Trường học vùng khó, đặc biệt là trường nội trú, đều dành điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt, học tập để học sinh tập trung ôn thi giai đoạn nước rút.
Tư vấn chọn môn thi phù hợp
Từ đầu năm học, Trường PTDTNT Nam Trà My (Quảng Nam) đã tư vấn cho học sinh lớp 12 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT và định hướng lựa chọn bài thi tổ hợp ... Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tư vấn cho học sinh đăng ký bài thi tổ hợp từ đầu năm học để sớm tổ chức phụ đạo nên giáo viên sẽ phân tích kết quả học tập các môn học từ năm học trước. Điểm mạnh, yếu của học sinh, khả năng tư duy, nhớ, lựa chọn ngành nghề trong tương lai cũng được cân nhắc kỹ”.
Ngay sau khi có đề tham khảo, các trường THPT yêu cầu giáo viên dạy lớp 12 nghiên cứu cấu trúc để nắm bắt các nội dung cốt lõi. Trên cơ sở phân tích đề tham khảo, các tổ chuyên môn phân công giáo viên xây dựng chương trình ôn tập, ngân hàng đề thi thử sao cho sát với đề tham khảo để sử dụng trong quá trình ôn tập. Các trường đồng thời giao tổ nhóm bộ môn xây dựng đề tương tự cho học sinh làm thử nhằm vững kiến thức, rèn kỹ năng làm bài.
Qua kết quả đăng ký, Trường PTDTNT Nam Trà My xây dựng kế hoạch xuyên suốt năm học, phân công giáo viên tiến hành dạy phụ đạo ôn luyện thi tốt nghiệp THPT ngay từ tuần đầu năm học.
Khi kết thúc năm học, nhà trường tiếp tục tổ chức nuôi dưỡng và dạy ôn luyện cho học sinh lớp 12 đến sát ngày diễn ra kỳ thi. Trong đó, 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, học sinh sẽ học phụ đạo chung theo lớp truyền thống. Trường có 56/58 học sinh lớp 12 chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH) được tổ chức phụ đạo tại trường. Riêng 2 học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) được tạo điều kiện về thời gian để tham gia các lớp luyện thi ngoài nhà trường.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) cũng tư vấn cho học sinh chọn tổ hợp môn tự chọn phù hợp với năng lực để tập trung cho mục tiêu chống trượt. Nhà trường có 100% học sinh lựa chọn bài thi KHXH. Từ nay đến trước kỳ thi, giáo viên sẽ tăng cường dò bài dưới nhiều hình thức như trả lời phiếu hỏi, kiểm tra bài toàn lớp...
Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức gặp toàn thể học sinh lớp 12 phổ biến một số nội dung chính về Quy chế thi tốt nghiệp, định hướng lựa chọn tổ hợp môn. Nhà trường có 286 học sinh chọn tổ hợp KHTN và 271 học sinh chọn tổ hợp KHXH.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “1 hoặc 2 môn trong bài thi tổ hợp KHXH hoặc KHTN sẽ nằm trong tổ hợp môn đăng ký xét tuyển sinh đại học. Học sinh thường có tâm lý dành nhiều thời gian cho các môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển đại học, với môn xét tốt nghiệp THPT thì chỉ cần đủ điểm. Chính vì vậy, nếu học sinh được đăng ký ôn tập theo đúng nguyện vọng sẽ nâng cao hiệu quả tiết ôn tập, chất lượng xét tuyển sinh đại học cũng cải thiện”.
Cá nhân hóa việc học
Tại Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), theo chia sẻ của cô Phạm Thị Liên – Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, sau khi có đề minh họa của Bộ GD&ĐT, các nhóm bộ môn tiến hành họp, phân tích đề - ma trận đề và thống nhất lên kế hoạch ôn tập tốt nghiệp theo cấu trúc đề minh họa. Nhà trường đã triển khai trong các cuộc họp Hội đồng sư phạm và Tổ chuyên môn về phương pháp tiếp cận đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập từng học sinh.
Trong đó bao gồm cả phương pháp truyền thống và sáng tạo; từ việc tổ chức học tăng cường vào buổi chiều, ôn tập theo nhóm, triển khai tập huấn phương pháp dạy học tích cực cho giáo viên toàn trường đến sử dụng nền tảng trực tuyến, công cụ học tập số, phần mềm hỗ trợ học sinh làm bài online như hoclieu.vn, Quizizz, Blooket, phần mềm làm bài thi tốt nghiệp giải đề các năm; cung cấp tài liệu ôn tập chất lượng do giáo viên các nhóm chuyên môn thiết kế bám sát chương trình và cấu trúc đề minh họa năm 2024.
“Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng cá nhân hóa việc học cũng như quá trình ôn tập cho học sinh. Thầy cô sẽ lập kế hoạch học tập cá nhân, phát hiện và hỗ trợ điểm yếu, áp dụng kỹ thuật đánh giá tiến độ học tập và cách thức cung cấp phản hồi hiệu quả để các em cải thiện kịp thời, thúc đẩy động lực cho học sinh”, cô Liên nhấn mạnh.
Nêu thực trạng có nhiều phương thức thi/xét tuyển ĐH nên học sinh ôn và thi tốt nghiệp THPT với nhiều mục tiêu khác nhau, thậm chí có em thể hiện thái độ chủ quan trước kỳ thi, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trao đổi, nhà trường có kế hoạch tăng tiết ôn thi tốt nghiệp với thời lượng phù hợp môn thi, đáp ứng mục tiêu thi tốt nghiệp của học sinh.
Trong thời gian ôn thi, giáo viên giúp học trò xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với mục tiêu cá nhân và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Thầy cô cũng kiểm tra, khảo sát thường xuyên nhằm giúp các em rèn luyện sự tập trung trong bài thi; rà soát kiến thức để điều chỉnh kế hoạch ôn tập.
Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức ôn tập 3 môn Toán, Ngữ văn và Anh văn từ tháng 10/2023 dựa trên đăng ký của học sinh. Từ đầu tháng 3/2023, nhà trường bắt đầu xếp lớp ôn tập các môn trong tổ hợp lựa chọn theo danh sách học sinh đăng ký. Lớp phụ đạo cho những em có nguy cơ “trượt” được tổ chức ngay từ đầu năm học vẫn tiếp tục duy trì.
Theo cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THTP Nguyễn Hiền, với học sinh khuyết tật không thuộc diện đặc cách, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm trang bị kiến thức cơ bản, rèn tinh thần bước vào kỳ thi. Trường THPT Nguyễn Hiền còn xây dựng chuyên đề “Giảm stress mùa thi”, “Bí quyết đạt điểm cao” để tư vấn, đồng hành, chia sẻ, giúp học sinh khối 12 vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Nâng cao khả năng tự học
Căn cứ vào phương án và cấu trúc đề thi tham khảo, Ban Giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chỉ đạo các tổ xây dựng nội dung và phương pháp ôn tập phù hợp từng bộ môn. Điều chỉnh ngân hàng câu hỏi hiện có của nhà trường thành hệ thống ngân hàng câu hỏi, bài tập phù hợp đảm bảo 4 yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả.
Cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là bước đệm quan trọng cho cơ hội học tập và nghề nghiệp tương lai của học sinh. Mục tiêu chính của quá trình ôn tập tốt nghiệp THPT không chỉ giúp trò củng cố kiến thức, kỹ năng cần thiết đạt điểm cao trong kỳ thi mà còn phát triển khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả.
Thời điểm này, nhà trường dạy đúng chương trình theo khung kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Tới khoảng tháng 5, thầy cô sẽ tăng cường ôn tập cho học sinh khối 12. Trên cơ sở phân loại từng học sinh, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể. Các giải pháp tăng cường gồm hướng dẫn học sinh phương pháp ôn tập hiệu quả, kỹ năng làm bài, đọc và hiểu đề. Với những em yếu về kiến thức, giáo viên tăng cường phụ đạo để đảm bảo phần nội dung cơ bản.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Võ Thành Trinh (An Giang) có 380 học sinh khối 12. Như mọi năm, khi hoàn thành việc kiểm tra cuối học kỳ II và chương trình năm học sẽ dành thời gian ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Thầy Hiệu trưởng Trần Nguyễn Khái Hưng chia sẻ, đầu năm học, thực hiện hướng dẫn của Sở GD&ĐT An Giang, nhà trường có kế hoạch để chủ động tăng tiết các môn học nhằm hoàn thành chương trình vào khoảng 20/4.
Sau khi có kết quả học tập của học kỳ I, giáo viên mỗi lớp rà soát những em có học lực chưa tốt để tổ chuyên môn và ban giám hiệu nắm bắt. Từ đó có cách thức hỗ trợ phù hợp để bổ trợ kiến thức, kỹ năng cần thiết trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng đó, ban giám hiệu thường xuyên tổ chức các buổi họp với giáo viên bộ môn nhằm nắm thông tin, tình hình học và ôn tập của học sinh để hỗ trợ kịp thời.
Trong đó có công tác phối hợp giữa gia đình học sinh với thầy cô, nhất các em học lực chưa tốt. Từ đó, phụ huynh tham gia vào quá trình phối hợp, đôn đốc thường xuyên con em học hành, ôn tập chu đáo để các em tiến bộ và cảm nhận sự quan tâm, chia sẻ từ thầy cô, phụ huynh cùng đồng hành trong quá trình học và ôn tập tại trường.
Đặc biệt, An Giang có hội đồng giáo viên cốt cán các bộ môn do sở GD&ĐT ra quyết định thành lập. Đội ngũ này có nhiệm vụ nắm bắt và sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn chuyên môn cho các bộ môn thi tốt nghiệp và các trường THPT để ôn tập cho học sinh sâu sát, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Trường PTDTNT Nam Trà My đã lên kế hoạch tổ chức ít nhất 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT để học sinh làm quen cấu trúc đề, thời lượng, hình thức thi, củng cố kiến thức, tâm lý, kỹ năng cần thiết trong kỳ thi... Nhà trường căn cứ kết quả thi thử chỉ đạo giáo viên rút kinh nghiệm, xác định trọng tâm trong ôn tập cho học sinh...
Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết, điều chỉnh mức hỗ trợ học sinh miền núi ôn thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng lên. Cụ thể, học sinh các trường THPT miền núi được hỗ trợ tiền ăn với mức 1,44 triệu đồng/tháng; tiền ở 180 nghìn đồng/tháng, chỉ áp dụng đối với học sinh không được bố trí ở tại ký túc xá.
Thời gian kể từ khi kết thúc năm học đến ngày thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, hỗ trợ giáo viên 120 nghìn đồng/tiết (môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ: 8 tiết/1 tuần/lớp; các môn thi còn lại 4 tiết/1 tuần/lớp). Nhiều năm nay, Quảng Nam có chính sách hỗ trợ học sinh lớp 12 ở miền núi ở lại trường để ôn tập thi tốt nghiệp THPT sau khi bế giảng năm học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.