Nam Định: Giá thức ăn nhảy như giá vàng trong khi cá tôm bán trầy trật, nông dân lỗ nặng, nhiều hộ "treo ao"

Mai Chiến Thứ ba, ngày 27/07/2021 09:08 AM (GMT+7)
Do giá thức ăn chăn nuôi thủy sản (cám) liên tục leo thang, có lúc nhảy như giá vàng, cộng với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm, cá... đã làm cho nhiều người nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định điêu đứng, nhiều hộ "treo ao"
Bình luận 0

Nhiều chủ trang trại lo ngay ngáy, tìm mọi cách để chăn nuôi cầm cự; thậm chí có trại không dám thả nuôi vụ mới, buộc phải "treo" ao.

Giá tôm cá giảm, khó bán

Trước đây, khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19, gia đình ông Hoàng Văn Minh (khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) vẫn nuôi ổn định 14 ao tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 20 bể ương tôm giống và 14 bể gièo. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí.

Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, trang trại của gia đình ông Minh buộc phải giảm quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm từ 14 ao xuống còn 2 ao; hệ thống bể ương, bể gièo cũng được rút gọn. Nguyên nhân do giá thức ăn tăng cao, đầu ra bế tắc; giá bán sản phẩm giảm sâu; nguồn kinh phí duy trì trang trại eo hẹp.

Nuôi thủy sản ở Nam Định chịu khó khăn kép: Nhiều chủ trại thua lỗ, “treo” ao - Ảnh 1.

Để “cắt lỗ”, ông Nguyễn Văn Tung (xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường) phải cắt giảm thức ăn của cá. Ảnh: M.C

Theo ông Nguyễn Văn Tung, hiện nay mỗi bao cám 25kg tăng thêm 50.000 đồng, đạt mức 370.000 đồng/bao, đã khiến cho chi phí đầu vào quá cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình ông. Để cố gắng cầm cự với khoảng 300 tấn cá thương phẩm đang tồn đọng, ông đã cắt giảm thức ăn của cá.

Chia sẻ với phóng viên, ông Minh ngao ngán: "Dịch Covid-19 hoành hành kéo dài đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Nhiều cơ sở, trang trại nuôi tôm ở quanh đây phải tạm dừng sản xuất vì giá cả, dịch bệnh. Riêng gia đình nhà tôi cũng phải giảm quy mô sản xuất, nuôi cầm chừng, duy trì được ngày nào hay ngày đó…".

Theo ông Minh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh đã làm đầu ra bị bế tắc, tiêu thụ chậm, giá cả biến động từng ngày. Nếu như mọi năm tôm size 100 con/kg bán 120.000 đồng/kg thì hiện tại giảm xuống còn 70.000 đồng/kg, tôm size 50 con/kg bán 200.000 - 250.000 đồng/kg thì nay giảm xuống còn 150.000 đồng/kg.

Mặc dù, giá bán giảm sâu nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua; ông Minh đã tận dụng mọi mối quan hệ, gọi điện thoại cho nhiều thương lái nhưng họ đều lắc đầu, không ai nhận lời đến mua. Không những thế, giá thức ăn tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái cũng đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của trang trại.

"Giá thức ăn thì tăng cao, trong khi đó giá tôm thương phẩm lại đang lao dốc không phanh, thử hỏi lời lãi đâu nữa. Đã vậy, nuôi tôm có lứa, có thì, nếu đến độ tuổi xuất bán mà không tiêu thụ được thì tôm dễ bị mắc bệnh và chết" - ông Minh phân trần. Hiện tại, để duy trì sản xuất 2 ao nuôi, ông Minh đành phải cho tôm ăn tiết kiệm, dè dặt; giảm hoạt động các loại máy móc như máy sủi, máy sục khí tạo oxy… nhằm hạn chế tăng tiền điện.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở huyện Hải Hậu nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng, anh Nguyễn Văn Cường (xã Hải Đông) cũng than thở việc thời gian qua giá thức ăn, giá con giống đều tăng cao; chi phí tiền điện, tiền thuốc kháng sinh… tăng vù vù khiến gia đình anh "rối như tơ vò". Anh Cường rầu rĩ cho hay: Giá tôm đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ 200.000 đồng/kg xuống còn 150.000 - 160.000 đồng/kg (size 30 con/kg). Nếu tình trạng này còn kéo dài thì những người nuôi tôm thẻ chân trắng như gia đình anh khó lòng đứng vững qua "bão" dịch Covid-19.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Tung (xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường) cũng đang đứng ngồi không yên khi giá cá lồng ngày một giảm sâu. Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng hơn 6 năm qua, chưa khi nào gia đình ông lại rơi vào cảnh éo le như hiện nay. Theo tính toán của ông Tung, thời điểm này gia đình ông đang tồn đọng khoảng 200 tấn cá thương phẩm các loại, không thể xuất bán được.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Tung cho biết, gia đình ông thường xuyên duy trì nuôi khoảng 30 lồng cá với các giống cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn. Những vụ trước, thương lái đánh xe tải về tận bãi thu mua toàn bộ cá thương phẩm với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg cá lăng, 150.000 - 170.000 đồng/kg cá chép giòn. Song từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến gia đình ông đối diện với nhiều khó khăn bởi giá bán hạ và khó tiêu thụ.

"Để nuôi được 1 con cá lăng đến tuổi xuất bán thông thường kéo dài 18 - 24 tháng. Nếu bán với giá 50.000 đồng/kg như hiện nay thì một con cá lăng nặng 3kg sẽ thu về 150.000 đồng; trừ chi phí tiền giống, thức ăn, thuốc men… thì gia đình tôi sẽ bị lỗ khoảng 60.000 đồng/con" - ông Tung nhẩm tính.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Đăng Nhân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định cũng thừa nhận, người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đang gặp khó khăn bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán các sản phẩm thủy sản (tôm, cá…) xuống thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mới đây, làm việc với Nam Định để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi thủy sản, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), cho rằng: Để có thể phát triển sản xuất thủy sản lâu dài, bền vững, Nam Định cần thực hiện việc đăng ký mã số những đối tượng chủ lực tại địa phương, cụ thể là tôm chân trắng. Việc này sẽ phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu từ thịt trường. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem