Nuôi thử loài tai cụp, chỉ ăn cỏ và lá cây, bán cả thịt lẫn phân mà lãi tiền tỷ

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 23/03/2021 12:11 PM (GMT+7)
Có rất nhiều hình thức và cách nuôi dê để người dân lựa chọn, từ kiểu nuôi dê đơn lẻ đến liên kết, từ chăn thả bán hoang dã đến nuôi nhốt, nuôi dê sinh sản, vỗ béo... Nhờ giá dê thịt ổn định, nhiều nông dân có thu nhập khá, làm giàu.
Bình luận 0

Với giá cả tương đối ổn định, nghề nuôi dê đang là mô hình hiệu quả không chỉ cho kinh tế nông hộ, mà còn là giải pháp giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Nuôi thử mà thoát nghèo

Năm 2019, anh Lữ Trọng Sư (ở xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê nhà. Kinh tế gia đình khó khăn, anh tích cóp mãi mới được 20 triệu đồng làm vốn kinh doanh. Đi nhiều nơi, ngắm nghía cũng nhiều cách, cuối cùng anh chốt lại ở mô hình nuôi dê. 

Dốc hết số tiền sẵn có rồi vay thêm ít vốn từ ngân hàng, anh mua hơn 30 con dê bách thảo, trong đó có 10 con đang sinh sản về nuôi thử. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay tổng đàn dê đã lên 130 con, gồm cả dê thịt, dê giống và dê sinh sản.

Muôn kiểu nuôi dê làm giàu - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi dê nuôi nhốt trong chuồng ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo ông Trương Đình Bá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, những năm qua, nhiều hộ chăn nuôi đã hình thành nên các trại chăn nuôi có quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Mô hình nuôi dê không mới, nhưng việc thay đổi vật nuôi và phương thức chăn nuôi đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Anh Sư nuôi dê theo kiểu bán chăn thả. Ngoài ra, anh còn trồng thêm cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê.

Anh Sư tính toán, nuôi dê có lãi hơn một số vật nuôi khác các, lại nhanh thu hồi vốn vì đầu ra ổn định. Một con dê cái nuôi tốt, sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản. Mỗi năm dê sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Dê thịt nuôi từ 7 - 8 tháng có thể đạt 20 - 25kg để xuất bán. 

Năm 2020, anh bán được 2 lứa dê, mỗi lứa 15 - 20 con. Sau khi trừ chi phí, anh thu khoảng 40 - 50 triệu đồng/lứa.

Ông Trần Văn Ngọc - người chăn nuôi dê ở xã Phú Lập (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết, giá dê giống vẫn ổn định ở mức 136.000 - 140.000 đồng/kg. Thế nhưng giá dê thịt có xu hướng tăng cao. 

Cụ thể, giá dê đực là 135.000 đồng/kg; dê cái có giá 125.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn 5.000 đồng/kg so với trước tết. 

Theo ông Ngọc, trước tết, thương lái đã thu mua số lượng lớn để cung cấp cho thị trường tết. Đến nay, lượng dê tới lứa xuất bán trong dân không còn. Trong khi lượng tiêu thụ thịt dê tại các nhà hàng lại tăng cao, nên giá dê tăng.

"Sau đợt dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh không đảm bảo điều kiện tái đàn heo, đã chuyển sang nuôi dê. Dê không phải là vật nuôi chủ lực hoặc chỉ nuôi để thoát nghèo, nhưng nghề nuôi dê đang ngày càng phát triển nhờ hiệu quả ổn định" - ông Ngọc nhận xét.

Nhiều cách nuôi hiệu quả

Ông Ngọc bắt đầu nghề nuôi dê chỉ với vài ba con. 2 năm gần đây, được Hội Nông dân xã cho vay vốn để phát triển kinh tế, ông mới nâng tổng đàn lên 20 con. Được HTX Dịch vụ Chăn nuôi mua bán dê Văn Phong ở địa phương bao tiêu sản phẩm, ông Ngọc thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Ngụ cùng xã Phú Lập (huyện Tân Phú), ông Nguyễn Văn Phong sở hữu trại nuôi khoảng 1.300 con dê trên diện tích 3ha. Mỗi năm với 2 lứa dê xuất bán, ông Phong thu lãi trên 1 tỷ đồng. Ông Phong cũng là Giám đốc HTX Dịch vụ Chăn nuôi mua bán dê Văn Phong đang bao tiêu cho bà con trong vùng. 

Ông Phong kể, 3 năm trước, HTX chỉ có 11 xã viên, nay lên gần 30. Ngoài các hộ thành viên, HTX cũng đang bao tiêu đầu ra cho trên 40 hộ khác tại địa phương. Bình quân, HTX xuất bán từ 40 - 50 con mỗi ngày. 

"Nguồn cung và đầu ra ổn định là điều kiện giúp bà con ổn định nguồn thu. Nhu cầu thị trường đang cao, HTX sẽ tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề nuôi dê hơn nữa" - ông Phong nói.

Không nuôi dê sinh sản như ở huyện Tân Phú, một số hộ dân tại huyện Cẩm Mỹ lại chọn cách nuôi dê vỗ béo. Ông Lương Vinh Sếnh (ở xã Lâm San) cho biết, chăn nuôi dê vỗ béo được nhiều người lựa chọn vì nhanh thu lời hơn so với nuôi dê sinh sản. 

Với cách này, từ trọng lượng khoảng 13 - 14kg/con, một lứa dê nuôi vỗ béo chỉ cần 2,5 - 3 tháng là đạt trọng lượng xuất bán. Bình quân mỗi năm người nuôi xuất bán từ 3 - 4 lứa.

Hiện tổng đàn dê của ông Sếnh có hơn 500 con nhưng ông xây dựng đến 6 chuồng nuôi, với tổng sức chứa 1.000 con. Các chuồng nuôi được thiết kế thông thoáng và thả nuôi luân phiên nên đàn dê phát triển khỏe mạnh. Không chỉ bán dê thịt, ông Sếnh còn bán cả phân dê với số lượng lớn để bón cho cây trồng. Tính ra mỗi năm, ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem