"Ông Tất Thành Cang sẽ chỉ đạo thế nào khi viết lịch sử Thủ Thiêm?"

PV Thứ hai, ngày 01/04/2019 12:00 PM (GMT+7)
Việc ông Tất Thành Cang làm Phó Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM” khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu sự phân công này có phù hợp khi một người đã từng “dính” kỷ luật của Đảng?
Bình luận 0

img

Sau khi bị kỷ luật ông Tất Thành đã được phân công nhiệm vụ mới (đồ họa Việt Anh).

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện, đối với trường hợp cán bộ thoái hóa, có nhiều vi phạm, bị thi hành kỷ luật với hình thức cách chức thì không nên sắp xếp vào vị trí lãnh đạo nữa.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng, đối với người làm công tác liên quan đến viết sử thì phải chính đạo, là người trung thực, tâm sạch, người chỉ đạo làm công việc viết sử lại là người từng có những vi pham khiến dư luận sẽ rất băn khoăn.

“Dư luận đặt câu hỏi, ông Tất Thành Cang sẽ chỉ đạo thế nào khi viết về lịch sử phát triển của Thủ Thiêm - TP.HCM (ông Tất Thành Cang có liên quan đến sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm –PV), rồi những vấn đề có liên quan đến việc làm sai phạm trước đó của ông Cang liệu ông có chỉ đạo để viết trung thực, khách quan”, đại biểu Nhưỡng nói.

Dư luận cho rằng, một người có những sai phạm, bị thi hành kỷ luật ở mức cao thì tốt nhất không nên bố trí vào một công việc có tính chất lãnh đạo, chỉ đạo nào nữa. Trường hợp cán bộ có tự trọng thì tốt nhất nên chủ động rút ra khỏi bộ máy.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực nào, làm ở vị trí nào cũng phải có đạo đức, chứ không phải làm công tác liên quan đến lịch sử. Ông Sửu cho rằng, việc ông Tất Thành Cang vừa bị Trung ương thi hành kỷ luật lại được phân công làm Phó Ban chỉ đạo công trình Lịch sử TP.HCM là chưa phù hợp, dư luận sẽ có những nhìn nhận không tốt.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì cho rằng, ông Tất Thành Cang sau khi bị kỷ luật vẫn là Thành ủy viên, nghĩa là diện cán bộ do Thành ủy TP.HCM quản lý nên chịu sự phân công công việc của Thành ủy. Việc bố trí công việc mới cho ông Cang là do Thành ủy TP.HCM xem xét, quyết định dựa trên những căn cứ mà trong tổ chức mới nắm rõ.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 khóa XII (tháng 12.2018), Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Cụ thể, ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.

Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem