Ở Quảng Bình, hợp tác xã này áp dụng công nghệ gì mà làm 200 tấn hải sản khô/năm, lãi tiền tỷ?
Ở Quảng Bình, hợp tác xã này áp dụng công nghệ gì mà làm hơn 200 tấn hải sản khô/năm, lãi tiền tỷ?
Trần Anh
Thứ tư, ngày 18/09/2024 09:09 AM (GMT+7)
Hợp tác xã sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn do bà Nguyễn Thị Đoàn (ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) làm Giám đốc đang áp dụng công nghệ cao để sản xuất thủy hải sản khô, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, cơ sở này đạt lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng.
Thành lập Hợp tác xã giúp ngư dân tiêu thụ cá, tôm
Đang đóng gói hàng hóa để gửi ra cứu trợ bà con gặp nạn do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra, bà Nguyễn Thị Đoàn (ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Là dân vùng biển bãi ngang Quảng Bình nên tôi thấu hiểu được cảnh tàn phá xóm làng mỗi khi bão ập vào bờ. Xem hình ảnh trên báo, đài về hậu quả bão, lũ để lại tôi xót xa lắm. Mong bà con các tỉnh phía Bắc sớm vượt qua".
Clip: Bà Nguyễn Thị Đoàn - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn (ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ việc áp dụng công nghệ cao để sản xuất thủy hải sản khô
Ngồi trò chuyện với PV báo Dân Việt, bà Đoàn nhớ lại: "Bản thân tôi từ nhỏ đã theo mẹ đi thu mua tôm, cá ở các thuyền về chợ bán. Sau này, mẹ mất, tôi thay mẹ làm lụng nuôi các em.
Ngày đó, cha đi biển về, tôi lại mang cá, tôm vừa đánh bắt được để lấy tiền mua gạo. Công việc lặp lại mỗi ngày khiến nó trở nên quen thuộc trong cuộc sống của tôi".
Lớn lên, bà Nguyễn Thị Đoàn bén duyên với nghề giáo viên mầm non. Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh hải sản vẫn thôi thúc bà.
"Thực tế ở xã biển Hải Ninh, nguồn thủy hải sản ngư dân đánh bắt về rất dồi dào, tươi ngon nhưng gặp khó trong tiêu thụ vì thương lái mua ít, ép giá. Thế nên, ngoài giờ dạy trên lớp, tôi dành thời gian đi thu mua hải sản và chế biến để góp phần hỗ trợ cho bà con tiêu thụ sản phẩm và giá cả ổn định hơn", bà Đoàn cho hay.
Đến năm 2018, bà Nguyễn Thị Đoàn gác lại việc dạy học rồi vay mượn người thân và vay vốn 100 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh để đẩy mạnh sản xuất.
Cuối năm đó, bà Đoàn thành lập Hợp tác xã sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn (HTX Vương Đoàn) với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng cùng 11 thành viên tham gia.
Bình quân mỗi ngày HTX Vương Đoàn thu mua từ 3 - 10 tấn hải sản các loại. Nhờ phát triển bền vững, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 13 nhân công với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Những lúc vào vụ mùa, bà thuê thêm lao động thời vụ, có khi lên đến 100 người với mức lương 200.000 đồng/người/ngày.
Sản phẩm của HTX được tiêu thụ khá nhanh trên thị trường, phân phối tại các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, một số sản phẩm của HTX còn có mặt trên thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Lào…
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất
Theo bà Nguyễn Thị Đoàn, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại với công suất lớn vào sản xuất để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại HTX Vương Đoàn, áp dụng công nghệ hiện đại bảo quản thủy sản trong môi trường lạnh khô ở nhiệt độ và độ ẩm thấp (40 - 45%) có tác dụng ức chế làm giảm tốc độ các phản ứng sinh hóa trong thực phẩm, gia tăng thời gian bảo quản và giữ nguyên chất lượng sản phẩm.
Cấp đông được ứng dụng trong việc đông lạnh thủy sản nhằm giúp thủy hải sản được đông lạnh nhanh, đều với số lượng lớn nhất. Công nghệ bảo quản đông duy trì nhiệt độ thấp (-18o C) để bảo quản sản phẩm sau công đoạn cấp đông.
Để đảm bảo độ tươi của nguyên liệu đầu vào, cơ sở sử dụng đá bào để cấp đông nhanh nguyên liệu giúp cho nguyên liệu luôn tươi ngon và giữ được hương vị của nguyên liệu hải sản. Bên cạnh đó, hợp tác xã đầu tư hệ thống máy làm đá vảy Herbin 5 tấn/ngày.
Hợp tác xã còn đầu tư hệ thống công nghệ xử lý nước thải, với công nghệ xử lý sinh học, hệ thống các bể xử lý được xây âm dưới nền đất nhằm khử mùi, đảm bảo các yêu cầu về điều kiện vệ sinh môi trường trong sản xuất theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo môi trường làm việc cho các thành viên hợp tác xã và người lao động, vừa đảm bảo môi trường sống xung quanh hợp tác xã được sạch sẽ, trong lành.
Đến nay, HTX Vương Đoàn đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là mực khô xé sợi và tôm khô và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là cá bờm trắng đã xuất khẩu qua thị trường Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra có nhiều sản phẩm như ruốc khô, mực 1 nắng, cá cơm, cá nục khô, nước mắm.... được người tiêu dùng đánh giá cao.
"Sản lượng sản xuất hằng năm của HTX Vương Đoàn đạt trên 200 tấn thủy hải sản khô và trên 100 tấn thủy hải sản tươi sống. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, hợp tác xã thu về lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng", bà Nguyễn Thị Đoàn chia sẻ.
Với những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Đoàn đã được các cấp khen thưởng. Hiện, HTX Vương Đoàn đang được Hội Nông dân tỉnh này đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét chọn biểu dương Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Quang Tuyển – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), cho biết; "Bà Nguyễn Thị Đoàn là một phụ nữ làm kinh tế giỏi của địa phương, sản phẩm của đơn vị bà làm ra đạt chất lượng cao. Đáng chú ý, nhiều lao động nữ đang làm ở cơ sở của bà Nguyễn Thị Đoàn là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua việc thu mua hải sản, HTX Vương Đoàn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho trên 1.100 lao động bằng nghề đi biển đánh bắt thủy hải sản, với nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.