Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Văn Hiến được áp dụng tình tiết giảm nhẹ
Ông Nguyễn Văn Hiến - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được xem xét giảm nhẹ như thế nào?
Hiếu Đam
Thứ bảy, ngày 21/03/2020 14:11 PM (GMT+7)
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến được Viện Kiểm sát cho rằng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Phóng viên Dân Việt đã trao đổi với Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch để hiểu rõ hơn về những người hợp được xét tình tiết giảm nhẹ.
VKS Quân sự Trung ương đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cự Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân - QCHQ) và các bị can liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Theo đó, ông Hiến bị VKS truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các thuộc cấp Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng Phòng kinh tế QCHQ), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng Phòng tài chính QCHQ), Trần Trọng Tuấn (cựu đại tá, phó giám đốc Công ty Hải Thành thuộc QCHQ) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Cáo trạng xác định ông Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký phê duyệt các văn bản để đưa ba khu đất quốc phòng (số 2, số 7-9 và 9-11 tổng cộng hơn 7.300 m2 đường Tôn Đức Thắng) vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.
Sau khi ủy quyền cho giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng, ông đã không kiểm tra, dẫn đến việc các đối tác dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba.
Hậu quả làm QCHQ mất quyền quản lý sử dụng ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 939 tỉ đồng.
Bên cạnh đó qua phân tích, VKS cũng đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị can là thành khẩn khai báo, trong quá trình công tác cựu đô đốc có nhiều công lao đóng góp cho công cuộc xây dựng biển đảo của tổ quốc, xây dựng quân đội.
Cụ thể, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng, giấy khen trong quá trình công tác, có nhiều công lao đóng góp cho công cuộc xây dựng biển, đảo Tổ quốc, xây dựng quân đội và được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Hiến có anh trai ruột là liệt sĩ và bản thân đang mắc bệnh.
Liên quan đến vấn đề Viện kiểm sát đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết trường hợp xin giảm nhẹ nêu trên là đúng quy định pháp luật và nhân văn.
"Trong quá trình kiểm sát điều tra cũng như giữ quyền công tố tại phiên toà thì ngoài việc truy tố các bị can đúng người, đúng tội, Kiểm sát viên - đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà còn có trách nhiệm đánh giá đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo để Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình đối với các bị cáo.
Trong trường hợp Viện Kiểm sát không đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ này, mà bản thân các bị cáo đủ điều kiện được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đã được pháp luật quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử vẫn phải áp dụng khi quyết định hình phạt cho các bị cáo", luật sư Tuấn Anh phân tích.
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Vị luật sư cũng cho biết, giả thiết, trong trường hợp đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại toà đề nghị áp dụng thiếu tình tiết giảm nhẹ và Hội đồng xét xử cũng áp dụng thiếu các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo có quyền kháng cáo đối với nội dung còn thiếu đó của bản án sơ thẩm và yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng đầy đủ những tình tiết giảm nhẹ để giảm hình phạt đối với mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.