Bắt đầu từ ngày 6.1 tới đây, Thông tư số 57/2015/TT-BCA Hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là thông tư 57/2015) sẽ chính thức có hiệu lực. Để bạn đọc nắm được những thông tin cơ bản của thông tư 57/2015 và những quy định liên quan đến việc trang bị thiết bị PCCC phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH).
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
PV: Thưa Đại tá, căn cứ nào để xác định phương tiện cơ giới được trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đúng tiêu chuẩn quy định?
- Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Điều 4, Thông tư 57/2015 nêu rõ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy gồm 2 nhóm chính. Một là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên thì trang bị phương tiện chữa cháy. Hai là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Danh mục và định mức trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối cụ thể với từng nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nêu trên được quy định rõ tại phụ lục I và phụ lục II ban hành kèm theo thông tư 57/2015.
Từ ngày 6.1, ô tô 4 chỗ trở lên không trang bị thiết bị PCCC sẽ bị phạt từ 300.000 đến 500.000đ.
Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có bắt buộc phải kiểm tra định kỳ về trang bị phương tiện PCCC không?
- Trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đã được quy định rất rõ tại Điều 18 Nghị định 79/2014/NĐ-CP.Trong đó, chủ phương tiện PCCC có trách nhiệm tự kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất về an toàn PCCC phương tiện giao thông cơ giới. Cảnh sát PCCC có thẩm quyền kiểm tra an toàn PCCC đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn PCCC hoặc vi phạm quy định về PCCC và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.Ngoài ra, việc kiểm tra định kỳ trang bị phương tiện PCCC cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn do cơ quan đăng kiểm đường bộ thực hiện. Nếu các phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định thì cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Căn cứ theo các quy định pháp luật, lực lượng Cảnh sát PCCC được quyền xử lý ô tô không trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trong những trường hợp nào?
- Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, lực lượng Cảnh sát PCCC được quyền xử lý ô tô không trang bị phương tiện PCCC trong các trường hợp sau: Một là thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định. Hai là phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Phụ lục 1 quy định Danh mục và định mức trang bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đại tá có thể cho biết, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy hoặc trang bị không đầy đủ sẽ bị xử lý thế nào?
- Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ – CP, các phương tiện giao thông cơ giới không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng theo quy định thì bị phạt tiền từ 300 – 500 nghìn đồng; Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Đại tá có lời khuyên gì để người dân có thể trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy theo đúng tiêu chuẩn quy định?
- Hiện trên thị trường có rất nhiều cơ sở kinh doanh phương tiện vật tư, thiết bị Phòng cháy chữa cháy người dân có thể dễ dàng mua để trang bị. Tuy nhiên, để trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn, người dân cần lưu ý chỉ mua phương tiện đã được kiểm định về phòng cháy chữa cháy và dán tem kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.
Xin cảm ơn Đại tá!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.