800 tỷ: Cú bắt tay thua lỗ
Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thoả thuận với Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC), được PVN giới thiệu cử làm viên HĐQT kiêm chức vụ Tổng giám đốc của OceanBank từ ngày 1.12.2008 đến 27.12.2010, làm Uỷ viên HĐQT ngân hàng từ ngày 28.4.2009 đến 18/4/2011 và đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng từ 6.12.2010 đến 10.5.2011.
Đến thời điểm ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là PVN chiếm 20%, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) chiếm 20%, Công ty TNHH VNT chiếm 20% và công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.
Quá trình chỉ đạo, điều hành có nhiều vi phạm, dẫn đến nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng Đại Dương; lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu.
Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Đại Dương với giá 0 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng mất trắng.
Trong khi đó, đại diện PVN biện luận rằng: Về hiệu quả của khoản đầu tư trên, từ 2009 tới 2013, theo báo cáo tài chính thì OceanBank hoạt động có hiệu quả, năm nào PVN cũng được chia cổ tức với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. “Điều đó cho thấy đứng về mặt kinh tế và đầu tư tài chính là hiệu quả... còn thật sự hiệu quả hay không chúng tôi đang chờ phán quyết của tòa" - đại diện PVN lý giải.
Loạt sếp lớn bị khởi tố
Trong một số nội dung kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan tới vụ “mất trắng” 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại OceanBank.
Kết luận nêu rõ: Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009-2015 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại Dương mất 800 tỷ đồng.
Trong đó, ông Đinh La Thăng , Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009-2011.
"Ông Thăng cũng phải chịu trách nhiệm vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18.09.2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên", kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Cũng theo kết luận, ông Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Ngay trong quá trình xét xử vụ OceanBank, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của PVN để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng.
Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng - kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Có 5 người bị khởi tố gồm Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh - Phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Vũ Khánh Trường - nguyên Ủy viên HĐQT PVN.
Đáng chú ý, tại phiên xét xử vụ OceanBank vào ngày 14. 9.2017, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7.9.2010 do Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) PVN Đinh La Thăng ký. Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm: Cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau. “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15.10.2010”, nội dung văn bản chỉ đạo.
Gần 3 tháng sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, có những vi phạm nghiêm trọng trong việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ocean Bank và mất trắng số tiền này.
Hà Duy (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.