Ông Trần Duy Tùng vừa bị khởi tố liên quan tới vụ bán Cảng Quy Nhơn giá bèo?

P.V (Tổng hợp) Thứ sáu, ngày 29/03/2019 16:05 PM (GMT+7)
Từng được giới kinh doanh biết tới với vai trò thành viên HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn, ông Trần Duy Tùng, con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà còn là người đại diện pháp luật của Tập đoàn An Phú. Tuy nhiên, với diễn biến mới đây liên quan tới vụ cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn giá bèo và có hay không việc ông Trần Duy Tùng bị bắt liên quan tới Cảng Quy Nhơn.
Bình luận 0

Con trai cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà vừa bị khởi tố là ai?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Trần Duy Tùng, con trai của cựu Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 26.3, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Trần Duy Tùng (1985) để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố bị can, đồng thời khám xét nơi ở đối với ông Trần Duy Tùng (SN 1985), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (trụ sở TP.Quy Nhơn), để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông Trần Duy Tùng bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (trụ sở TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.

img

Ông Trần Bắc Hà (ngoài cùng bên phải) và con trai Trần Duy Tùng (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Internet).

Trước khi bị khởi tố, ông Trần Duy Tùng, con trai cựu Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, từng được giới kinh doanh biết tới với vai trò là người đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn An Phú, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khai khoáng, năng lượng có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Công ty này từng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng số vốn đầu tư 298 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn, sau giai đoạn cổ phần hóa, ông Trần Duy Tùng cũng từng là cái tên được nhắc đến với vai trò thành viên HĐQT. Theo đó, vào tháng 7.2016, Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã bầu ông Trần Duy Tùng tạm thời làm thành viên HĐQT, thay cho ông Trần Tuấn Nghĩa có đơn từ nhiệm vào giữa năm 2016.

Sau đó, ông Trần Duy Tùng, con trai cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc  Hà, tiếp tục được Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Cảng Quy Nhơn 2017 chấp thuận chính thức trở thành thành viên HĐQT. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi có tin đồn liên quan đến cha mình là ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng rút lui khỏi Công ty CP Cảng Quy Nhơn vì lý do sức khỏe, bận bịu trong công việc ở Hà Nội. Ông Trần Duy Tùng sau đó đã được chấp thuận rút khỏi thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn.

Theo báo cáo của HĐQT tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2017, tổng thù lao các thành viên HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã nhận vào trong năm 2016 theo phê duyệt tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2016 là 69 triệu đồng. Tổng thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát chỉ là 93,6 triệu đồng.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT nhận thù lao 2,6 triệu đồng/tháng, các thành viên HĐQT nhận thù lao 1,6 triệu đồng/tháng. Ngoài khoản thù lao công việc nêu trên, thành viên HĐQT còn được hưởng tiền thưởng và có quyền được thanh toán các chi phí ăn, ở, đi lại và chi phí hợp lý khác mà họ chi trả khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Căn cứ theo những thông tin trên, tổng tiền lương mà ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch BIDV nhận được trong năm 2016 sau khi tạm thời làm thành viên HĐQT có thể chỉ là 9,6 triệu đồng.

Còn trong tờ trình phê duyệt thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2017, tổng thù lao không tăng lên nhiều so với năm 2016, chỉ đạt 114 triệu đồng. Trong đó, chủ tịch HĐQT nhận thù lao 3,3 triệu đồng/tháng, còn thành viên HĐQT nhận thù lao 2 triệu đồng/tháng.

Với mức thù lao này, trong 3 tháng ngắn ngủi giữ chức thành viên HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn, ông Trần Duy Tùng có thể chỉ nhận số tiền thù lao công việc là 6 triệu đồng.

Lỗ hổng cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn

Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, đến năm 1993 thì Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Cảng Quy Nhơn và năm 2009 cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Vào tháng 7.2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hoá, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).

Ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất lớn, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng mặc dù thời điểm đó cảng có lượng tiền mặt gần 53 tỷ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng.

img

Một góc Cảng Quy Nhơn. (Ảnh: Internet)

Vào tháng 7.2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hoá, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP). Sau khi được cổ phần hóa, đơn vị sở hữu cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung nhanh chóng thuộc về doanh nghiệp tư nhân - Công ty CP Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành.

Trong kết luận thanh tra việc cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ việc đề xuất, tham mưu, quyết định tỉ lệ vốn do nhà nước nắm giữ khi cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã có những khuyết điểm, vi phạm.

Trong đó, Bộ Giao thông & Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán, ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.

Đáng chú ý là việc Bộ GTVT đã ban hành 2 Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27.12.2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20.5.2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền. Vì vậy, 2 văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước. Trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ GTVT...

Từ những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định, các công ty tư vấn.

Mới đây, trả lời câu hỏi về tiến độ thực hiện thu hồi cổ phần cảng Quy Nhơn tại buổi họp báo quý I.2019 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra chiều tối 28.3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), cuối tháng 2-2019, Bộ đã có văn bản hủy bỏ 2 văn bản do bộ này ban hành liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cảng Quy Nhơn.

Theo đó, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm việc với Công ty Hợp Thành, thống nhất nguyên tắc thu lại 75,01% cổ phần đã bán, tương đương 30.312.262 cổ phiếu.

"Hiện Vinalines đang tiếp tục làm việc với Công ty Hợp Thành. Hợp Thành đề nghị thành lập tổ giữa hai bên để phối hợp trong bảo đảm khai thác cảng trong thời gian này, đồng thời thống nhất thanh toán chi phí trên cơ sở lợi ích giữa 2 bên", Thứ trưởng Đông nói.

Liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra CPH cảng Quy Nhơn, ngày 1-3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng TTCP, cho biết Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để nghe báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra về sai phạm CPH tại đơn vị này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì chỉ đạo Vinalines sớm khẩn trương tiếp nhận, quản lý đối với 75% cổ phần cảng Quy Nhơn theo đúng quy định. Ngoài ra, các bộ ngành tập trung xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm khẩn trương, minh bạch và đúng quy định.

Phát biểu mới đây của Thủ tướng cũng như những số liệu về tài sản hiện có của Cảng Quy Nhơn đưa đến câu hỏi rằng liệu kết quả bán cổ phần trước đây có bị hủy và vai trò của các cá nhân liên quan sẽ thế nào?

Có hay không việc ông Trần Duy Tùng, con trai cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, bị bắt để điều tra có liên quan đến việc bán Cảng Quy Nhơn giá bèo?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem