Dự lễ công bố quyết định phân công nhiệm vụ của Bộ Chính trị có ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban Bí thư và ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức T.Ư. Ông Phạm Minh Chính đã thay mặt Bộ Chính trị đọc quyết định phân công ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT - nhận nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Ông Đinh La Thăng (bìa trái) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM..
Tại buổi công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công cán bộ, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu: “Tôi rất vinh dự và xúc động khi được Đảng và Bộ Chính trị tin tưởng giao cho trọng trách công tác tại Đảng bộ TP.HCM. Tôi xin trân trọng cảm ơn lời phát biểu nhắn nhủ, thật lòng, đầy trách nhiệm và tình cảm sâu nặng của đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – người lãnh đạo với vai trò đầu tàu, gương mẫu, đầy trách nhiệm, đã gắn bó máu thịt với đồng bào và đã có những cống hiến rất to lớn, quan trọng đối với thành phố trong nửa thế kỷ qua. Để thành phố ngày càng lớn mạnh, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho một việc duy nhất đó là cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, kế tục một cách xứng đáng sự nghiệp vẻ vang, được xây dựng bởi các vị tiền bối mà tôi kính trọng”.
Tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng bộc bạch: “Áp lực lớn nhất của tôi là nhận trách nhiệm lãnh đạo một trung tâm lớn về kinh tế-văn hóa-giáo dục-khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của cả khu vực phía Nam, có vị trí địa lý chính trị và chiến lược quan trọng của cả nước. Mong muốn lớn nhất của tôi là được kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, được duy trì bền vững bởi những nhà lãnh đạo tài năng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã có đóng góp to lớn trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới. Hôm nay được gánh vác công việc của những người tiền nhiệm mà đồng chí Lê Thanh Hải đáng kính, là niềm tự hào to lớn của cá nhân tôi. Những gì mà Thành ủy TP.HCM, những người tiền nhiệm và đồng chí Lê Thanh Hải, đồng chí Võ Văn Thưởng đã đóng góp ở thành phố sẽ là nguồn động lực và niềm tin rất lớn để tôi làm việc và hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí về điều đó”.
Ông Đinh La Thăng cũng cam kết: “Tôi xin cam kết sẽ cùng với các đồng chí bắt tay thực hiện một giai đoạn đổi mới thành công tốt đẹp, cùng với Đảng bộ và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi nghị quyết ĐH Đảng bộ TP.HCM lần thứ X với quyết tâm cao để thành phố không ngừng phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng TP.HCM có chất lượng tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết ĐH lần thứ XII của Đảng, xứng đáng thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố anh hùng. Đó là trách nhiệm của tập thể chúng ta, của cá nhân tôi, đồng thời cũng là mong ước của nhân dân thành phố. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi tha thiết và thành tâm mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của những đồng chí lão thành cách mạng, của các đảng viên, nhân sĩ trí thức và đặc biệt là nguồn trí tuệ cùng với lòng yêu nước trong nhân dân…”.
Trước đó - ngày 4.2, ông Đinh La Thăng đã gặp mặt chúc Tết cán bộ công nhân viên chức tại Bộ GTVT. Ông Thăng nói "Đây có lẽ là bài phát biểu cuối của tôi trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT".
Trưởng thành từ Đoàn
Ông Đinh La Thăng sinh năm 1960 tại tỉnh Nam Định. Ông Đinh La Thăng có thời gian dài công tác tại Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà, sau này là Tổng Công ty Sông Đà.
Từ năm 1989, ông Thăng là Phó Kế toán trưởng, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà. Sau đó, ông Đinh La Thăng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Sông Đà.
Đến năm 2001, ông Thăng giữ vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Sông Đà. Ông Thăng là Đại biểu Quốc hội từ khóa XI.
Năm 2003, ông Thăng được luân chuyển giữ vị trí Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.
Năm 2006, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thời gian này, ông Thăng đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Năm 2011, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, ông Thăng tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, ông Thăng được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ GTVT.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII vừa qua, ông Thăng được Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị.
“Tư lệnh ngành” quyết đoán
Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Thăng được coi là một "tư lệnh ngành" hết sức quyết đoán. Trong thời gian giữ vị trí trên, ngành giao thông đã hoàn thành hơn 700km đường cao tốc, hoàn thành hai "đại dự án" mở rộng QL1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Từ khi nhận vị trí "tư lệnh ngành giao thông", ông Đinh La Thăng đã nhiều lần “thay tướng”, “trảm tướng” để đẩy nhanh tiến độ dự án, đẩy nhanh công việc tái cơ cấu ngành.
|
Đây cũng là khoảng thời gian nguồn vốn xã hội hóa đổ vào lĩnh vực giao thông đạt con số gấp nhiều lần giai đoạn trước đây.
Bộ GTVT thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình bày dự án xây dựng sân bay Long Thành trước Quốc hội và được chấp thuận chủ trương.
Từ khi nhận vị trí "tư lệnh ngành giao thông", ông Thăng đã nhiều lần “thay tướng”, “trảm tướng” để đẩy nhanh tiến độ dự án, đẩy nhanh công việc tái cơ cấu ngành.
Lần đầu thay tướng của ông Thăng là ở dự án nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng. Còn gần đây nhất - ngày 3.2 vừa qua, ông Thăng đã ký văn bản yêu cầu cách chức Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội vì đề xuất mua toa xe cũ từ Trung Quốc.
Trước quyết định kể trên, Bộ trưởng Thăng cũng đã từng thay tướng tại lĩnh vực đường sắt. Đó là trường hợp ông Nguyễn Đạt Tường - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được cho thôi chức vì "công việc không chạy". Người thay thế ông Tường là ông Vũ Tá Tùng - nguyên Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.