Ô nhiễm bụi, tiếng ồn "phủ" nhiều điểm tại TP.HCM

Ngọc Phạm Thứ hai, ngày 26/10/2015 18:10 PM (GMT+7)
Nồng độ các chất ô nhiễm tại khu vực ngã tư An Sương có giá trị cao nhất trong 15 vị trí quan trắc chất lượng không khí do Chi cục bảo vệ môi trường TP.HCM thực hiện.
Bình luận 0

Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 6 tháng đầu năm 2015 tại 15 vị trí quan trắc trên địa bàn TP.HCM cho thấy, nhiều nơi có hàm lượng bụi và mức ồn vượt quá mức cho phép quy định trong Tiêu chuẩn Kỹ thuật Quốc gia.

Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn từ các hoạt động giao thông gây ra. Trong đó, ngã tư An Sương là khu vực ô nhiễm nghiêm trọng nhất ở cả nhóm ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

img

Theo Chi cục bảo vệ môi trường TP.HCM, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay gây ra bởi các hoạt động giao thông.

Cụ thể, hàm lượng trung bình theo giờ của bụi lơ lửng tại 15 vị trí quan trắc dao động từ 174,09 - 615,33 μg/m3, có 47,56% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn (theo quy chuẩn, giới hạn nồng độ bụi lơ lửng trung bình 1 giờ là 300 μg/m3). Các trạm quan trắc nói trên ghi nhận tình trạng ô nhiễm bụi tại 8 khu vực sau theo thứ tự giảm dần như sau: Vòng xoay Hàng Xanh, THPT Hồng Bàng, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, huyện Bình Chánh, ngã 6 Gò Vấp, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh và vòng xoay An Sương.

Về ô nhiễm âm thanh, các trạm quan trắc ghi nhận mức ồn dao động từ 55,09 - 79,30 dBA. 61,25% trong số các giá trị đo được vượt quá quy chuẩn (quy chuẩn tùy khu vực, tối đa 70dBA). Các mức ồn vượt chuẩn tập trung tại 9 trạm quan trắc sau, theo thứ tự tăng dần: Ven đường Hồng Bàng, vòng xoay Hàng Xanh, trạm trên đường Thống Nhất, huyện Bình Chánh, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngã 6 Gò Vấp và vòng xoay An Sương.

Trong khi nồng độ các khí độc NO2 và CO gần như tuyệt đối không vượt ngưỡng tại các trạm quan trắc, nồng độ khí SO2 hoàn toàn trong mức cho phép; thì trạm quan trắc tại huyện Bình Chánh ghi nhận nồng độ bụi PM10 là 150,8μg/m3, nhỉnh hơn so với giá trị quy chuẩn 150μg/m3.

Trước đó, mù khô xuất hiện trên diện rộng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận hồi đầu tháng 10 đã làm gia tăng 6 lần nồng độ bụi mịn PM2.5 so với thông thường, theo thông tin từ trạm quan trắc Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM vào ngày 6.10.

img

Mù khô có chứa bụi mịn, rất nguy hiểm với sức khỏe của con người.

PGS. TS. Tôn Thất Lãng - Phó trưởng khoa Môi trường (Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM) cho biết, tình hình bụi và tiếng ồn như trên đã vượt mức cho phép, là một vấn đề đáng lo ngại cho cuộc sống của người dân.

“Đặc biệt hai loại bụi PM10 và PM2.5 có trong không khí ô nhiễm là rất nguy hiểm, có thể vượt qua hệ thống bảo vệ của con người để đi vào đường hô hấp, gây các bệnh tai mũi họng, viêm phế quản, tim mạch”, ông Lãng nói.

Ông Lãng giải thích thêm, PM10 và PM2.5 tương ứng chỉ kích thước hạt bụi nhỏ hơn hoặc bằng 10μm và 2,5μm.

Từ đó, PGS. TS. Tôn Thất Lãng cho rằng, các đơn vị chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố nên phun nước vào các giờ cao điểm; còn người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế đi lại vào giờ cao điểm và nên dùng phương tiện giao thông công cộng thay cho xe máy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem