CTCP Tập đoàn Masan (cổ phiếu MSN) vừa có văn bản gửi HOSE về việc ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch HĐQT của công ty đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí này nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định mới của pháp luật áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Ông Hồ Hùng Anh đang đương nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Ông Hồ Hùng Anh thôi chức phó chủ tịch MSN, chọn ghế chủ tịch Tecombank (Ảnh: IT)
Theo văn bản này, từ ngày 13.4.2018, ông Hồ Hùng Anh chỉ giữ chức Chủ tịch HĐQT Tecombank.
Quyết định của ông Hồ Hùng Anh cũng giống như quyết định của nhiều doanh nhân đang giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng và doanh nghiệp khác như bà Thái Hương từ nhiệm vị trí Chủ tịch của Tập đoàn TH để làm phó Chủ tịch của Ngân hàng Bắc Á, ông Dương Công Minh chọn vị trí Chủ tịch HDDQT của Sacombank thay vì Chủ tịch của Him Lam, ông Đỗ Minh Phú cũng chọn TPBank thay vì Doji.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970. Ông là thành viên HĐQT của Techcombank từ năm 2004 và trở thành Chủ tịch Techcombank từ năm 2008. Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan (tên cũ của CTCP Tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến nay.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh không giữ nắm cổ phiếu MSN nhưng vợ và em dâu ông Hùng Anh nắm lần lượt 5,7 triệu (chiếm 0,54%) và 6,8 triệu cổ phiếu (0,64% số cổ phiếu đang lưu hành) Masan.
Tại Techcombank, ông Hồ Hùng Anh nắm hơn 13,1 triệu cổ phiếu. Mẹ ông nắm gần 88.000 cổ phiếu.
Tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu MSN ngày 13.4 là 102.500 đồng/cp và cổ phiếu Techcombank trên sàn OTC là khoảng 115.000 đồng/cp, giá trị tài sản gia đình ông Hồ Hùng Anh tại hai tổ chức này đạt gần 2.800 tỷ đồng.
Ở một diễn biến liên quan, Techcombank đã khởi động đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào ngày thứ 6, ngày 13.04, với mục tiêu huy động nhiều nhất là 922 triệu USD. Giá chào bán của đợt IPO này vào khoảng 120.000-128.000 đồng/cp.
Đợt IPO của Techcombank sẽ còn lớn hơn cả đợt chào bán cổ phần của Vincom Retail hồi năm ngoái với lượng vốn huy động được 700 triệu USD.
Cổ phiếu TCB của Techcombank sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và được kỳ vọng có mức định giá từ 6,1 tỷ USD cho tới 6,5 tỷ USD. Nếu đúng như thế thì Techcombank sẽ lọt vào top 10 công ty Việt Nam có vốn hóa lớn nhất.
Trước đó, Ngân hàng này cũng nhận được tin vui khi quỹ Warburg Pincus đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD vào Techcombank hồi tháng 3.2018, cũng là đợt đầu tư vốn tư nhân lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.