Olympic Tokyo 2020: Người tị nạn cũng được thỏa ước mơ

Ngân Xuyên (Theo báo nước ngoài) Thứ tư, ngày 04/08/2021 14:40 PM (GMT+7)
Tại Olympic Tokyo 2020, có 2 đoàn thể thao tham dự không được cử quốc ca và kéo cờ là đoàn Ủy ban Olympic Nga (ROC) và đoàn Olympic người tị nạn (ROT).
Bình luận 0

Đoàn ROT tham dự Olympic lần đầu tại Rio 2016 với 10 VĐV. Năm nay, tại Tokyo 2020, ROT có 29 VĐV tranh tài ở 12 môn thể thao.

ROT gồm đại diện của các nước Afghanistan, Syria, Congo, Eritrea, Venezuela, Sudan, Nam Sudan, Cameroon, Iran, Iraq. Mỗi người trong số họ đã phải đấu tranh với hoàn cảnh sống để theo đuổi đam mê thể thao của mình và tới được đấu trường Thế Vận hội. Sau đây là 2 gương mặt điển hình.

Nữ VĐV xe đạp của Afghanistan

Đó là Masomah Ali Zada, 25 tuổi. Cô sinh ở quê nhà Afghanistan, lên 1 tuổi cùng gia đình chuyển sang Iran tránh căng thẳng chính trị. Tại đây, người bố đã dạy cho 2 chị em cô đi xe đạp. Năm 10 tuổi Masomah cùng cả nhà quay lại quê hương, tiếp tục tập xe đạp nhưng chịu sự phản đối của người dân Afghanistan. Sau khi bị quân Taliban đe dọa, cô phải trốn chạy.

Olympic Tokyo 2020: Người tị nạn cũng được thỏa ước mơ - Ảnh 1.

Ali Zada. Ảnh: O.T

Bây giờ, cô sống ở Pháp. “Rất khó để đạp xe trong cuộc đua thể thao. Nhiều người chặn xe, đe dọa và chửi mắng, thậm chí ném đá. Họ coi việc này là trái với văn hóa và tôn giáo của chúng tôi. Đơn giản là họ thấy cái việc con gái đạp xe là lố lăng”, cô nhớ lại.

Tại Olympic Tokyo 2020, Ali Zada về đích cuối cùng trong cuộc đua cá nhân, nhưng cô không buồn. “Tôi được tham gia Olympic, thế là đã thắng lợi. Tôi muốn gửi thông điệp đến những người nghĩ rằng phụ nữ không có quyền chơi đua xe đạp và tìm mọi cách hạn chế các quyền của phụ nữ. Nếu các ông bà không cho chúng tôi quyền, chúng tôi sẽ đấu tranh để có được nó", Ali Zada chia sẻ

Bradley Wiggins, VĐV xe đạp Anh, 5 lần giành HCV Olympic bày tỏ sự thán phục: “Khi còn nhỏ, tập luyện xe đạp ở Kabul, cô ấy đã bị những người đàn ông đánh đập và ném đá. Họ bị choáng khi thấy một cô gái đạp xe không có ai đi kèm. Vấn đề không phải là kết quả, mà ở việc cô ấy đã có mặt tại đây và ở những gì cô ấy đã trải qua".

Bây giờ Masomah Ali Zada cảm thấy sung sướng: “Tôi muốn thi đấu cho đất nước mình, nhưng vì quy chế tị nạn nên tôi không có cơ hội ấy. Dù sao tôi vẫn hạnh phúc được có mặt trong đoàn thể thao đại diện cho 82 triệu người (số người tị nạn trên thế giới). Họ đang sống ở những đất nước mới, trong những nền văn hóa mới, với những con người mới. Tôi hy vọng họ sẽ làm việc, học tập hết mình, sẽ chơi thể thao, và truyền được năng lượng tích cực cho những người xung quanh".

Nữ VĐV bơi của Syria

Đó là Yusra Mardini, người cầm cờ cho ROT. Đây là lần thứ hai cô tham dự Olympic. Năm 18 tuổi cô đã thoát chết và lập kỳ tích cứu 18 người trên biển Aegean.

Đấy là thời gian xảy ra cuộc nội chiến ở Syria, ngôi nhà cô bị phá hủy. Vì thế Yusra cùng em gái Sara chạy từ Damascus (thủ đô Syria) qua Beirut (thủ đô Lebanon), Istanbul (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) và Izmir (một thành phố biển của Thổ Nhĩ Kỳ). Đến Thổ Nhĩ Kỳ họ thỏa thuận sẽ thuê một thuyền máy đi sang Hy Lạp, nhưng con thuyền chỉ có thể chở 7 người đã chất lên 20 người. Đi được một lúc con thuyền tròng trành và bắt đầu bị chìm trên biển Aegean.

Olympic Tokyo 2020: Người tị nạn cũng được thỏa ước mơ - Ảnh 2.

Yusra Mardini. Ảnh: O.T

Mọi người hoảng loạn. Chỉ có 3 người là không gồm Yusra, Sara và một cô gái nữa. Suốt 3 giờ liền, 3 cô gái đã vừa bơi vừa kéo con thuyền trên có 17 người đến tận đảo Lesbos và cứu được tất cả đoàn người cùng đi.

“Tôi là một VĐV bơi lội nên để thuyền bị chìm thì thật là nhục. Khi bơi như thế rất nặng nề, khó khăn: Bạn thấy hòn đảo trước mặt, thấy lửa sáng trên đó, nhưng bơi mãi không đến. Muốn khóc mà không được, muốn uống cũng không thể vì bạn đang ở trên biển. Bạn chỉ cảm thấy muối mặn thấm vào tận xương cốt. Không thể buông tay phó mặc tất cả - bạn có trách nhiệm không chỉ với riêng mình. Điều quan trọng là không được để mất hy vọng và phải tiếp tục bơi”, Yusra, lớn lên trong gia đình có bố là HLV bơi lội nói.

Bây giờ Yusra sống ở Đức. Tại Rio 2016, ở nội dung bơi bướm 100 mét nữ, cô đã vượt qua 4 VĐV để về đích thứ 41 trong tổng số 45 người bơi. Tại Tokyo 2020, thời gian bơi của cô được cải thiện (1 phút 6 giây 78 so với 1 phút 9 giây 21 so với kỳ trước), cuộc đua gay cấn hơn và cô xếp hạng cuối cùng thứ 33. Tuy nhiên, cũng giống Masomah Ali Zada, đối với Yusra Mardini chiến thắng không phải là điều quan trọng mà việc được tranh tài ở Olympic mới là điều hạnh phúc nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem