Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai, Mường Bon (huyện Mai Sơn) rất phù hợp với trồng các loại rau màu. Tận dụng lợi thế này, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển một phần đất sản xuất nông nghiệp sang trồng rau xanh, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với loại cây trồng khác, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Mô hình trồng rau của gia đình ông Vương Đức Cường là một điển hình như vậy.
Hiện đang là thời điểm gia đình ông Cường trồng hành.
Trao đổi với phóng viên ông Cường cho hay, tôi quê gốc ở Hưng Yên, năm 1981, lên Sơn La theo tiếng gọi của Đảng lên xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi chọn bản Mai Tiên (Mường Bon) làm nơi an cư để làm ăn. Lên vùng đất mới mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ ít đất sản xuất, gia đình tôi cũng vậy.
Cây rau màu rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Mường Bon.
Vốn là người siêng năng, chịu khó, bao nhiêu đất mùa ngô ông trồng ngô, mùa sắn trồng sắn, mùa nào cây đấy. Mới đầu ngô, sắn bán được giá cũng có đồng ra đồng vào, vài năm gần đây xuống giá trầm trọng, ngô, sắn không còn đem lại cuộc sống ấm no cho người nông dân. Cuộc sống vất vả, khó nhọc ông Cường phải đi nhiều nơi làm thêm tích góp tiền về lo cuộc sống gia đình. Năm 2008, phong trào chuyển cơ cấu cây trồng trên địa bàn bắt đầu mở rộng, một số hộ trồng rau ở Mai Tiên phát triển tốt cho thu nhập ổn định. Thấy vậy ông liền bắt trước, chuyển một phần đất sang trồng rau và cũng thấy hiệu quả hơn hẳn.
Nhờ trồng rau mà cuộc sống của gia đình ông Cường ngày càng khá lên.
“Nếu như trồng ngô, trồng sắn rộng cả hécta, cùng lắm mỗi vụ chỉ lãi 20 – 30 triệu đồng, riêng khu vườn rau này chỉ vỏn vẹn 2.000 m2 đất, mà năm nào cũng ngót thu hơn 100 triệu. Điều mà nhiều người không ngờ tới. Khí hậu và đất ở Mường Bon rất phù hợp với trồng rau màu, hơn nữa nơi đây còn có nguồn nước dồi dào, suối chảy quanh năm. Vì thế tôi quyết định chọn trồng rau”, ông Cường chia sẻ.
Hệ thộng tưới tự động tại vườn rau của ông Cường.
Tuy nhiên, trồng rau cũng như chăm con mọn, hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng lúi húi ngoài vườn, hết làm làm đất, bón phân, nhổ cỏ, rồi lại thu hoạch rau đi bán… cứ như thế quanh năm suốt tháng, không lúc nào ngơi tay. Nhưng bù lại rau trồng được quanh năm, thương lái đến hợp đồng mua liên tục, bán hết lứa này lại chuyển sang lứa khác, “suy đi tính lại” công việc trồng rau lãi cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác.
Mùa nào cây nấy thu hoạch xong hành, ông Cường lại tiếp tục trồng rau cải bắp, đỗ...
Theo ông Cường, người trồng rau phải có kỹ thuật và kinh nghiệm, phải nhận biết được mùa nào trồng loại rau gì, chọn cây giống gì cho phù hợp, chăm sóc ra sao cho hiệu quả năng suất cao chất lượng tốt. Thường là tháng 2 – 3 trồng hành, tháng 7 – 8 trồng bắp cải, su hào, đỗ… mỗi một loại rau có cách chăm sóc khác nhau. Đặc biệt là để chất lượng rau ngon thì không nên lạm dụng quá nhiều phân hóa học, chỉ nên dùng phân hữu cơ, các loại phân từ phế phẩm nông nghiệp như phân ủ hoai mục từ phân chuồng cộng với vỏ trấu, mỗi loại một ít… bón đúng chu kỳ, đúng quy định liều lượng. Ngoài ra, để tiện cho việc chăm sóc ông Cường đầu tư lắp thêm hệ thống tưới tự động xung quanh vườn, vừa hiệu quả lại hạn chế được nhân công.
Vườn hành chuẩn bị cho thu hoạch.
Với sự phát triển rộng rãi của phong trào trồng rau màu ở Mường Bon, Hợp tác xã rau sạch Tiên Sơn ra đời. Năm 2014, gia đình ông Cường đăng ký làm thành viên của HTX, tham gia sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, việc sản xuất theo nhóm hộ đã tạo sự liên kết thuận lợi trong việc tìm đầu của sản phẩm. Ngoài bán cho các chợ đầu mối, rau của gia đình ông Cường còn được nhập bán tại một số siêu lớn ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…
Hiện nay, nghề trồng rau đang đem lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân ở xã Mường Bon. Từ trồng rau cuộc sống của nhiều nông dân ngày càng khá lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.