Ông Tất Thành Cang qua mặt Thành ủy vụ chuyển nhượng đất ở Nhà Bè?

Hồ Văn Thứ sáu, ngày 16/11/2018 13:05 PM (GMT+7)
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thành ủy TP.HCM, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Bình luận 0

Theo đó, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc… Vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP, và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Vi phạm này xảy ra trong vụ Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận, chuyển nhượng hơn 32ha đât tại xã Phước Kiểng-Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường-Gia Lai.

img

Ông Tất Thành Cang đã có những phát biểu ấn tượng khi chưa bị xem xét kỷ luật. Ảnh: T.L

Dư luận đang đặt ra nghi vấn, có hay không nhóm lợi ích, yếu tố trục lợi trong việc chuyển nhượng đất công sản ở Phước Kiểng (Nhà Bè) với giá “bèo bọt”. Bởi với một cán bộ cấp cao như Phó bí thư Tất Thành Cang lại có thể vi phạm tính tập trung dân chủ trong việc chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất công sản trái thẩm quyền cho tư nhân.

Trước đó, chiều 4.6, UBKT Thành ủy đã ra thông báo “Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, giao Ủy ban kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.

Trước đó nữa, ngày 6.5, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có kết luận “Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang có trách nhiệm trong việc chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất ở xã Phước Kiểng (Nhà Bè) không đúng thẩm quyền. Ban thường vụ Thành ủy yêu cầu đồng chí Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang kiểm điểm trách nhiệm trong vụ việc chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.

Dư luận xã hội cho rằng, việc xử lý sai phạm của ông Tất Thành Cang như trên là chậm so với vụ chuyển nhượng đất ở xã Phước Kiểng của Công ty Tân Thuận cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Cụ thể, ngày 19.4.2017 Công ty Tân Thuận tiến hành cuộc họp Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh. Ngày 24.4.2017, Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai họp bàn phương án chuyển nhượng khu đất. Ngày 25.4.2017, ông Trần Công Thiện, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận có tờ trình số 354/TTr-TT trình lên Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận. Ngày 26.4.2017, cũng ông Thiện thay mặt Hội đồng thành viên tiếp tục trình lên lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Phòng quản lý Đầu tư-kinh doanh Vốn (thuộc Văn phòng Thành ủy) về phương án chuyển nhượng đất và hợp tác với Quốc Cường Gia Lai. Có thể thấy, chỉ trong vòng 7 ngày Công ty Tân Thuận đã hoàn tất quy trình chuyển nhượng lô đất công sản cho Quốc Cường Gia Lai.

Đến ngày 1.6.2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 512-TB/VPTU, thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất trên. Nghiêm trọng hơn, ông Cang đã cho ý kiến chỉ đạo là chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân (thay vì "hợp tác kinh doanh" như tờ trình của Công ty Tân Thuận đề xuất). Ngày 5.6.2017, bằng Hợp đồng Chuyển nhượng số 203 và các Phụ lục Hợp đồng đính kèm, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng khu đất 32,4 ha cho Quốc Cường Gia Lai với đơn giá rẻ mạt 1.290.000 đồng/m2.

img

Khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà công ty Tân Thuận chuyển giao cho Quốc Cường-Gia Lai sau khi ông Cang ký chấp thuận chủ trương. Ảnh: T.L

Với vụ chuyển nhượng này, Công ty Tân Thuận thu về cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Trong khi giá đất thị trường tại thời điểm bán dao động khoảng 8 - 10 triệu đồng/m2, với một phép toán đơn thuần thì giá chuyển nhượng khu đất phải khoảng 2.400 tỷ đồng. Và như vậy, trong vụ chuyển nhượng này nhà nước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Một điều trùng hợp không thể ngẫu nhiên khiến dư luận không thể nghi ngờ, vụ chuyển nhượng đất “siêu tốc độ” này trùng với thời gian ông Đinh La Thăng  khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) bị kỷ luật, cách chức (sau này bị xử án tù tổng cộng 30 năm). 

Cụ thể, từ ngày 24 đến 26.4.2017 Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp và ra thông báo về những sai phạm của ông Đinh La Thăng. Trước đó, từ giữa tháng 4.2017  ông Đinh La Thăng gần như không còn hoạt động gì với tư cách Bí thư Thành ủy.  Đến ngày 7.5.2017, tại phiên họp lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng mới chính thức kỷ luật và điều ông Đinh La Thăng ra làm Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương.

Như vậy, từ giữa tháng 4.2017 đến ngày 10.5.2017, TP.HCM không có Bí thư Thành ủy, ông Tất Thành Cang với cương vị là Phó bí thư thường trực Thành ủy được xem như là lãnh đạo cao nhất của Thành ủy TP.HCM lúc đó. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra quá trình chuyển nhượng khu đất công sản “siêu tốc độ” cho Quốc Cường Gia Lai theo chủ trương chấp thuận của ông Cang.

Qua đó, có thể thấy rằng ông Tất Thành Cang đã lợi dụng vị trí chức vụ của mình ở thời điểm đó để chấp thuận chủ trương chuyển nhượng khu đất sai thẩm quyền; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ Thành phố; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình. Việc thấy rõ nhất là từ chủ trương chấp thuận của ông Cang, Công ty Tân Thuận đã ký chuyển nhượng đất công sản không báo cáo với tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy

Đến ngày 10.5.2017, ông Nguyễn Thiện Nhân mới được Bộ Chính trị phân công đảm nhiệm vị trí Bí thư Thành ủy TP.HCM. Và trên cương vị mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy vào cuộc.

Theo công bố của Thành ủy TP.HCM, từ tháng 6.2017 Công ty Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất nêu trên cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. Việc ký chuyển nhượng này không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.

Đến ngày 18.4.2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp khẩn lần đầu tiên và yêu cầu Công ty Tân Thuận phải nhanh chóng đàm phán với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại huyện Nhà Bè.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cho biết, việc đưa ra yêu cầu này là do việc ký kết hợp đồng đã không tuân thủ theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc Đảng bộ TP.HCM.

Có hay không nhóm lợi ích, yếu tố trục lợi trong việc chuyển nhượng trái thẩm quyền khu đất công sản cho công ty tư nhân? Trong lần trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt ngày 23.4, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội nhìn nhận  “từ những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, yếu tố trục lợi trong giao dịch giữa Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, công ty của nhà Cường đô la, và Công ty Tân Thuận là khá rõ ràng”.

Dư luận cũng đang đặt nghi vấn, có hay không sự thông đồng giữa bên chuyển nhượng (Công ty Tân Thuận) và bên nhận chuyển nhượng (Công ty Quốc Cường Gia Lai) để gây thất thoát tài sản nhà nước?  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem