Ông Nguyễn Đức Chung nêu lý do nguy cơ lây nhiễm nCoV ở Hà Nội cao

Thành An Thứ tư, ngày 05/02/2020 19:47 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: “Nhiệm vụ quan trọng số 1 là đánh giá liệu có xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) hay không thì có thể nói là vẫn có nguy cơ cao xảy ra bởi vì người Trung Quốc lưu trú trên địa bàn chúng ta đông”.
Bình luận 0

Nguy cơ lây nhiễm virus corona cao

Chiều 5/2, phát biểu tại cuộc họp thông tin về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung – Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch 2019-nCoV của Hà Nội cho biết, đến giờ phút này trên địa bàn thành phố chưa phát hiện có trường hợp nào lây nhiễm chéo nCoV. 

“Nhiệm vụ quan trọng số 1 là đánh giá liệu có xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) hay không. Có thể nói là vẫn có nguy cơ cao xảy ra bởi vì người Trung Quốc lưu trú trên địa bàn chúng ta đông, gồm cả học sinh theo học, công nhân trong các công trường rồi khách đi du lịch lưu trú vẫn còn ở lại. Điểm trung chuyển của chúng ta qua sân bay Nội Bài qua các con đường người dân tham gia đi lao động phổ thông ở các tỉnh biên giới của Trung Quốc cũng có... Nên nguy cơ lây nhiễm cao” – ông Chung nói.

img

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) của Hà Nội chủ trì cuộc họp thông báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. (ảnh: T.An)

Theo đó, người đứng đầu UBND Hà Nội xác định, nhiệm vụ số 1 chính là các ngành từ công an đến các cấp cơ sở phải tập trung vào tuyên truyền vận động để những người thuộc diện đối tượng phải cách ly phải tự giác trao đổi thông tin, tự phát hiện các người này để cách ly. 

“Có 4 đối tượng là tất cả những người đi qua tỉnh Hồ Bắc, các đồng chí thấy có một trường hợp Việt kiều Mỹ chỉ “transit” (quá cảnh –PV) qua sân bay Vũ Hán 2 tiếng đồng hồ mà về đến TP HCM đã bị rồi. Xác định đã transit qua Hồ Bắc thì như là người bệnh.

Các tỉnh thành còn lại của Trung Quốc đều đang bị nhiễm, các nước, các vùng ở xung quanh chúng ta đã bị nhiễm thì tăng cường phát hiện những người có thể đến từ các khu vực này và từ đó có mầm lây nhiễm chéo người dân. 

Đặc biệt, chú ý như trường hợp người nhà ở Vĩnh Phúc ngồi chơi cũng bị lây. Việc lây nhiễm này cả trong thời gian ủ bệnh nên nhiệm vụ số 1 là tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền để tự giác trình báo và phát hiện để đưa vào kiểm soát, cách ly” – Chủ tịch Hà Nội nói.

Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Đức Chúng cũng nhấn mạnh đến việc các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân tự phòng ngừa, trong đó, tất cả người dân phải tham gia như tự vệ sinh gia đình, tự khử trùng, đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng, ở ngoài đường. 

Thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho chính mình và thực hiện vệ sinh môi trường gia đình. “Đề nghị lồng ghép các bệnh tật liên quan đến hàng năm, là các trường hợp sốt xuất huyết, cúm mùa, H5N1, tuyên truyền tất cả các bệnh…” – ông nói.

Đồng thời ông Chung yêu cầu tất cả các cơ sở từ phường, xã đến quận, huyện, phòng y tế và trung tâm phòng chống bệnh tật phải tiêu trùng khử độc tại tất cả các trụ sở cơ quan, tất cả các nhà ga, bến tàu và đặc biệt các trường học từ mẫu giáo đến đại học. “Đã làm một lần rồi thì trước ngày 9/2 này nếu như không có thông báo mới và phải đi học thì trước khi đi học thì tiếp tục tiêu độc khử trùng lần nữa” – ông Chung lưu ý.

Xử lý nghiêm trường hợp trục lợi

Chủ tịch UBND Hà Nội cũng nhắc nhở, liên quan đến các cơ sở sản xuất các trang thiết bị cho phòng ngừa, phòng chống, đặc biệt đối với 3 mặt hàng rất quan trọng là khẩu trang, các chất tẩy rửa, liên quan đến nguyên liệu sản xuất khẩu trang, quần áo thì Sở Công Thương, Quản lý thị trường và Công an Thành phố tăng cường kiểm tra. 

“Sở Công Thương phải họp các đơn vị lại, tìm nguồn cung, nguyên vật liệu mới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhập từ Trung Quốc hiện không nhập được nữa thì phải tìm thị trường khác như Ấn Độ, Nam Phi, các nước Châu Âu để sản xuất đủ nhu cầu và dự trữ.

Sở Tài chính và Sở Y tế khẩn trương đề xuất để mua đủ nhu cầu chuẩn bị cho các trang thiết bị cho các đội cơ động cũng như là cho các bệnh viện, trạm y tế của xã, phường, thị trấn mà chúng ta tới phải phòng ngừa. Kinh phí thì lấy từ nguồn kinh phí của Thành phố. Trong ngày mai phải hoàn thành” – ông Chung yêu cầu.

Báo cáo tại cuộc họp, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, đến nay, Công an TP.Hà Nội đã có các kế hoạch và gửi văn bản chỉ đạo đếncác đơn vị của CATP cũng như Công an các quận, huyện, thị xã nhằm thực hiện tốt các kế hoạch của Chính phủ và TP.

Trong đó, đã chỉ đạo các đơn vị xuất nhập cảnh từ Công an Thành phố (CATP) đến cơ sở để quản lý cư trú các đối tượng người nước ngoài. 

Cụ thể, từ 1/1/2020 đến 10h ngày 5/2, có 2.937 công dân ở Trung Quốc đến tạm trú trên địa bàn Hà Nội tại 1.259 cơ sở lưu trú và 126 người Trung Quốc đã quay trở lại Việt Nam sau kì nghỉ Tết Nguyên đán 2020 trên tổng số 1.474 người Trung Quốc đầu tư, lao động, học tập tại TP.Hà Nội.

Đáng chú ý, trên địa bàn có 7 người Trung Quốc nhập cảnh chưa qua 14 ngày, hiện nay đang được cách ly tại nhà riêng và nơi làm việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem