Nuôi trùn quế, một hợp tác xã của tỉnh Quảng Ninh còn mở thêm các trang trại vệ tinh

Bùi My Thứ năm, ngày 18/04/2024 16:56 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi trùn quế lai của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh (xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp xử lý chất thải hữu cơ, tạo ra nguồn phân bón phục vụ trồng trọt.
Bình luận 0

Lợi ích kép từ nuôi trùn quế

HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh được thành lập vào tháng 10/2023, bởi bà Nguyễn Thị Vịnh - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Quảng Yên. Phó Giám đốc HTX là ông Đồng Quang Cường - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Bà Vịnh cho biết, từ khi còn công tác tại Hội Nông dân, bà đã nhận thấy nhu cầu sử dụng phân hữu cơ trên địa bàn thị xã rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách, tiềm ẩn nguy cơ nguy cơ gây hại tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Do đó, sau khi về hưu, bà đã cùng những nông dân có cùng đam mê thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh để tìm lại màu xanh cho môi trường.

Trùn quế hiện được nuôi rộng rãi và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trùn quế được dùng làm thức ăn vô cùng bổ dưỡng cho gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Phân trùn quế là chất thải thu từ trùn quế, có tác dụng tăng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng cho cây; tăng khả năng miễn dịch cho cây trồng; chứa nhiều hệ vi sinh tốt cho cây trồng; làm cho đất tơi xốp và giữ ẩm; điều hòa sinh trưởng một cách tự nhiên…

Nuôi trùn quế, một hợp tác xã của tỉnh Quảng Ninh còn mở thêm các trang trại vệ tinh- Ảnh 1.

Ông Đồng Quang Cường (cầm mic) hướng dẫn nông dân huyện Hải Hà quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế. Ảnh: Bùi My

Tham quan mô hình trình diễn nuôi trùn quế của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh, anh Nguyễn Thế Khánh (xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, anh thấy đây là mô hình thiết thực vì phân bón hữu cơ có vai trò quan trọng đối với phát triển nông nghiệp bền vững. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu tài liệu và vận động các hộ cùng triển khai thực hiện mô hình nuôi trùn quế.

Bởi vậy, phân trùn quế không chỉ là phân bón hữu cơ hữu hiệu cho các loại cây trồng, mà còn cải thiện đất bị thoái hóa, thiếu chất dinh dưỡng. Phân trùn quế đặc biệt thích hợp để ươm cây giống, trồng rau, củ, quả hữu cơ. Quá trình ủ phân trùn quế có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình.

"Dù phân trùn quế không thể thay thế hoàn toàn phân hóa học, nhưng có thể giảm lượng phân hóa học, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại nguồn nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn người tiêu dùng" – bà Vịnh cho biết.

Theo bà Vịnh, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh sử dụng giống trùn quế lai vì chúng có kích thước lớn, ăn rất khỏe và tạo ra phân năng suất hơn. Ngoài ra, giống trùn quế lai hợp với môi trường, khí hậu tại địa phương, kháng bệnh tốt. Chỉ sau 3 tháng, mô hình trình diễn tại HTX đã sản xuất được 3 loại sản phẩm từ trùn quế: Phân trùn quế dạng bột, phân trùn quế viên nén và chế phẩm vi sinh.

Nuôi trùn quế bằng phế phẩm nông nghiệp

Chia sẻ về quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế, ông Đồng Quang Cường – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh cho hay, trùn quế rất dễ nuôi, nhưng đôi khi chỉ vì những lỗi nhỏ có thể dẫn đến thất bại.

Theo kinh nghiệm của ông Cường, nuôi trùn quế lai không khó, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, dễ chăm sóc. Cơ bản là phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho trùn quế sinh sống, tưới nước và giữ độ ẩm luôn khoảng trên 80%, che chắn bảo vệ cho trùn quế không bị chuột, cóc, kiến, dế trũi, mò đỏ cắn chết.

Chuồng nuôi trùn quế phải đảm bảo các yếu tố: Che mưa, che nắng, mát mùa hè, tránh gió lùa vào mùa đông. Bên cạnh đó, cần che lưới đen quanh chuồng, đảm bảo độ thoáng và kín gió 4 phía chuồng nuôi.

"Nền chuồng phải thấm nước tốt, không nên làm nền bê tông. Nếu tận dụng cơ sở cũ có sẵn nền bê tông hay nền đất thịt thấm nước kém, chúng ta phải lót một lớp cát. Như vậy khi lỡ tưới quá, trùn quế không bị chết đuối" – ông Cường chia sẻ.

Tự tay bốc nắm trùn quế giới thiệu với phóng viên, ông Cường chia sẻ, thức ăn của trùn quế rất đơn giản, đa dạng như phân gia súc, gia cầm, bã thải của bể biogas, bã sắn, bã đậu, bã mía, bèo tây, thân cây chuối… Ngoài ra, có thể tận dụng rác thải hữu cơ từ nhà bếp để nuôi trùn quế.

Tuy nhiên, cần xử lý các loại phân gia súc, gia cầm, phế phẩm nông nghiệp hợp lý trước khi cho trùn quế ăn. Ngoài ra, nên cho trùn quế ăn nổi trên bề mặt, hạn chế cho ăn chìm như thông tin tư vấn trên mạng internet. Nguyên nhân bởi khối thức ăn chìm lên men sẽ sinh nhiệt khiến trùn quế không chịu nổi. Ngoài ra, môi trường chìm tạo nên hệ yếm khí, làm phát sinh một loạt khí độc như CH4, H2S, CO, khiến trùn quế bỏ đi hoặc chết. "Cần hiểu rõ đặc điểm tại địa phương để chọn giống phù hợp, tìm ra cách nuôi cụ thể, tùy vào mục đích để có cách cho ăn khô hoặc cho ăn ướt…" – ông Cường cho hay.

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Thông thường, sau thả giống lần đầu khoảng 40-45 ngày, khi lớp sinh khối dày lên cũng là lúc người nuôi có thể thu phân trùn quế và kết hợp san đàn. Theo tính toán của ông Cường, với mật độ dày và cho ăn, chăm sóc tốt, với diện tích 1.000m2, mỗi tháng người nuôi có thể thu được 80 tấn phân trùn quế. Nuôi trùn quế thực sự là mô hình giúp xóa đói giảm nghèo tốt nhất từ trước đến nay, mang nhiều hiệu quả.

Với mong muốn nhân rộng mô hình nuôi trùn quế, khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp bền vững, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh đã bắt đầu xây dựng các trang trại vệ tinh trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Hiện tại, trên địa bàn thị xã Quảng Yên đã có 3 hộ đăng ký làm trang trại vệ tinh, mỗi trang trại có diện tích khoảng 2000m2.

Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển thêm các trang trại vệ tinh trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm khác như dịch trùn quế, trùn quế giống, trùn quế ép đông…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem