê sông Hồng, ông cũng như bao lão nông khác nuôi giấc mơ làm lò gạch để làm giàu.
Khi người ta làm, giá gạch lên ầm ầm, ông Tiến làm thì giá gạch lại xuống. Bao của nả tích góp được, ông đã dồn vào công cuộc “đưa đất nước vào khuôn khổ”. Làm gạch ông lỗ chỏng vó, nhưng nó lại mở ra cho ông một cơ hội khác.
Hệ thống ao nuôi ba ba của ông Tiến được làm kiên cố. Theo ông Tiến, nuôi ba ba chỉ tốn tiền xây dựng ao, chứ việc đầu tư con giống và thức ăn không nhiều.
Những ngày cháy túi vì làm gạch khiến ông và gia đình vô cùng lo lắng. Đồng ruộng mỗi năm làm một khó, người cấy lúa không đủ tiền công. Khi đó, ông đã phải xin sang làm công cho ông chú, trông coi ao ba ba. Vốn là người nhanh nhạy và chịu thương, chịu khó, chẳng mấy chốc ông nắm rõ quy trình nuôi ba ba. Ngoài ra, ông cũng tự tích lũy kinh nghiệm nuôi ba ba cho riêng mình. Làm thuê được tầm 3 năm, ông đã xin nghỉ việc và về nhà tự đào ao thả ba ba.
Sau 10 năm nuôi ba ba trơn, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã có một cuộc sống ổn định, ngày càng khá giả...
Suốt 10 năm gây dựng mô hình nuôi ba ba, ông Tiến đã trả hết nợ và gây dựng lại cơ nghiệp. Mấy nghìn con ba ba trong ao luôn là nguồn thu lớn. Ông Tiến cho rằng, nuôi con ba ba rất dễ, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, muốn thành công lớn phải nắm rõ kỹ thuật, dày dạn kinh nghiệm. Trong quá trình nuôi ba ba, việc phòng bệnh cho đàn ba ba phải đặt lên hàng đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.